Trong khi đó, một số chuyên gia đề xuất, chỉ cần không xung đột, không gần cổng bệnh viện, trường học, siêu thị thì có thể tổ chức cho rẽ phai. Thậm chí, bề rộng mặt đường chỉ cần 2 làn xe là đủ để cho xe rẽ phải tại các nút giao.
Thực trạng và những ý kiến trái chiều
Sinh sống gần ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt, ông Hoàng Văn Toán thường xuyên chứng kiến tình trạng ùn tắc xảy ra tại khu vực này. Dù mặt đường Trần Cung, đoạn tiếp giáp với đường Hoàng Quốc Việt rộng khoảng 7m, đủ cho hai làn xe, song do không được rẽ phải, nên lượng phương tiện ùn ứ lại khá dài:
"Trần Cung- Hoàng Quốc Việt này thường rất ứ tắc trong các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, cho nên nếu cho rẽ phải chỗ Hoàng Quốc Việt này là rất tốt, vì có nhiều đơn vị đi đường này, Khu Cảnh sát ra này, Đại học Mỏ, Chung cư Nam Cường, Viện E này, Bộ Tư lệnh Thiết giáp cũng đi đường này, nên cho đèn đỏ rẽ phải là rất đúng".
Cũng có bề rộng khoảng 7m, đường Trương Công Giai – đoạn giao với đường Cầu Giấy cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ. Có khi ô tô xếp hàng dài hàng trăm mét, còn xe máy cũng không lưu thoát được, do phương tiện không dám rẽ phải. Ông Nguyễn Đình Hội, một người dân sinh sống gần nút giao cho hay: "Buổi chiều đô 4h30 lắm lúc dòng xe kéo dài hàng trăm mét. Hướng Cầu Giấy vẫn đông hơn, hướng Trương Công Giai không đông bằng nhưng đường nhỏ hơn. Nếu lắp hệ thống đèn đỏ rẽ phải để được phép rẽ phải về Cầu Giấy thì nó tiện hơn"
Kết quả khảo sát của phóng viên VOVGT cho thấy, tại một số nút giao, như Trần Quý Kiên – Cầu Giấy, Phương Mai – Lương Định Của, dù bề mặt đường đủ cho 2 làn xe, song đều không cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ, góp phần gia tăng tình trạng ùn ứ phương tiện.
Một số người dân phản ánh:
"Được phép rẽ phải sẽ tốt hơn, cũng không hẳn là ngã tư nào hoặc nút giao nào cũng được rẽ, có một số điểm nên để biển rẽ phải thì nó sẽ giảm lượng ùn xe lại"
"Không có đèn mình cũng không dám đi. Nếu không có đèn tín hiệu mà mình cứ đi thì không được"
Trước đó, trao đổi với VOVGT, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện đơn vị đang quản lý 531 nút đèn tín hiệu, trong đó có khoảng 35% nút đèn đã có báo hiệu cho phép rẽ phải. Hiện Sở GTVT Hà Nội đang rà soát, những nút có đủ điều kiện về hạ tầng, có thể tổ chức làn đường rẽ phải thì sẽ lắp đặt đèn tín hiệu cho phương tiện rẽ phải.
Giải pháp và những yếu tố cần cân nhắc
Tuy vậy, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP. HCM cho rằng, quan niệm của Sở GTVT Hà Nội mang tính cứng nhắc, bởi thưc tế hơn 90% nút giao tại các đô thị của VN đảm bảo điều kiện để cho phương tiện rẽ phải liên tục.
Thực tế, số người đi bộ tại nút giao ở Việt Nam cũng ít, nên không cần thiết phải tổ chức làn rẽ phải, mà chỉ cần đèn báo hiệu, hoặc một thông báo áp dụng rộng rãi trên địa bàn từng thành phố.
"Không phải khảo sát gì hết. Tất cả các con đường đều cho phép rẽ phải hết, trừ những chỗ có chợ búa, những chỗ có nhiều người qua lại thì cái đó đếm trên đầ ngón tay thôi. Theo tôi ưu tiên rẽ phải cho xe máy, còn xe ô tô không cần, vì đa phần xe máy người ta muốn rẽ phải, mình không cần làm đường làn rộng, làn xe máy để cho từng xe đi qua, chứ có phải từng đoàn xe đâu.
Điều kiện thứ 2 là có một cái vạch, xe rẽ phải chỉ đi trong làn đó thôi và xe đi thẳng không đi trong làn đó. Thứ 3 là cảnh báo, nhắc nhở người rẽ phải luôn quan sát có người đi bộ đi qua không", PGS. TS Phạm Xuân Mai phân tích.
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, trong điều kiện tại các đô thị, mặt cắt ngang đường thường đủ cho 2 làn xe. Với những tuyến đường này, hoàn toàn có thể tự động cho phép phương tiện rẽ phải để tăng lưu thoát cho dòng xe: "Để giải quyết hài hòa vấn đề dòng xe trên dòng chính kia, đèn xanh người ta đang chạy, tạo điều kiện cho các phương tiện rẽ phải khi có đèn đỏ, nâng cao năng lực thông hành của dòng xe tại nút thì dòng xe chính tối thiểu phải có 2 làn xe trở lên, để ít nhất vẫn có một làn xe vẫn chạy với tốc độ bình thường. Còn một làn xe có thể bị ảnh hưởng một chút về tốc độ do làn rẽ trải chèn ép vào".
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho hay, làn đường được phép rẽ phải hay không, họ sẽ căn cứ trên những tiêu chuẩn như chiều rộng mặt đường, lượng người đi bộ qua đường ở làn rẽ phải nhập vào, lượng xe rẽ phải có nhiều không, có làn rẽ phải hay không, cũng như có phương tiện công cộng ở làn nhập vào...: "Được phép rẽ phải hay không thì trên thế giới họ có các tiêu chuẩn quy định khi nào thì được phép rẽ phải. Và đối với các nút dược phép rẽ phải, hoặc các nhánh thì họ sẽ có biển báo hoặc đèn tín hiệu"
Theo quy chuẩn 07:2016, chiều rộng một làn xe đường chính đô thị, đường liên khu vực đến đường chính khu vực đều dao động từ 3,5-3,75m. Đối chiếu quy định này, khá nhiều tuyến đường ở các đô thị đủ cho 2 làn xe tiêu chuẩn. Bởi vậy, theo các chuyên gia, với những tuyến đường này, hoàn toàn có thể tổ chức cho phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ. Làm được điều này, sẽ giúp tăng khả năng thông hành phương tiện, góp phần hạn chế tình trạng ùn ứ tại các nút giao, nhất là tại các đô thị.