GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, cơ hội tốt để đạt mục tiêu tăng trưởng

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước GDP của nước ta tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.

  

Ảnh nh họa

6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2024, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua một số đại biểu cho rằng, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP. HCM kỳ vọng: "Chúng ta có sự quyết tâm chính trị rất cao, tin tưởng năm nay chúng ta có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5 %. Chúng ta tiếp tục triển khai các giải pháp từ đầu năm là 12 nhiệm vụ giải pháp, trong đó có 3 Giải pháp đột phá chiến lược. Thứ nhất là đột phá về thể chế theo hướng là đẩy mạnh việc phân cấp phân quyền cho các địa phương để phát huy tinh thần chủ động, năng động sáng tạo của các địa phương. Đột phá thứ hai là về hạ tầng và chúng ta cũng đã thực hiện các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế, tăng đầu tư công cho hạ tầng, nhất là các kết cấu hạ tầng về giao thông"

GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%  (Ảnh nh họa: VOV)

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn Thành phố Hải Phòng cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP hoàn toàn có cơ sở đạt được, nếu tất cả chúng ta đồng lòng, từ trung ương đến địa phương, dồn toàn tâm, toàn lực thì sẽ đạt, thậm chí đạt và vượt chỉ tiêu đề ra: "Về yêu cầu đặt ra, một là vẫn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là qua thực tiễn của hai quý đầu, mặc dù chúng ta cũng khó khăn nhưng mà chỉ đạo quyết liệt rất quan trọng; trong bối cảnh hiện nay thì lại càng quan trọng, cái sự thống nhất từ Trung ương xuống địa phương chung tay và đồng hành, phải được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể bằng những kết quả thiết thực ở các địa phương, khi đó chúng ta mới có được một kết quả chung cho cả nước một cách mỹ mãn"

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình cho rằng, mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm nay là cơ sở quan trọng để tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt được khoảng 6,5% trong cả năm nay. Về áp lực với tỷ giá hối đoái trong thời gian tới sẽ được giảm bớt bởi những yếu tố bên ngoài. Tỷ giá hối đoái của nước ta cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dự báo sẽ gia tăng, xuất siêu của nước ta vẫn được duy trì.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng và lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi những thách thức về lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TS Lê Duy Bình nhận định: "Lạm phát có dấu hiệu gia tăng, khi chỉ số giá tiêu dùng vừa được công bố có dấu hiệu gia tăng so với quý trước. Áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng cuối năm. Lượng tiền huy động vào hệ thống Ngân hàng có tăng nhưng không mạnh như thời gian trước. Điều này có nghĩa là trong những tháng cuối năm, Ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ cần tìm những điểm cân bằng, hài hòa giữa lãi suất cho vay, lãi suất huy động. Cần tìm điểm hài hòa để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn của hệ thống Ngân hàng cũng như mục tiêu lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng"

Nhìn vào bức tranh kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm, đã xuất hiện nhiều điểm sáng, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% cho cả năm nay. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Gợi mở một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng: "Việc kết nối cung cầu, thúc đẩy cầu trong nước và giữ được cầu quốc tế đang lên cao. Đó là những lợi thế. Chúng ta cần kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo ổn định vĩ mô và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn sẵn có của Nhà nước là vốn đầu tư công, đưa vào thực hiện tối đa. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới"

Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường, trong 6 tháng qua, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,42%, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra (5,5 - 6%). Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo./.