Cuối năm, cảnh giác “bà hỏa” tại các kho xưởng sản xuất

Tại các kho, xưởng sản xuất, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu. Vì vậy, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH công an huyện Gia Lâm đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và đưa ra những khuyến cáo nhằm bảo đảm an toàn về PCCC đối với kho, xưởng sản xuất trong khu dân cư.

 

Những vụ cháy kho xưởng sản xuất thường để lại những thiệt hại lớn về tài sản

Các nhà xưởng, kho chứa hàng gần khu dân cư là nơi thường tập trung một lượng lớn các chất dễ cháy như: nguyên vật liệu sản xuất, dung môi, hàng thành phẩm... Trong quá trình hoạt động nếu không có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC rất dễ dẫn đến phát sinh cháy, nổ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Theo Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội), trên địa bàn huyện, bên cạnh các nhà xưởng, kho chứa hàng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC, thì vẫn còn một số nơi chưa tuân thủ.

Đặc biệt, các kho xưởng thường được xây dựng bằng khung thép, quây tôn, nếu xảy ra cháy sẽ rất dễ bị biến dạng, sập đổ kết cấu, gây cháy lớn và khó khăn trong công tác chữa cháy.

Nếu không tuân thủ các quy định PCCC, quy cơ cháy nổ tại các kho xưởng sẽ luôn hiện hữu

Trở lại với khu vực kho sản xuất Công ty TNHH Hải Nam ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội), nơi đây từng xảy ra hỏa hoạn vào hơn 2 năm trước. Thời điểm đó, khu vực xảy ra cháy là xưởng gỗ dán với quy mô 1 tầng với kết cấu khung thép, mái tôn.

Là người trực tiếp tham gia chữa cháy vụ việc này, Đồng chí Đặng Nguyên Thương – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm nhớ lại: Khoảng 4 giờ 13 phút ngày 1/5/2022 chúng tôi nhận được tin báo về một vụ cháy lớn đã xảy ra tại xưởng gỗ dán thuộc công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam có địa chỉ tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.

“Nhận định tình hình đám cháy diễn biến phức tạp do chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu dễ bắt cháy, vận tốc cháy lan nhanh, chỉ huy chữa cháy đã quyết định triển khai các mũi tấn công để chữa cháy và ngăn cháy lan sang các khu vực lân cận, đồng thời chỉ đạo các lực lượng Công an xã, Đội cảnh sát Giao thông, trật tự và các lực lượng chức năng,… tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự khu vực xảy cháy”, đồng chí Đặng Nguyên Thương kể lại.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm chữa cháy tại nhà xưởng Công ty TNHH Hải Nam ở xã Yên Viên

Do cháy xưởng chế biến gỗ, nên chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu dễ bắt cháy, vận tốc cháy lan nhanh, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp quyết liệt, nhanh chóng dập lửa và ngăn cháy lan sang các khu vực lân cận. Sau một giờ nỗ lực cứu hỏa, đám cháy đã được khống chế.

Dù đã hơn 2 năm kể từ sau khi xảy ra vụ việc, nhưng ông Trần Đức Chiến – Phó Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam vẫn không hết xót xa khi nhớ lại khoảnh khắc máy móc, tài sản của nhà xưởng bị ‘bà hỏa’ thiêu rụi.

“Sau sự việc đáng tiếc đó thì công ty đã và đang tiến hành sửa chữa lại các trang thiết bị, máy móc. Đồng thời, chúng tôi cũng trang bị thêm hệ thống báo cháy, các thiết bị chữa cháy và bình chứa nước cứu hỏa để phục vụ tốt hơn cho quá trình sản xuất sắp tới. Chắc chắn, thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tuân thủ tốt hơn các quy định về PCCC để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra”, ông Trần Đức Chiến cho biết thêm.

Ông Trần Đức Chiến (bìa trái) – Phó Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam

Về phía đại diện chính quyền địa phương, theo ông Nguyễn Đức Hạnh – Phó chủ tịch UBND xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), kể từ sau khi xảy ra vụ cháy tại công ty TNHH Hải Nam, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành về an toàn PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, trong đó có những nhà xưởng, kho chứa hàng.

Để đảm bảo an toàn PCCC tại các nhà xưởng, cơ sở sản xuất trong khu dân cư, thời gian qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm cũng đã ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn PCCC với loại hình này.

Đặc biệt, phối hợp với UBND cấp xã nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu về việc thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.

Bên cạnh đó, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm cho rằng, thời gian tới, cần xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; Yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp khắc phục ngay các lỗi vi phạm.

“Đặc biệt, trong cao điểm sản xuất cuối năm như hiện nay, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, cơ quan chức năng đề nghị các chủ cơ sở cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ; Bổ sung các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ còn thiếu; Tổ chức tập huấn kỹ năng phòng chống cháy nổ, nhất là thoát hiểm cho lực lượng công nhân viên; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thực tập phương án chữa cháy với nhiều tình huống giả định khác nhau…”, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh khẳng định.

Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh (bìa trái) – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất, nhà xưởng, kho chứa hàng cần thành lập đội PCCC cơ sở; mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc người tham gia đội PCCC; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy.

Lực lượng PCCC cơ sở phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

Đồng thời, trang bị các phương tiện PCCC cần thiết, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất, để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra.