ESG thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ngoài những cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, các DN Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng.

Xu hướng "chuyển đổi xanh" đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp (DN) thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố Môi trường, Xã hội, Quản trị trong doanh nghiệp (ESG).

Nhấn mạnh việc áp dụng mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh, bà Bà Aler Grubbs – Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID Việt Nam) cho biết:

"Các doanh nghiệp Việt Nam cần thích nghi và áp dụng các hoạt động kinh doanh bền vững vì thị trường đòi hỏi điều đó. Người tiêu dùng muốn mua hàng từ các công ty đã áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. Ngày nay, ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu yêu cầu các nhà cung cấp của họ thực hiện các thực hành ESG".

Việc tích hợp các nguyên tắc ESG góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 167), Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư được sự hỗ trợ của USAID thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam đã phát động Sáng kiến ESG Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 2 chương trình được tổ chức với chủ đề “Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh”. Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ:

"ESG là 1 cái khung hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới trong vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội và nâng cao năng lực quản lý.

Tựu chung lại là làm sao nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng xu thế mới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng như công tác hiện đại hoá trong công nghiệp.

Đây là yêu cầu hết sức bức thiết trong bối cảnh hiện nay khi mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thông qua phát triển động lực mới của nền kinh tế".

Ảnh nh họa

Nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững, Chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” đã chính thức vinh danh Top 10 doanh nghiệp vào chung kết cho những kết quả tích cực đã đạt được trong hành trình thực hiện ESG.

Trong đó, Top 3 doanh nghiệp xuất sắc nhất gồm: Công ty Cổ phần Ecoka; Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Sài Gòn Secoin; Công ty Cổ phần Shinec là 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc.

Ngoài ra năm nay, Chương trình cũng dành giải Triển vọng cho Công ty TNHH Ec Hospitality cho những nỗ lực của EMIC trong hoạt động du lịch xanh và bền vững. Các doanh nghiệp đoạt giải sẽ nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng từ Cục Phát triển doanh nghiệp và USAID để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến ESG tại doanh nghiệp.

Là 1 trong những doanh nghiệp lọt Top 3, Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) cũng cho rằng, tính cạnh trong trong phát triển là vấn đề quan trọng, khi thu hút FDI vào đầu tư, doanh nghiệp đã theo dõi các tiêu chuẩn ESG từ rất lâu. Nên, nếu không quan tâm, không thực hiện ESG thì tính cạnh tranh sẽ rất thấp:

"Với tiêu chí ESG, cái đầu tiên là tính cạnh tranh rất cao bởi vì tất cả doanh nghiệp của nước ngoài khi mà đầu tư vào Việt Nam thì người ta đã có tiêu chí ESG để làm hàng xuất khẩu. Và như vậy, nền tảng đầu tư hạ tầng của mình cũng có ESG thì điều đấy tích hợp được với nhau và đấy là tính cạnh tranh rất cao".

Trong khi đó, ông Hà Anh Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ecoka chia sẻ, việc thực hành ESG đã có những tác động đối với doanh nghiệp:

"Nó tác động rất lớn vào văn hoá doanh nghiệp. Mọi người trong công ty đều thấm nhuần rõ việc thực hành ESG mang lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp cho cộng đồng và cho xã hội. Thứ 2 nữa là,  mình cũng chuẩn bị tốt cho việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu".

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao nội lực, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thực hành ESG, tham gia sâu vào chuỗi giá trị bền vững và nâng tầm vị thế sản phẩm Việt trên trường quốc tế.