Nên tăng trần hay bỏ hẳn trần giá vé máy bay?

Bộ GTVT dự kiến từ quý 2 hoặc quý 3 năm 2023 sẽ điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không. Thông tin này một lần nữa làm nóng câu chuyện trần giá vé máy bay. Liệu nên tăng trần hay bỏ hẳn trần giá vé? Điều gì sẽ tốt cho cả doanh nghiệp và hành khách?

Ảnh: VOV

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo báo cáo của Cục Hàng không, thông thường chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Tuy nhiên, tại tháng 11/2022, cùng với biến động tỷ giá VND/USD, chi phí nhiên liệu của các hãng tăng hơn 80% so với tháng 9/2015 góp lần làm tổng chi phí của doanh nghiệp tăng thêm gần 33,5%.

Theo Bộ GTVT dự kiến, từ quý II hoặc III năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó chặng trên 1.000 km tăng hơn 6%. VOV Giao thông đã ghi nhận ý kiến một số người dân về việc “nới” trần vé:

"Nếu mà biên độ vừa phải thấp thì có thể chấp nhận được. Ví dụ cao quá như đi oto từ Nam ra Bắc mất 1 triệu còn đi máy bay mất 2 triệu thì phải cân nhắc, chọn lựa phương tiện khác. Rõ ràng nếu ổn định được mức giá thì người dân đi lại ổn định".

"Nói chung nhà nước nên tính toán hợp lý để người dân đi lại thuận tiện và người khó khăn cũng có thể bay được".

Theo đại diện nhiều hãng hàng không, trần giá vé máy bay "đóng khung" 8 năm qua là bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, tỉ giá, lãi suất... gần đây đều tăng mạnh. Việc nâng giá trần các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn giúp DN vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả.

Chia sẻ của ông Phạm Thanh Sơn – Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines: "Cần xem xét lại việc đặt khung giá cho ngànhh dịch vụ hàng không. Việc xác định 1 khung giá mới phù hợp với tình hình thực tế có tính toán tới quyền lợi lâu dài của khách hàng và sự phát triển hài hoà bền vững của DN".

Ảnh: Vietnambiz

Còn theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàng không VN, với 6 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, thị trường trong nước hiện phủ sóng ít nhất 2 hãng khai thác mỗi chặng. Như vậy, thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh cao, không còn độc quyền: "Có nhiều nhà cung cấp thì sự cạnh tranh sẽ giúp khách hàng được hưởng lợi; cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ để khách hàng lựa chọn. Về giá thì giao cho các Dn tự tính toán và đề ra mức giá làm sao cho hợp lý đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và của người tiêu dùng".

Câu hỏi về việc có nên giữ giá trần vé máy bay hay không tiếp tục được đặt ra. Quản lý giá vé máy bay không chỉ để bảo vệ quyền lợi của hành khách mà cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vé máy bay nội địa nên để thị trường tự quyết định, qua đó, giúp tạo đà tăng trưởng cho ngành hàng không, vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó vẫn cho phép kích cầu để tăng trưởng du lịch: "Để kích cầu các hãng hàng không cần kết hợp với các hãng du lịch để có lượng khách ổn định, và cũng cần kết hợp với các cơ sở hạ tầng về nhà nghỉ khách sạn cũng như với chính quyền địa phương nơi có lượng khách du lịch lớn. để từ đó đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng lên nhưng đồng thời có thể có được tỉ lệ % hợp lý vé 0 đồng hay vé giá rẻ để kích thích lượng du khách đến nhiều hơn".

TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội D) Hàng không VN chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ là những chính sách về giá vé cũng như chính sách kích cầu hàng không du lịch thì không chỉ thúc đẩy cho lĩnh vực hàng không mà cho cả nền kinh tế. Tôi cho nhu cầu có và chúng ta không chỉ thu hút trong nước mà cả nước ngoài".

Trong bối cảnh vẫn còn DN hàng không giữ thị phần chi phối hoặc vị trí thống lĩnh trên một số đường bay nội địa thì vấn đề bỏ giá trần cần được cân nhắc, tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lấy dẫn chứng cụ thể về quy luật lấy kinh tế thị trường làm nền tảng ở hầu hết các quốc gia: "Có 3 luật điều phối hoạt động kinh doanh giá cả, trong đó có luật cạnh tranh, luật chống độc quyền và luật chống bán phá giá để từ đó họ xem xét mức giá hợp lí. Đồng thời có rất nhiều quốc gia phát triển có giá rất rẻ như Mỹ, Úc, Tây Ban Nha, chúng tôi cho rằng chúng ta có thể học họ bằng cách áp dụng kinh tê thị trường và sử dụng luật để điều phối giá cả này".

Quan trọng nhất là cần thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng thì công cụ quản lý bằng giá trần không còn cần thiết.