Sáng 01/11, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty điện lực Thành phố Hà Nội thực hiện tổ chức diễn tập ứng phó sự cố mất điện trên diện rộng thành phố Hà Nội.
Tại buổi lễ, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội là đô thị đặc biệt, tập trung các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội quan trọng cùng hàng chục các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hàng nghìn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hà Nội có tốc độ tăng trưởng điện bình quân từ 6-7%/năm, cao nhất cả nước trong cả nước. Công suất cực đại khoảng trên 5.000MW.
Lưới điện của thành phố không ngừng được mở rộng, nâng cấp về quy mô cung ứng và khai thác. Khi lưới điện xảy ra sự cố thì nguy cơ, mức độ, phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn.
Mất điện trên diện rộng có thể gây mất ổn định lưới điện, thời gian khắc phục kéo dài, các nhà máy, dây chuyển sản xuất phỉa ngừng hoạt động, không có điện để phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày… gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế, tạo ra những bất ổn cho xã hội.
Việc đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục, an toàn luôn được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm, ưu tiên, chỉ đạo chặt chẽ.
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại, rủi ro có thể trở thành thảm họa, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bản Thủ đô và triển khai thực hiện Quyết định 2426 phê duyệt Đề án quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP. Hà Nội, UBND TP. đã giao Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty điện lực TP. Hà Nội thực hiện tổ chức diễn tập ứng phó sự cố mất điện trên toàn thành phố.
“Đây là lần đầu tiên diễn tập về mất điện diện rộng quy mô cấp thành phố, đại bàn liên quan đến 3 quận, huyện nhưng liên quan nhiều đến các phụ tải điện quan trọng. Từ đó, chúng tôi yêu cầu “các đơn vị tham gia diễn tập cần tuân thủ nghiêm chương trình diễn tập, nội quy, quy trình, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Thông qua diễn tập, thành phố sẽ hoàn thiện phương án xử lý sự cố để chủ động, sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra và kịp thời ứng phó với tình huống phức tạp hơn”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Cũng theo ông Đinh Thế Hùng - Phó Giám đốc Truyền tải Điện Hà Nội, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, việc tổ chức tính huống giả định là để cho các cán bộ công nhân viên của ngành điện luôn trong tình huống sẵn sàng trực chiến, các cán bộ công nhân viên hiểu những thao tác, những công việc cần phải làm và chuẩn bị những nguyên liệu vật tư để sẵn sàng thay thế. Khi xảy ra tình huống sự cố, cần phải huy động 200 nhân lực để xử lý trên toàn tuyến, xử lý những lỗi, sự cố ở các điểm xảy ra.
Thông qua hoạt động diễn tập sẽ giúp nâng cao năng lực chỉ huy ứng phó sự cố, đánh giá năng lực và sự sẵn sàng phối hợp lực lượng giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, sẵn sàng trong ứng phó khi có tình huống thật xảy ra.
Tình huống giả định là sự cố mất điện diện rộng xảy ra trong quá trình vận hành lưới điện, kết hợp với điều kiện bất lợi phát sinh sự cố xảy ra trên đường dây 110kV giữa 2 trạm biến áp 220kV Hà Đông và trạm biến áp 110kV Văn Quán gây mất điện tại 3 quận, huyện Hà Đông, Thanh Trì và Thanh Oai, ảnh hưởng đến nhiều phụ tải điện quan trọng như các cơ sở an ninh quốc phòng, bệnh viện, trụ sở hành chính, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông…
Nội dung diễn tập bao gồm diễn tập vận hành chơ chế kết hợp với hoạt động thao diễn thực tế của các đơn vị, lực lượng tham gia diễn tập. Quá trình thao diễn thực tế được ghi hình trực tiếp theo thời gian thực, đảm bảo sự kết nối của thông tin chỉ huy và thao tác chính xác tại các điểm cầu có sự thống nhất, liên tục nhằm mục đích nâng cao khả năng ứng phó, phối hợp với các tình huống sự cố lưới điện của các đơn vị Điện lực trên địa bàn và các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội xử lý khi xảy ra sự cố mất điện kéo dài, diện rộng.