Thị trường gạo và những nhân tố khó đoán định
Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tăng 18,7% về lượng, tăng 29,6% về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng khá cao với các chủng loại gạo thơm và gạo chất lượng cao mà Việt Nam có thế mạnh. Hiện giá xuất khẩu một số chủng loại gạo đã vượt mốc 600 USD/tấn, thiết lập mốc kỷ lục cao nhất trong 11 năm qua. Giá thóc gạo hàng hóa duy trì ở mức cao vừa bảo đảm lợi ích cho người nông dân, trong khi cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng.
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đặt ra mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo. Cụ thể, ‘gạo trắng thường’ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 55,5%; tiếp đến loại gạo thơm chiếm 24,2%; gạo nếp đứng thứ ba với 8,5%; gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu.
Mặc dù vậy, thị trường gạo trong nước nói chung và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là những biến động từ bên ngoài.
Trong số này, điển hình nhất là lệnh cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati) của Ấn Độ hôm 20/7 hay việc Nga tuyên bố không gia hạn thoả thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hôm 17/7.
Có thể nói, biến động chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo khiến thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến quá nhanh, có nhiều nhân tố khó đoán định.
Chất lượng và thương hiệu sản phẩm
Thực tế trong nước, sản xuất lúa gạo Việt Nam có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có thời điểm khó kiểm soát nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ. Thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ nguồn cung và thị trường.
Trước những nhân tố khó đoán định từ bên trong và bên ngoài này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây khẳng định, cần chọn cái “cố định”, cái đảm bảo cho việc làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh, và bền vững. Đó chính là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, cùng thị trường xuất khẩu.
Từ điểm tham chiếu “chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội và giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/8 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất: “Thời gian tới, trước hết Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp”.
Tại hội nghị xuất khẩu gạo đầu tháng 8, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.
Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin về nước, Bộ Công Thương còn yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.