Trong tạp chí Car&Driver có sử dụng một thuật ngữ “Steering Fell” – hay hiểu là “Cảm giác lái”, được định nghĩa như sau: "Cảm giác lái là sự cân bằng mức độ tinh tế giữa việc vận hành nhẹ nhàng và lái xe chuẩn xác; hệ thống thắng tuyệt hảo; và nổi bậc nhất là sự giao tiếp rõ ràng và chính xác giữa tài xế và mặt đường qua hệ thống lái".
Nôm na có thể hiểu là kiểu người lái với chiếc xe hòa làm một, trơn tru trong từng thao tác ở tốc độ nhanh hay chậm, cũng có thể khi đỗ xe hoặc lách qua ổ gà vô cùng đơn giản mà không sợ bị xốc nảy. Thậm chí, những nơi thường xuyên tiếp xúc như tay lái, cần số, phím điều khiển… có đem lại cảm giác dễ chịu cho tài xế không cũng quyết định đến cảm giác lái của tài xế.
Tóm lại, cảm giác lái không phụ thuộc vào sự rập khuôn theo tính toán kỹ thuật mà chủ yếu dựa vào các giác quan của tài xế. Một chiếc xe mang đến cảm giác lái tốt là khi vận hành mượt mà, an toàn và tài xế cảm nhận được sử thoái mái khi điều khiển.
Và để hiểu rõ hơn về khái niệm “cảm giác lái” mơ hồ này, những yếu tố dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm được câu trả lời: Cái gì ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác của người điều khiển?
Khả năng kiểm soát và vận hành
Đa số khi lần đầu ngồi trên xế cưng, các tài xế thường cầm vào vô lăng để kiểm tra sức ì, độ nhạy hay khả năng phản hồi. Đây được đánh giá là bộ phận đem lại cảm giác dễ chịu hay không cho tài xế. Bởi độ nặng, độ ì của vô lăng ảnh hưởng lớn trong quá trình vận hành xe, nên vô lăng không thể quá nặng và cũng không quá nhẹ để khiến tài xế khó kiểm soát cân bằng.
Và việc kiểm tra khả năng phản hồi của vô lăng khi đánh lái, vào cua cũng là điều vô cùng quan trọng. Đồng thời, khi vào cua, độ bám đường cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá cảm giác lái xe. Độ bám càng cao thì khả năng chịu lực càng lớn cho đến khi xe qua được góc cua.
Bên cạnh đó, phanh cũng là bộ phận không thể thiếu khi tài xế vận hành. Độ nhạy và tốc độ phanh ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của người lái, khi phanh nhẹ thì ô tô dừng lại chậm dần đều và khi phanh mạnh thì ô tô dừng nhanh dần đều. Hệ thống phanh tốt là không để xảy ra hiện tượng cướp phanh.
Sự dễ chịu khi lái xe
Hệ thống giảm xóc và khả năng chống ồn đóng vai trò quan trọng đem đến cảm giác thoải mái cho người điều khiển, đặc biệt là khi phải di chuyển trên cả chặng đường dài. Mặc dù, tiếng ồn thì ai cũng có thể cảm nhận được, cách âm tốt hay không tốt? Tuy nhiên, giảm xóc lại là một câu chuyện khác, vì nó liên quan đến thiết kế khung gầm, hệ thống treo, công nghệ vật liệu, chất lượng mối hàn… của mỗi nhà sản xuất ô tô.
Ví dụ, những chiếc thể thao thường sử dụng lò xo cứng để khiến xe không bị nảy khi di chuyển qua các chướng ngại vật trên đường, nhưng nó cũng đem đến cảm giác không hề dễ chịu cho người lái.
Hiệu suất vận hành và công nghệ hỗ trợ
Sau khi trải qua những yếu tố trên thì việc tìm hiểu chỉ số công suất, mô men xoắn, khả năng tăng tốc của xe, quãng đường phanh… là những yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm lái tổng thể. Xe càng có công suất lớn, tăng tốc nhanh sẽ mang lại cảm giác lái thích thú hơn cho người lái.
Thêm vào đó, các công nghệ hỗ trợ cho việc lái xe cũng sẽ khiến người điều khiển có cảm thấy thú vị hay không? Bởi, các công nghệ hỗ trợ có nhiệm vụ tối ưu hóa sức mạnh của xe như hệ thống ổn định, giữ làn đường, hỗ trợ khởi hành, lựa chọn chế độ lái… đều cho phép người lái có khả năng tùy biến và khai thác tốt nhất hiệu suất vận hành.
Thiết kế công thái học
Hiểu đơn giản thì “công thái học” khi trải nghiệm xe là nghiên cứu và tìm hiểu để nâng cao khả năng thoải mái khi lái xe và giảm thiểu các vấn đề về đau mỏi vai gáy, đau thắt lưng, chuột rút ở chân… do phải lái xe thường xuyên.
Để thoải mái khi lái xe, hãy tìm hiểu các tính năng như nội thất của xe được thiết kế có mang đến sự thoải mái về tư thế không và các tính năng điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của người lái như thiết kế bảng điều khiển, các nút điều khiển trên vô lăng, màn hình hiển thị… có tối ưu hóa với tiện ích của lái xe không.