Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đang gây tổn hại đến sức khỏe của người dân Việt Nam. - Đây là nội dung được đưa ra tại toạ đàm “Những tác động sức khoẻ của Biến đổi khí hậu và Ô nhiễm Không khí: Sự liên kết và các cơ hội để hành động” do Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, do có vị trí địa lý đặc biệt và mực nước biển dâng cao. Khảo sát thường niên của IQAir đã chỉ ra rằng không khí tại Việt Nam là quốc gia ô nhiễm thứ 2 trong Khu vực ASEAN vào năm 2023.
Các tác động về sức khỏe bao gồm các đợt bùng phát dịch bệnh và bão lũ đang diễn ra thường xuyên khiến hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đó có hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí, các bệnh đường hô hấp cấp tính, dẫn đến suy giảm sức khỏe cho các bệnh nhân mắc bệnh nền như hen suyễn, đột quỵ, ung thư phổi, tim mạch…
Điều này khiến lượng chi phí lớn dành cho sức khỏe, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mất 3,2% Tổng sản phẩm quốc nội do biến đổi khí hậu và 1% do ô nhiễm không khí vào năm 2020.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: “Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đều có khả năng làm suy yếu đi nhiều thập kỷ tiến bộ về sức khoẻ toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí cũng có liên quan với nhau.
Các loại nhiên liệu hoá thạch là nguồn chính gây ra ô nhiễm không khí ngoài trời và cũng là nguồn phát thải khí carbon, một yếu tố góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Khi biến đổi khí hậu diễn ra, những chất gây ô nhiễm cũng vì đó mà bị giữ lại trong không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày”.
Theo PGS, TS, BS. Trần Quỳnh Anh (Trưởng bộ môn sức khỏe môi trường, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội): “Hiện nay có quá nhiều chất gây ô nhiễm nhưng bụi mịn PM 2.5 là chất nguy hiểm nhất vì gây tác hại đến sức khỏe, hệ hô hấp, tuần hoàn và nó được ghi nhận là tác nhân gây ung thư. Chúng tôi khuyến cáo đến người dân là chúng ta nên theo dõi chỉ số AQI.
Bởi bụi PM 2.5 thay đổi theo mùa như thu và đông vì khí hậu điều kiện thời tiết là mùa ít mưa, ít gió, không có khả năng phát tán bụi đi xa và cao nên cơ thể dễ hít loại bụi này. bụi PM 2.5 cũng cao hơn vào buổi sáng, do đó người dân ra ngoài vào giờ sáng sớm để đi làm hoặc tập thể dục cần chú ý tránh điểm có nguồn gây ô nhiễm cao như công trình, đường giao thông, nhà máy…”
Cũng tạo buổi hội thảo, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức, cho rằng: “Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những thách thức toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Là một phần trong nỗ lực hỗ trợ sâu rộng hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu, Đại sứ quán CHLB Đức đã tổ chức các cuộc Đối thoại về Khí hậu nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Việt Nam”.
Việt Nam đã và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về các hành động chống biến đổi khí hậu, điều này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí. Tại phiên thảo luận tiếp theo của hội nghị Đóng góp cho Kế hoạch Hành động quốc gia của Việt Nam theo Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khi hậu.
Chương trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thực hiện cam kết của mình trong việc giảm phát thải khí nhà kính.