Liệu áp thuế giá trị gia tăng với phân bón sẽ lợi nhiều hơn?

Theo kế hoạch Kỳ họp thứ VIII Quốc hội khoá XV, ngày 26/11 tới đây Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Hiệp hội phân bón Việt Nam và nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, thuế tiếp tục đề xuất cần có sự điều chỉnh theo hướng đưa từ diện không chịu thuế GTGT về diện chịu thuế GTGT 5%, nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước. Việc áp thuế với phân bón sẽ mang lại lợi ích gì?

Hiệp hội phân bón Việt Nam hiện có hơn 100 thành viên là doanh nghiệp sản xuất phân bón, chiếm hơn 70% thị phần phân bón trên thị trường. Trong 10 năm gần đây, kể từ khi Luật Thuế GTGT có hiệu lực năm 2014, việc đầu tư mới cho các dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp phân bón bị chậm lại. Một số nhà máy phân bón lớn là thành viên của Hiệp hội dây chuyền sản xuất vẫn rất lạc hậu.

Để giúp các doanh nghiệp phân bón trong nước cải thiện dây chuyền sản xuất, quy trình công nghệ, cũng như quá trình nghiên cứu, cải thiện sản phẩm, cần có sự điều chỉnh về thuế GTGT theo hướng đưa thuế GTGT từ diện không chịu thuế về diện chịu thuế GTGT 5%. 

Ảnh nh họa: Báo TN&MT

Ông Lê Văn Ngân - Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, việc áp thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại:

"Các đơn vị sản xuất phân bón trên thế giới ứng dụng khoa học công nghệ rất tiên tiến, hiện đại, giúp tăng năng suất sản xuất, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Do đó, khi áp dụng quy định thuế GTGT 5% chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư vào công nghệ, từ đó giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón công nghệ cao và phân bón thân thiện với môi trường.

Khi đó, chúng ta sẽ có những cải tiến về năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới sẽ dễ dàng hơn. Việc điều chỉnh thuế GTGT từ 0% lên 5% là hết sức cần thiết, giúp doanh nghiệp có động lực để đổi mới công nghệ."

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Nghị trường Quốc hội thời gian qua đã rất “nóng” với vấn đề này vì Luật Thuế GTGT ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt là người nông dân. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng và ban hành chính sách là không để gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, thuế GTGT với phân bón có giá trị không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác, vì vậy cần lắng nghe ý kiến góp ý từ các chuyên gia, các đánh giá dưới góc độ khoa học để có sự thống nhất cao:

"Cái mà chúng ta phải giải quyết bài toán ở đây là liệu chúng ta đưa nó từ không chịu thuế lên chịu thuế 5% thì nó có làm tăng giá sản phẩm, nó có ảnh hưởng bất lợi đến người nông dân hay không, đối với nông nghiệp hay không; Thế rồi nó có bị các doanh nghiệp sản xuất phân bón lợi dụng chuyện đó để tăng giá, để gây ra những cái bất lợi cho nông sản không.

Tôi thấy rằng cái này đã được phân tích rất rõ trong báo cáo với những số liệu rất chi tiết người dân được gì, ngân sách được gì; hai nữa là doanh nghiệp nhập khẩu thì người ta cũng sẽ phải bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Tôi cho rằng quan điểm nếu chúng ta đưa ra là nếu tăng thuế từ việc không chịu thuế lên 5% mà tăng giá thì hoàn toàn không có cơ sở. Chúng ta không thể lấy một cái máy móc là tăng thuế là tăng giá trong câu chuyện này, nhất là đối với loại thuế giá trị gia tăng."

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, thuế GTGT với phân bón có giá trị không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác. Ảnh: Vietnamplus

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc mặt hàng phân bón không phải chịu thuế GTGT là không phù hợp bởi tất cả các loại hàng hoá đưa vào sử dụng trong nền kinh tế quốc dân đều phải chịu thuế GTGT để đảm bảo tính công bằng. Trên thực tế việc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón đã được tính toán kỹ lưỡng và thực hiện ở thời điểm năm 2015 trở về trước rồi:

"Nói về cơ sở khoa học thì chúng tôi tính toán hiện nay thuế GTGT đầu vào nó chiếm khoảng 3,83% giá trị của phân bón. Vì thế, nếu chúng ta áp 5% thì có nghĩa hầu hết các doanh nghiệp phân bón đủ để khấu trừ thuế VAT đầu vào. Nhưng đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm nông nghiệp tăng lên, vì chúng ta khấu trừ nó gần như hết rồi.

Thêm nữa với việc chúng ta khấu trừ được thuế VAT đầu vào giá thành sản xuất phân bón giảm xuống, doanh nghiệp phân bón nếu bán giá hiện nay thì sẽ được lợi nhuận cao hơn, và họ có điều kiện để đổi mới máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng các khoa học công nghệ mới vào việc sản xuất các loại bón mới phù hợp hơn với thị trường, với môi trường, và đồng thời họ có thể hạ giá thành."

Ảnh: Công Hân/Báo Thanh niên

Chuyên gia tư vấn thuế Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cũng đồng tình quan điểm việc áp thuế GTGT 5%. Việc đó sẽ giúp cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phân bón, góp phần hạ giá bán sản phẩm phân bón trong nước, tăng đầu tư công nghệ xanh vào ngành nông nghiệp của Việt Nam:

"Với việc tăng thuế GTGT 5% thì không có nghĩa là giá bán tăng lên mà với bản chất có thể giá thành sản xuất sẽ giảm đi, bởi toàn bộ thuế GTGT đầu vào của các nguyên vật liệu, hoặc máy móc, thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất phân bón đấy sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu ra. Cho nên về tổng thể cũng đã có những bài toán phân tích ở nhiều góc độ khác nhau để có thể thấy rằng xu hướng giảm giá thành phân bón của sản xuất trong nước nó sẽ rõ rệt hơn, và theo đó, nếu cộng thêm 5% thuế GTGT đầu ra đấy thì về tổng thể thì chi phí mà người nông dân cần phải bỏ ra để trả cho phân bón mới có thể sẽ thấp đi.

Trong khi các doanh nghiệp sẽ có những động lực tốt hơn để có thể hạ giá thành, sản phẩm cạnh tranh hơn các sản phẩm phân bón nhập khẩu từ nước ngoài, để góp phần làm tăng trưởng cho nền nông nghiệp của Việt Nam."

Cũng theo các chuyên gia, trước yêu cầu xanh hóa, mục tiêu Netzero và các tiêu chuẩn về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, giảm phát thải khí nhà kính của thế giới ngày càng cao đối với các mặt hàng nông sản. Vì vậy, không thể chậm trễ trong việc sửa đổi chính sách thuế GTGT, bởi lỡ một nhịp sẽ khiến nông sản Việt Nam chịu thiệt thòi trên trường quốc tế, người nông dân chịu hậu quả nặng nề.