Cụ thể, mức lãi suất đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là 4,7%/năm. Trước đó, mức lãi suất này được quy định 4,8%/năm trong năm 2024. Như vậy, trong năm tới, mức lãi suất áp dụng cho chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở giảm 0,1%. Mức lãi suất này đã thực sự ưu đãi?
Nhận định về mức lãi suất này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, đây là mức lãi suất khá hợp lý và mang tính hỗ trợ cao đối với người dân có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Ông Thịnh đánh giá, việc giảm 0,1 điểm % so với năm 2024 là một tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản và các đối tượng có thu nhập trung bình, thấp:
"Mức 4,7% là mức mà NHNN mong muốn hỗ trợ cho vay đối với người muốn vay để sở hữu nhà ở xã hội. Đây là mức thấp so với các mức huy động của các ngân hàng hiện nay. Mức lãi suất này là Nhà nước cũng đã có tính ưu đãi trong việc xác định lãi suất cho vay. Cho nên, ở đây phải nói là Nhà nước đã phải có hỗ trợ cho lãi đối với người mua nhà".
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ quan điểm rằng mức lãi suất 4,7%/năm là một động thái tích cực, thể hiện cam kết của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá nhà ở xã hội thứ cấp thậm chí đã bị đẩy ngang ngửa so với chung cư thương mại. Trong khi, người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp chỉ có thể “trông” vào nhà ở xã hội. Do đó, với mặt bằng giá hiện tại, ngay cả khi lãi suất hạ nhiệt, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn khó có khả năng mua nhà.
Phân tích thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm: "Mức giảm từ 4,8% xuống 4,7% là một mức giảm rất nhẹ và có thể chưa phù hợp với đại đa số bộ phận. Nhà ở xã hội là cho những người có thu nhập thấp. Thành ra một người lao động có thu nhập 10 triệu thôi thì cái tiền mà họ phải trả cho ngân hàng để họ có thể bảo đảm được vấn đề khả năng trả nợ thì khoảng 5 triêu.
Với nhà ở xã hội hiên tại thì giá cũng khá cao, thậm chí có thể lên tới 3 tỷ. Các ngân hàng cho vay ra thì sẽ cho vay tới 80% trên số tiền đó. Mà với sức chỉ có thể trả được khoảng 5 triệu đồng thì lãi suất 4,7% cũng vẫn còn cao. Chính vì thế cần mức lãi suất thấp hơn nữa".
Trong khi đó, chuyên gia về nhà ở xã hội Nguyễn Hoàng Nam,Tổng giám đốc G-Home nhấn mạnh, việc duy trì lãi suất ưu đãi ổn định trong dài hạn là điềuquan trọng để người vay có thể yên tâm lập kế hoạch tài chính lâu dài.
Ông Nam đề xuất cần có các gói hỗ trợ bổ sung như kéo dài thời hạn vay hoặc tăng hạn mức vay để phù hợp hơn với thực tế giá nhà đang tăng cao tại các đô thị lớn: "Với người vay mua nhà thì họ quan trọng là việc vay dài hạn. Do đó, họ cần một lãi suất lâu dài và ổn định. Họ muốn một sự ổn định về biên độ, nếu có thay đổi thì cũng đừng thay đổi quá nhiều. Chứ không phải chúng ta chỉ cần giảm đi 0,1% thì thực sự cũng không ảnh hưởng được nhiều".
Theo các chuyên gia, cùng với lãi suất rẻ, để người dân có thể tiếp cận với nhà ở xã hội thì cần các giải pháp.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, đòi hỏi sự cân bằng cán cân cung - cầu. Theo đó, về phía cung, các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án nhà ở:
"Việc có nhiều chung cư, nhiều nhà ở xã hội bán ra cho người dân là việc làm cực kỳ quan trọng và cần làm hiện nay. Mặc dù chúng ta cần 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 song 1 triệu căn này vẫn là ít so với nhu cầu hiện nay của xã hội. Rõ ràng, chúng ta mong muốn là có nhiều hơn và thời gian xây dựng ngắn hơn. Vì thế, chúng ta phải tìm cách tháo gỡ các khó khăn, tìm những cơ chế hợp lý để từ đó có thể có nguồn cung nhà ở xã hội nhiều hơn, nhanh hơn, giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở phù hợp trong thời gian tới".
Đồng quan điểm, chuyên gia nhà ở xã hội Nguyễn Hoàng Nam nêu ý kiến: "Có 2 yếu tố, một là làm thế nào đấy để giá của nhà được giảm xuống, để phù hợp với mức độ tích luỹ và thu nhập của người dân vì hiện tại đang bị đẩy lên quá cao. Và lãi suất cũng là một yếu tố, quan trọng là lãi suất cần sự ổn định lâu dài".
Có thể thấy, trong năm tới, mức lãi suất áp dụng cho chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở giảm 0,1%, xuống 4,7%/ năm là một động thái tích cực, mang tính hỗ trợ cao đối với người dân có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh giải pháp lãi suất rẻ thì lãi suất cũng cần sự ổn định và lâu dài.
Ngoài ra, để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, đòi hỏi sự cân bằng cán cân cung - cầu. Theo đó, về phía cung, các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ.