Cẩm nang cao tốc: Lưu ý khi qua điểm đang thi công sửa chữa

Sau 20 năm xây dựng, với hơn 2.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, hệ thống giao thông nước ta đã tạo được bước đột phá chiến lược, vươn tới và khai phá những không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhưng bên cạnh đó, sau thời gian đi vào hoạt động một số đoạn tuyến cao tốc của nước ta đã xuống cấp, đơn vị quản lý tuyến cao tốc đã tu sửa. Việc thi công kịp thời là cần thiết và cấp bách nhưng những công trình sửa chữa trên cao tốc phần nào ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Vừa qua 1 số tuyến cao tốc của nước ta cũng được nâng cấp, tu sửa. Chẳng hạn tháng 9 vừa qua tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Đơn vị quản lý đã rào chắn một nửa mặt cầu Long Thành trên tuyến cao tốc nối TP HCM với Đồng Nai để sửa chữa khe co giãn, quá trình sửa chữa đường bị thu hẹp tạo nút thắt giữa cầu Long Thành, các phương tiện di chuyển rất khó khăn hướng Đồng Nai về TP.HCM. Đơn vị quản lý tuyến nhiều lần phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6, Phòng 8 - Cục CSGT) bố trí các tổ ứng trực nút giao QL51 để kịp thời điều tiết giao thông từ xa.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng xuống cấp, nhiều ổ gà, ổ voi hố nước sâu, sỏi đá vương vãi khắp mặt đường của tuyến này. Đường quá xấu, xe cộ di chuyển khó khăn, hành khách vất vả, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tài xế, hành khách than phiền, có người cho rằng đây là "tuyến đường xấu nhất ền Tây".

Thi công sửa khe co giãn cầu Long Thành nối TPHCM với Đồng Nai hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: VEC-E

Dự án đầu tư nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang có chiều dài khoảng 51,5km với tổng mức đầu tư khoảng 750 tỉ đồng, điểm đầu sau nút giao giữa cầu Vàm Cống và tuyến tránh QL91 thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ (khoảng Km2158+0,66 theo lý trình đường Hồ Chí Minh), điểm cuối kết nối vào tuyến tránh Rạch Giá thuộc đường hành lang ven biển phía Nam, tỉnh Kiên Giang (khoảng Km2209+449,88 theo lý trình đường Hồ Chí Minh).

Quy mô đầu tư gồm thảm bê tông nhựa mặt đường và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Đây là 2 trong số các cao tốc thi công tu sửa, phần nào ảnh hướng đến người tham gia giao thông. Có lộ trình đi qua những cao tốc có đoạn thi công, một số bác tài cho biết:

"Hiện tại không có thi công mấy những vẫn có những đoạn có rào chắn hạn chế tốc độ. Hiện tại đoạn ở Hưng Yên đường đang thi công nên rất là xấu, kể cả đi với tốc độ thấp những vẫn khó chịu."

"Nói chung thì không bất cập lắm vì có cảnh báo từ xa, cao tốc Nội Bài – Lào Cai đường rất là xấu nhiều người còn muốn đi đường thường hết là cao tốc. Mình chỉ giảm tốc độ thôi nhưng không giảm được nhiều vì còn xe ở phía sau nữa."

Ảnh: Châu Anh/PLO

Thi công trên cao tốc là một công việc rất phức tạp và yêu cầu sự chính xác, an toàn tuyệt đối. Công trình này có thể là việc xây dựng, sửa chữa, bảo trì hoặc nâng cấp các tuyến đường cao tốc. Liên quan đến vấn này, ông Bùi Xuân Kiên - Đội phó Đội vận hành công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) thông tin rõ hơn về vấn đề này:

"Để hiểu rõ thi công trên đường cao tốc chúng ta chia ra 2 trường hợp. Trường hợp thứ 1 là thi công sửa chữa ngắn hạn, duy tu bảo dưỡng thường xuyên như: cắt cỏ, cắt cây xanh, vệ sinh mặt đường... thường thực hiện theo kế hoạch và thi công trong ngày.  Trường hợp thứ 2 là sửa chữa dài hạn theo gói thầu. Tiến độ thi công dựa vào hợp đồng và lưu lượng phương tiện trên cao tốc để đưa ra kế hoạch và khung giờ phù hợp nhất".

