Hà Nội: Chợ tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hiện nay, chợ tự phát (chợ cóc, chợ tạm) đang mọc lên dày hơn ở nhiều khu đông dân cư tại các đường phố Hà Nội. Con đường nơi có chợ cóc họp thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ghi nhận, ở một số địa điểm như: Cổ Nhuế, Cầu Giấy, Dương Khuê…, mặc dù có biển cấm bán hàng nhưng một số chủ buôn vẫn cố tình vi phạm, buôn bán tràn lan tại khu vực này.

Các tiểu thương phớt lờ biển cấm bán hàng trên khu vực đường ngang, thậm chí biển cấm còn là nơi vắt áo mưa.

Tại khu vực ngõ 119, đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hình thành khu chợ tự phát song song với đường ray tàu hỏa. Chợ mọc lên không theo quy hoạch, buôn bán tràn lan, tràn xuống lòng đường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông.

Chợ tự phát tại ngõ 119 Cổ Nhuế buôn bán ngay cạnh đường tàu, rào chắn thì lỏng lẻo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Biển cấm đổ rác thải ra sát đường tàu vẫn bị làm ngơ, người dân bất chấp xả rác.

Đủ loại rác thải như hoa dập, rau héo, túi nilon rác thải được đổ đống ra sát với lan can an toàn ngăn cách đường tàu, lan can xiêu vẹo lỏng lẻo không đảm bảo an toàn.

Dù có đặt biển cấm họp chợ, cấm dừng đỗ xe nhưng người dân vẫn làm ngơ.

Vào giờ cao điểm lượng xe ở rất đông gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho cả người mua và người bán. Những ngày mưa thì căng ô, bạt chiếm khá nhiều diện tích và làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Các sạp hàng như thịt, cá, rau củ, trái cây,... được các tiểu thương bày bán ngay trên vỉa hè và cả dưới lòng đường. Thậm chí, nhiều chuồng nuôi gia cầm được quây ngay sát đường ray tàu, để phục vụ cho việc buôn bán gia cầm của các tiểu thương.
Chị Nguyễn Khánh Huyền (Cổ Nhuế) cho biết, khu chợ này hình thành đã khá lâu, thường xuyên họp vào các giờ cố định từ 6h - 12h và từ 15h - 19h các ngày trong tuần. “Việc rác thải bừa bãi từ các sạp hàng sau khi tan chợ gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, mình cũng e ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài việc mua hoa thì mình rất ít khi mua đồ ăn ở những khu chợ này”, chị Huyền bày tỏ.

Tương tự, tình trạng chợ cóc cũng xảy ra tại đầu đường Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.

Dù ở khu vực này có cắm biển cấm họp chợ nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên, tấp nập.
Bày bán tràn lan cả vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường chiếm diện tích đi lại của người đi đường.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Cầu Giấy) cho hay, dù chợ cóc ở gần nhà rất tiện, nhưng vào giờ cao điểm khu chợ ùn tắc giao thông gây ra nhiều phiền toái cho người dân. “Mặc dù khu chợ này mở ra thuận tiện hơn cho người dân, nhưng vào giờ cao điểm, hay giờ tan tầm khu chợ lại gây ùn tắc giao thông vì người dân cứ tiện là dựng xe để tràn ra lòng đường.”, anh Tuấn chia sẻ.
Tiểu thương bày bán hàng trên đống rác, nhiều người dân lo ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Một trong những chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường phải kể đến khu chợ nằm sâu trong ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng và một hướng thông ra đường Dương Khuê thuộc địa phận phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Các sạp hàng vây kín toàn bộ vỉa hè 2 bên đường.

 

Hoạt động giết mổ gia cầm, sơ chế tôm cá,… được thực hiện ngay tại chỗ. Nước thải từ việc giết mổ cũng thải trực tiếp trên vỉa hè, ra đường, hệ lụy để lại là sự ô nhiễm, bốc mùi ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe người dân xung quanh
Nguồn hàng từ nhiều nơi khác nhau đổ về không có sự quản lý nên khó kiểm nghiệm chất lượng. Hình ảnh các đống rác lớn, bé xuất hiện khắp mọi nơi.