
Chùa Láng còn được biết đến với tên gọi khác là Chiêu Thiền tự có địa chỉ tại 116 phố Chùa Láng, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội. Ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng với người dân Thủ đô. Công trình này có tới 100 gian lớn nhỏ, mang nhiều giá trị kiến trúc nổi bật. Hiện nay, đây cũng là ngôi chùa lưu giữ nhiều di vật văn hóa, nghệ thuật đồ sộ, đa dạng về chất liệu và chủng loại.
Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại đây luôn được đặt lên hàng đầu. Theo ông Ngô Văn Hiến – Phó ban quản lý di tích phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội), để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy nổ, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách không thắp nhiều hương ở nơi thờ tự; nâng cao ý thức, tự giác chấp hành quy định phòng, chống cháy nổ.

Vào thời điểm trước, trong và sau Tết cũng như thời điểm trước khi diễn ra lễ hội Chùa Láng, Công an phường Láng Thượng đã ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm tổ chức hoạt động lễ hội, tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy định về PCCC và thao tác vận hành trang thiết bị PCCC cho lực lượng phụ trách tại các điểm di tích, nơi thờ tự; tổ chức ký cam kết không để xảy ra cháy nổ với các tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức lễ hội.
Thượng úy Nguyễn Văn Huy – đại diện lực lượng Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong quá trình kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các ban quản lý chủ động tự kiểm tra, sửa chữa, bổ sung các phương tiện PCCC, thực hiện nghiêm quy định an toàn trong sử dụng điện, đốt hương, vàng mã; nhắc nhở du khách đốt tiền vàng đúng nơi quy định; tổ chức cho các hộ kinh doanh, dịch vụ ký cam kết thực hiện nghiêm quy định, nội quy đảm bảo an toàn PCCC.
Lễ hội chùa Láng được tổ chức vào ngày 7/3 âm lịch để để tưởng nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đất, người vùng Kẻ Láng. Đây cũng là một trong những lễ hội lớn lớn nhất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa với nhiều nghi thức, nghi lễ mang giá trị văn hoá độc đáo.
Theo ông Nguyễn Xuân Đông – Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, thời gian gần đây, đã từng xảy ra những vụ hỏa hoạn tại các đình, đền chùa, di tích văn hóa, tâm linh. “Vì vậy, trước thời điểm diễn ra Lễ hội Chùa Láng, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, kiểm tra bổ sung thay thế phương tiện PCCC cũ, hỏng; đảm bảo nguồn nước dự phòng chữa cháy. Củng cố, bổ sung phương tiện chữa cháy tại chỗ nhằm chủ động chữa cháy hiệu quả khi không may có sự cố cháy nổ xảy ra”, ông Nguyễn Xuân Đông nhấn mạnh.
Còn theo khuyến cáo của Đại úy Nguyễn Trung Thủy – Đội tham mưu Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP. Hà Nội, để đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trong mùa lễ hội, cần phải tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các di tích lịch sử - văn hoá; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hoá và khách tham quan.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về PCCC trong mùa lễ hội, bên cạnh công tác kiểm tra, quản lý của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, rất cần sự vào cuộc chủ động, tự giác của mỗi người dân trong thực hiện các quy định an toàn PCCC, qua đó hạn chế đến mức thấp nhấp những vụ cháy nổ có thể xảy ra./.