Mặc dù thi công trên cao tốc là cần thiết để cải thiện và mở rộng hệ thống giao thông, tuy nhiên, những ảnh hưởng này cần được kiểm soát và giảm thiểu thông qua các biện pháp an toàn, kỹ thuật thi công hợp lý, và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Công tác tổ chức giao thông là rất quan trọng, phần nào giúp người tham gia giao thông có thể chủ động được lộ trình và gia giảm tốc độ cần thiết khi đi qua những nơi có công trình thi công.

Ông Bùi Đình Tuấn - Giám đốc Ban quản lý khai thác (VEC) cho biết: "Tổ chức giao thông tạm thời, có biển báo, đèn tín hiệu, biển chỉ dẫn để người tham gia giao thông biết. Thứ 2 trước khi công cần lắp biển báo theo quy định của nhà nước, đóng làn mở làn, hệ thống cảnh báo từ xa. Thứ 3 thực hiện phân làn, kẻ vạch đường để người tham giao giao thông biết sớm để chủ động từ xa. Ngoài ra thì trong quá trình thực hiện thì chủ đầu tư và đơn vị giám sát, đơn vị quản lý đường thực hiện tốt công tác an toàn giao thông, an toàn lao động và môi trường".

Việc tuân thủ đúng thời gian và tiến độ thi công trên cao tốc không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công trình mà còn có tác động lớn đến sự an toàn giao thông, hiệu quả kinh tế và môi trường. Để đạt được điều này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ, và hợp tác giữa các bên liên quan, từ đơn vị thi công, cơ quan chức năng đến người tham gia giao thông.

Hợp tác và tuân thủ các quy định giao thông khi đi qua các khu vực thi công trên cao tốc không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công, giúp các công nhân thực hiện công việc một cách an toàn và hiệu quả.

Việc chấp hành các hướng dẫn và biện pháp an toàn sẽ giảm thiểu các nguy cơ tai nạn, ùn tắc và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.

Nhà thầu thi công sửa chữa nền mặt đường một tuyến đường Quốc lộ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Thi công bảo trì cao tốc là một công việc quan trọng để đảm bảo các tuyến đường cao tốc luôn trong tình trạng an toàn, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu giao thông. Bảo trì không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của đường cao tốc mà còn giúp tăng cường sự an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông. Nếu có lộ trình phải đi qua những đoạn cao tốc có công trình thi công, thì người tham gia giao thông phải lưu ý điều gì?

TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản đưa ra 1 số lưu ý sau đây: "Khi lái xe trên đường mình thấy có biển báo thi công thì tốt nhất để giảm tốc độ để có vấn gì còn kịp xử lí. Lái xe phải kiên nhẫn còn đơn vị thi công không có việc phải thi công nhanh vì tài xế sốt ruột. Vì công trình thi công có khung thời gian cụ thể, kế hoạch cụ thể và tiến độ cứ làm theo đúng cái đó thôi."

Liên quan đến việc lưu thông trên các tuyến cao tốc có công trình thi công ông  Bùi Đình Tuấn - Giám đốc Ban quản lý khai thác (VEC) cũng đưa ra một vài khuyến cáo đối với người tham giao thông:

"Thứ nhất là chú ý các biển báo chỉ dẫn, thứ 2 là làm theo hệ thống đèn và hiệu lệnh, thứ 3 là giảm tốc độ theo yêu cầu, thứ 4 là tăng cường chú ý vì trong đoạn thi công cảnh vật sẽ thay đổi nên người lái xe hết sức chú ý. Khi đi qua những đoạn sửa chữa thì giữ khoảng cảnh an toàn, không được vượt. Một vấn đề nữa là chú ý thông báo trên kênh VOV Giao thông trước trong tham giao thông để cập nhật, cuối cùng lắng nghe làm theo chỉ dẫn của CSGT và nhân viên vận hành."