Cháy xe máy lúc nửa đêm, 3 người thoát hiểm trong gang tấc

Xây kín, không lối thoát hiểm; cửa làm kiên cố,… là đặc điểm chung của đa số các căn nhà đô thị hiện nay. Đáng lo ngại hơn, mỗi khi xảy ra cháy nổ ở các căn nhà ống, đều có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Và những thiệt hại nghiêm trọng đó đã suýt xảy ra trong một vụ cháy mới đây tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Người dân kể lại khoảnh khắc xảy ra cháy tại ngôi nhà số 9, ngõ 127, xã Hạ Mộ (huyện Đan Phượng)

Vào khoảng 1h15’ rạng sáng ngày 18/8/2024 tại căn nhà có địa chỉ số 9 ngõ 127, xã Hạ Mộ (huyện Đan Phượng), chị Bùi Thị Liễu đang chìm sâu trong giấc ngủ, thì nghe thấy tiếng quấy khóc của cậu con trai.

Giật mình tỉnh giấc, chị Liễu phát hiện ra khói đen nghi ngút từ tầng 1 theo lối cầu thang lan vào phòng ngủ ở tầng 2. Trong giây phút hoảng loạn và lo lắng, chị chỉ biết đánh thức chồng và nhanh chóng bế con trèo qua lan can để thoát nạn sang nhà hàng xóm.

“Thời điểm đó tôi chỉ nhớ là đã kịp đóng cửa phòng để ngăn không cho khói tiếp tục lan nhanh, rồi chồng tôi đã đỡ tôi trèo ra ngoài ban công và bế con trèo sang nhà hàng xóm. Lúc đó mà không trèo sang kịp thì chắc chỉ có ôm nhau mà ngạt thở ở trong phòng ngủ”, chị Liễu nhớ lại giây phút thoát nạn trong vụ cháy.

Chị Bùi Thị Liễu may mắn thoát nạn nhờ lối thoát hiểm trên ban công

Trước đó, vào tối 17/8, vẫn như mọi ngày, sau khi dọn dẹp dưới tầng 1, chị Liễu đóng cửa hàng để lên tầng 2 nghỉ ngơi. Nhưng chỉ một sơ suất nhỏ đó là quên không tắt chiếc quạt treo tường, mà hậu quả để lại đã suýt khiến cho gia đình chỉ Liễu phải trả giá đắt.

Thời điểm đó, chiếc quạt treo tường bỗng dưng bị chập điện, bốc cháy và rơi xuống đúng vị trí 3 chiếc xe máy được dựng dưới tầng 1. Lửa nhanh chóng bén vào đồ nhựa và xăng, cùng với khói bốc lên dữ dội.

Ông Bùi Quang Thịnh kể lại khoảnh khắc phá cửa để lực lượng chức năng tiếp cận đám cháy

Sau khi phát hiện có cháy, ông Bùi Quang Thịnh – người nhà chị Liễu hết sức nỗ lực phá cửa từ bên ngoài. Nhưng do cửa cuốn khóa từ bên trong, nên phải nhờ tới sự giúp đỡ của lực lượng Công an xã, ông Thịnh mới có thể phá khóa để lực lượng chức năng tiếp cận vị trí 3 chiếc xe máy đang cháy dữ dội trong nhà.

Ông Thịnh kể lại: “Tôi dùng chìa khóa để mở cửa bên ngoài nhưng bên trong cửa cuốn lại bị chốt, sau đó tôi mới nhờ các anh công an hỗ trợ phá chốt khóa. Nhìn vào trong nhà thì thấy lửa cháy to quá. Lúc ý tôi rất run sợ vì không biết hai vợ chồng con gái tôi và các cháu còn ở trong nhà không. Khi mà nhìn thấy các cháu trèo sang nhà hàng xóm thoát được thì tôi mới thở phào”.

Vụ hỏa hoạn khiến sàn nhà bị cháy đen và nhiều thiết bị điện bị hư hỏng

Chỉ sau ít phút nhận được tin báo từ người dân, trực tiếp có mặt tại hiện trường, Trung tá Đỗ Xuân Cường – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Đan Phượng cùng hai chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ trinh sát và hướng dẫn người dân thoát nạn.

Tuy nhiên, trong quá trình dập lửa, nhận thấy việc sử dụng bình chữa cháy tại chỗ chưa thể phát huy được tác dụng nhanh chóng, do đám cháy bùng lên từ xăng và hệ thống ắc quy của xe máy, Trung tá Đỗ Xuân Cường nhận định, cần phải có thêm những biện pháp chữa cháy khác.

“Sau khi đảm bảo các thành viên trong gia đình được thoát nạn, đám cháy vẫn bốc lên dữ dội do chất cháy có cả xăng và ắc-quy xe máy, nên tôi đã cùng với người dân tận dụng cát ở công trình xây dựng bên cạnh để dập lửa và tiến hành di dời 3 chiếc xe gắn máy ra khỏi nhà. Quá trình lực lượng chức năng dập tắt đám cháy này chỉ khoảng 3-5 phút”, Trung tá Đỗ Xuân Cường kể lại.

Trung tá Đỗ Xuân Cường – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Đan Phượng

Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng những thiệt hại về tài sản là không ít. Thống kê sơ bộ, nhiều thiết bị điện và thiết bị gia đình đã hư hỏng hoàn toàn do sức nóng của nhiệt và khói từ đám cháy.

Theo Trung tá Đỗ Xuân Cường – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Đan Phượng, đây chắc chắn là một bài học đối với hộ gia đình này nói riêng và với các gia đình đang sinh sống tại các loại hình nhà ống, nhà ở cao tầng nói chung.

“Đối với loại hình nhà ống, trước khi đi ngủ người dân cần kiểm tra, tắt hệ thống gas, các thiết bị điện không cần thiết. Cách tốt nhất là nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm. Ngoài ra, không sạc xe điện qua đêm, nếu có thể, không nên để xe máy trong nhà, trong không gian hẹp để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ cháy nổ”, Trung tá Đỗ Xuân Cường đưa ra lời khuyên.

Người dân khi sinh sống trong các loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà ống, nhà ở nhiều tầng cần đảm bảo có lối thoát nạn thứ hai

Bên cạnh những khuyến cáo về đảm bảo an toàn PCCC, người dân khi sinh sống trong các loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà ống, nhà ở nhiều tầng cần đảm bảo có lối thoát nạn thứ hai, mở thêm "cửa sống"; xây dựng các phương án thoát hiểm cho bản thân và gia đình khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Rõ ràng, trước khi muốn bảo vệ tài sản trong nhà, chúng ta cần tự trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, để giúp cho mỗi ngôi nhà trở thành nơi thật an toàn trong mọi tình huống.