Giá vé máy bay cao, ngành du lịch “ chịu trận” (Phần 2)

Giá vé máy bay tăng đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch nội địa. Vậy trong bối cảnh hiện nay, giải pháp nào phát triển du lịch?

Góp phần vào sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không, khi khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không lên tới gần 80%.

Trong khi đó, việc thiếu máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh về tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh giá vé máy bay. Điều này đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó TGĐ Vietnam Airlines nêu vấn đề: "Làm thế nào để có thể duy trì được sự phát triển thị trường cũng như phục hồi năng lực khai thác, đáp ứng yêu cầu của người dân. Chúng tôi cũng có nhiều phương án thứ nhất là cũng đang tích cực tìm thêm bộ máy bay mới trên thị trường.

Mặc dù việc mua rất khó khăn, bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước đây đã làm việc ngay là phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ và hy vọng sớm nhất có thể.

Chúng tôi sẽ có được máy bay 787 loại thân rộng về Việt Nam và trước đó khoảng tháng 6 đưa một máy bay mới nhất về Việt Nam để cung ứng cho thị trường."

Ảnh: baodautu

Trước thực tế hiện nay, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways nêu thực tế, trong điều kiện nước ta thiếu khoảng 60 - 70 máy bay so với nhu cầu hoạt động, phát triển bình thường, nhưng không thuê thêm máy bay để bù đắp số lượng thiếu hụt. Vì thế, muốn “hạ nhiệt” giá vé máy bay trong thời gian tới, thì vấn đề mấu chốt của thị trường cần được tháo gỡ: 

"Vấn đề sâu xa với thị trường máy bay như hiện nay mặt bằng giá phí đầu vào như hiện nay, trong đó giá xăng dầu giá phí khác thì bay nội địa nói thẳng ra là không có lãi. Thực tế là lỗ. Các hãng đưa nhiều máy bay vào càng lỗ. Bây giờ chúng ta phải hóa giải làm sao trong điều kiện thị trường máy bay như hiện nay đưa máy bay về bay nội địa và có hiệu quả thì lúc đó không phải cơ quan này cơ quan khác chỉ đạo như thế này, thế kia. Các hàng không vì lợi ích của mình sẽ thuê thêm nhiều máy bay vào khai thác và lúc đó chắc chắn rằng giá vé máy bay sẽ giảm nhiệt, hạ nhiệt."

Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flango Redtours cho rằng, ngoài sự phối hợp giữa hàng không – du lịch, thì cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, tích cực hơn của chính quyền các địa phương: 

"Trước khi hợp tác giữa hai ngành cần sự trong nội bộ ngành phải thống nhất được. Tương tự như vậy, trong các doanh nghiệp lữ hành với nhau thôi cũng cần phải có sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành, tránh chuyện là doanh nghiệp tham gia liên nh hợp tác nhưng doanh nghiệp khác lại đứng ngoài hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Trong thời gian vừa qua ngành hàng không với Cty Lữ Hành rất nhiệt tình trong việc hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, hưởng lợi nhất đối với các chương trình kích cầu du lịch này chính là địa phương điểm đến, nhưng họ chưa có sự tham gia vào chuỗi cung ứng này."

Trước bối cảnh giá vé còn cao như hiện nay, để du lịch phục hồi và phát triển,PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu quan điểm:

"Để phát triển du lịch hiện nay, cần sự đồng hành, ủng hộ của các hãng hàng không và vận tải bằng đường hàng không. Từ đó, cùng vào cuộc, chia sẻ rủi ro và cùng hỗ trợ cho các đối tượng người dân mà có nhu cầu đi lại, nhất là đối với thu nhập không cao."

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển du lịch, không chỉ dựa vào giá vé máy bay rẻ, mà còn nhiều yếu tố khác. Trước hết là phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mới lạ, đặc biệt là phát triển kinh tế đêm.

Ảnh: Nguoiduatin

Về vấn đề này, theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách. Hiện, sản phẩm du lịch đêm chủ yếu tập trung vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật đường phố và ẩm thực, mới chỉ thu hút và đáp ứng được một phần nhu cầu của khách. Chính vì thế, mỗi địa phương phải biết tận dụng thế mạnh của mình để xây dựng sản phẩm mang dấu ấn riêng.

Ông Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến: "Kinh tế là ngành liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau, phải thay đổi đồng bộ, đặc biệt là liên quan đến các chính sách. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến  công việc diễn ra vào ban ngày . Khi công việc chuyển sang ban đếm thì phải có hành lang chính sách, luật phù hợp với vấn đề của đời sống ban đêm hoặc làm sao gắn kết bản sắc văn hóa địa phương với việc tạo ra những sản phẩm đặc thù để tránh tình trạng ở địa phương này có sản phẩm này và ở địa phương kia cũng có sản phẩm như vậy."

Các chuyên gia cũng cho rằng, dư địa phát triển du lịch bền vững là rất lớn, song với điều kiện du lịch, hàng không và cả địa phương điểm đến phải đi cùng nhau, thậm chí cả hai bên cùng phải lùi một bước vì lợi ích tổng thể, lâu dài trong việc đưa ra gói sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Một khi mối liên kết hàng không - du lịch còn lỏng lẻo, thì mọi chiến dịch kích cầu được thực hiện bởi một vài đơn vị đơn lẻ chỉ gây tốn kém, không đem lại hiệu quả thiết thực.