Hôm qua (20/3), Bộ Tài chính thông tin cho biết đã có Tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.
Điểm đáng chú ý là đối với trường hợp cho phép tài sản số được kinh doanh, mua bán như là một loại tài sản sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính nhấn mạnh việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa với quy mô hạn chế có sự kiểm soát, giám sát sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Còn nhắc tới hoạt động của các ngân hàng, trong mùa đại hội cổ đông, các ngân hàng tăng vốn thế nào?
Mùa đại hội cổ đông đang đến gần, nhiều NHTM đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu ở các ngân hàng trong mùa này ở mức 15-35%, tạo ra dư địa lớn để các tổ chức tín dụng củng cố bộ đệm tài chính.
Theo nhận định của SSI Research, với việc các NHTM lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong năm 2025, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục có bước chuyển mạnh mẽ.
Đáng chú ý, mới đây nhiều trang báo đưa hình ảnh hàng trăm người dân đội mưa đòi nhà. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ việc người dân mua nhà ở xã hội tại dự án FLC Đại Mỗ đội mưa đi đòi nhà khi tiền đã đóng đủ nhưng nhà chậm bàn giao hơn 2 năm.
Các khách hàng cho biết từ năm 2020 họ đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Theo hợp đồng, thời gian bàn giao căn hộ dự kiến là quý II/2022.
Tuy nhiên, đến thời hạn chủ đầu tư không bàn giao nhà cho người dân. Đến nay, chủ đầu tư đã 3 lần lỡ hẹn bàn giao căn hộ theo cam kết.
Căn cứ Nghị định số 100/2024 của Chính về phát triển và quản lý NƠXH, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng trước ngày 30/3/2025.
Ngoài ra, dự báo nguồn cung nhà ở sẽ phục hồi mạnh trong thời gian tới. Khi mới đây, Sở Xây dựng TP HCM cho biết chính quyền thành phố đang ra sức chỉ đạo, áp dụng các giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án NƠXH.
Nhu cầu nhà ở tại Hà Nội vẫn duy trì ở mức cao với tỷ lệ hấp thụ đạt 100,5% sau khi nguồn cung mới tăng 202,6% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây.
Còn trong giai đoạn 2025-2027, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định tỷ lệ hấp thụ tại cả hai thị trường sẽ duy trì trên mức 95%.
Thị trường chứng khoán
Độ rộng các mã cổ phiếu trong rổ VN30 có sắc đỏ khá lấn lướt. Cụ thể, LPB, VPB, MWG và VNM lần lượt lấy đi 0.65 điểm, 0.61 điểm, 0.43 điểm và 0.23 điểm từ chỉ số chung.
Trái lại, FPT, VHM, MBB và SHB tiếp tục giữ sắc xanh khá lạc quan và góp vào hơn 3.5 điểm cho VN30-Index.
Nhóm ngành tài chính ghi nhận mức giảm nhẹ trên thị trường với diễn biến phân hóa. Trong đó nổi bật ở chiều bán có các ông lớn như VCB giảm 0.45%, BID giảm 0.25%, CTG giảm 0.36%, VPB giảm 0.77%…
Riêng chiều mua có TCB tăng 0.18%, MBB tăng 0.82%, SSI tăng 0.19%, SHB tăng 1.28%... là những mã tiêu biểu đang níu giữ đà giảm hiện tại của nhóm này.
Trái lại, ngành công nghệ thông tin tiếp tục duy trì đà hồi phục góp phần nâng đỡ thị trường chung. Đặc biệt, lực mua tập trung chủ yếu ở mã vốn hóa lớn nhất nhòm là FPT tăng 1.92%, CMG tăng 0.97%, SMT tăng 6.98%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu nhóm viễn thông cũng ghi nhận diễn biến khá tích cực khi dẫn đầu đà phục hồi với mức tăng 2.19%. Cụ thể, sắc xanh hiện diện ở mã VGI tăng 1.97%, FOX tăng 5.07%, CTR tăng 0.19%...
Kết phiên sáng nay, VN-Index gần như không biến động và dừng lại ở 1.323 điểm./.