Theo Bộ Y tế, hiện ngân sách chưa bảo đảm để người dân được tiếp nhận các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu, chưa có bất cứ can thiệp dinh dưỡng nào được Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả. Đồng thời, các chế phẩm chuyên biệt và sản phẩm dinh dưỡng chưa thuộc danh mục chi trả của BHYT.
Vậy nên, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ trong thời gian sắp tới là sẽ xây dựng chính sách BHYT chi trả đối với các sản phẩm, dịch vụ như: Dịch vụ tư vấn và điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng; Chi trả cho sữa mẹ thanh trùng cho đối tượng là trẻ sơ sinh, sinh non và bệnh lý chưa được tiếp cận với sữa mẹ đẻ; Chi trả các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa,..v..v..
Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
PV: Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng ền về tỷ lệ này, nhất là ở các vùng nông thôn và ền núi tỷ lệ này còn ở mức cao. Vậy theo ông, chính sách về BHYT này liệu có giúp giảm thiểu được tình trạng này không?
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng: Tôi nghĩ đây là một chính sách rất tốt cho các đối tượng được thụ hưởng. Đáng nhẽ, chương trình này theo quan điểm phải được thực hiện lâu rồi, nhưng đây cũng là một sự ghi nhận đối với các cơ quan chức năng, khi đã đưa ra được giải pháp để chúng ta quan tâm dinh dưỡng một cách đầy đủ hơn.
Tôi nghĩ đấy cũng là một trong những biện pháp chúng ta có thể giúp cải thiện tình trạng suy dưỡng thấp còi. Vì chúng ta biết, rất nhiều cháu bị suy dưỡng thấp còi, đặc biệt là khi phải vào viện, thì thuốc men có thể được bảo hiểm hỗ trợ, nhưng mà dinh dưỡng thì lại chưa được hỗ trợ một cái phần nào đấy.
Đây là một trong những chính sách mà sẽ giúp cho, ngoài câu chuyện chăm sóc thuốc rồi, thì cần cả chăm sóc dinh dưỡng nữa, để giúp cho việc chăm sóc được toàn diện nhất, cho các cái đối tượng yếu thế hoặc là đối tượng mà có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thấp còi này.
PV: Việc xây dựng kế hoạch để BHYT chi trả cho các sản phẩm, dịch vụ về dinh dưỡng, dường như đang tập trung chủ yếu cho đối tượng là trẻ em và phụ nữ mang thai. Ông có đánh giá như thế nào về việc này, liệu có cần mở rộng thêm về đối tượng thụ hưởng trong chính sách này hay không?
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng: Nếu như tôi được quyền thì tôi bảo là sẽ nên mở rộng. Nhưng với điều kiện, tình hình thực tế của mình tôi nghĩ là đã ưu tiên được cho trẻ em, cho phụ nữ mang thai, cho các cái đối tượng đang trong giai đoạn phát triển mà cần phải hỗ trợ, đặc biệt là ở những vùng mà còn khó khăn, thì đây cũng được gọi là một chính sách ưu việt của Chính phủ, cũng như là của Bộ Y tế, cũng như là Viện Dinh dưỡng đã tham mưu, để làm nên một cái pháp trước mắt như này.
Và sau khi làm rồi, chúng ta rà soát lại các cái kết quả đã ghi nhận được, tôi nghĩ cũng sẽ là các động thái để chúng ta có thể tìm được các nguồn hoặc là mở rộng hơn nữa cho các đối tượng tiếp theo.
PV: Ngoài việc trông chờ vào các chính sách của nhà nước, thì về phía người dân, ông có khuyến cáo gì để có thể tiếp tục góp phần vào việc cải thiện vấn đề dinh dưỡng ở nước ta?
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng: Về phía người dân, ngoài các chương trình cần được điều trị bằng các hỗ trợ về chính sách của nhà nước rồi, thì bản thân người dân cũng phải tự thay đổi, ý thức được về vấn đề dinh dưỡng, khi mà chúng ta đã cải thiện được vấn đề này.
Hoặc là trong thời gian nằm viện, chúng ta đã được hỗ trợ rồi, thì sau khi ra viện, người dân cũng cần phải góp phần, chung tay và cùng với các cơ sở y tế, các cơ quan nhà nước, thì mới có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng, nhất là suy dinh dưỡng thấp còi được bền vững.
Còn nếu chúng ta chỉ trông chờ vào thời gian nằm viện được hỗ trợ, hoặc chỉ can thiệp vào những giai đoạn bị suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng cấp tính thôi, không tiếp tục can thiệp tiếp trong các giai đoạn sau hoặc giai đoạn hồi phục nữa, thì cái câu chuyện đấy nó lại có thể tái trở lại.
PV: Xin cảm ơn ông!