Bất chấp ảnh hưởng bão Yagi, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế quý III và 3 quý/2024. Đáng chú ý, dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 song GDP quý III vẫn tăng trưởng tới 7,4%, mở ra nhiều kỳ vọng cho triển vọng kinh tế của cả năm 2024.

  

Ảnh nh họa: Báo Tin tức

Chịu sự tác động của cơn bão số 3 yagi,  khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề song vẫn tăng 2,58%. Mặc dù mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024 (quý III/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,52% do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản, Tổng Cục thống kê cho biết: "Chúng ta thấy rằng bão đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của các tỉnh ở Bắc Bộ và cũng tác động tới sản xuất nông nghiệp của cả nước thì mức tăng trưởng của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản quý 3 giảm khoảng 1% so với kịch bản đề ra cho quý 3 năm nay. 9 tháng, khu vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,2%, cũng thấp hơn so với kịch bản".

Đáng nói, bất chấp những tác động tiêu cực từ cơn bão số 3 diễn ra trong tháng 9, tổng sản phẩm quốc nội GDP quý III năm nay vẫn tăng ở mức 7,4%, đưa GDP 9 tháng tăng 6,82% - tiến sát mốc 7% mà Chính phủ đặt mục tiêu năm nay:

"Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82% là kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn và ở trong nước, thiên tai, bão lũ cũng gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân".

Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng do bão Yagi nhưng đã nhanh chóng phục hồi để đạt mức tăng trưởng tích cực trên 9%, đóng góp 48,88% GDP quý 3. Khu vực dịch vụ tăng 7,51%, góp 47,04% tăng trưởng kinh tế, phần lớn nhờ vào một số ngành dịch vụ có tăng trưởng tốt hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu, như vận tải, kho bãi…

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê nhận định: "Trong tháng 9 chúng ta có ghi nhận cơn bão tràn qua các địa phương phía Bắc và là một số địa phương trung tâm công nghiệp cũng ảnh hưởng nặng của bão như Hải Phòng hay Quảng Ninh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã có những phương án chủ động để thích ứng với điều kiện sản xuất khó khăn trong tháng 9 bằng việc tổ chức lại sản xuất cũng như tăng ca, tăng kíp để đảm bảo kịp đơn hàng đã ký kết với đối tác.

Trong khi một số lĩnh vực kinh tế trụ cột có mức tăng khá, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay chỉ tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,69% -  thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 4-4,5% mà Quốc hội đề ra.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện tài chính cho rằng: "Trong Quý 3 vừa rồi, tỷ giá đồng Việt Nam lên giá so với đô la Mỹ và mức độ tác động lên tỷ giá trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kéo thấp chỉ số giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, từ đó làm ổn định giá trị đồng Việt Nam, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài".

Đáng nói, với những nỗ lực đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, tiền ẩn nhiều rủi ro, có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội nước ta những tháng cuối năm. 

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình nêu quan điểm: "Chúng ta cần huy động được nhiều hơn đầu tư của khu vực tư nhân để bù đắp sự suy giảm của đầu tư công trong thời gian tới, bởi chúng ta phải dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ và những chi tiêu cho an sinh xã hội. Chúng ta cần mở ra được những không gian tăng trưởng mới, những dư địa tăng trưởng mới và những không gian kinh tế mới. Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì được mức tăng trưởng cao và bền vững. Đây là thách thức lớn nhất mà nước ta phải đối diện trong tình hình hiện nay".

Tổng cục Thống kê cho rằng, với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi. Cụ thể, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý IV sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%.