Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Nắng nóng và cuộc sống xóm trọ dưới chân cầu Long Biên Nắng nóng và cuộc sống xóm trọ dưới chân cầu Long Biên

Nắng nóng và cuộc sống xóm trọ dưới chân cầu Long Biên

Phúc Tài   •   2:57 30/05/2023

Sau chợ Long Biên, Hà Nội, giáp bờ sông Hồng có một xóm trọ lao động. Trong xóm trọ này, người từ tứ xứ đổ về ở, mỗi người một việc để mưu sinh như: cửu vạn, xe ôm, bán hoa quả dạo, bán cháo xe đẩy,…

Gọi là nhà cho sang…

Những ngày này, Hà Nội nóng như đổ lửa, ngồi trong nhà dưới cái mát của điều hòa nhiều khi vẫn còn cảm thấy cơn oi bức. Thế nhưng, ở một góc kia của thành phố, có những người vẫn sống trong cảnh 3 không: không chỗ ở tử tế, không điều hòa, và không biết ngày mai sẽ ra sao.

Tò mò về cuộc sống của những con người như thế, tôi tìm đến xóm trọ của dân lao động phía sau chợ Long Biên. Men theo con ngõ dọc bờ mương thoát nước với tả bổ xiểng những thứ khó có thể kể tên.

Đường vào đây rộng chỉ sải tay, vào ngày hè mùi tanh nồng từ phía chợ cá, mùi ngai ngái từ nước thải dưới mương thoát nước bốc lên khiến cho ai mới đến đây cũng phải bịt mũi, chạy qua thật nhanh.

Đường vào xóm trọ.

Đường vào xóm trọ.

“Xóm này gọi là xóm bờ sông, xóm lao động, xóm nghèo hay gọi là xóm gì cũng được, ai cũng có thể đặt tên cho xóm này” – Anh Sơn (tên nhân vật được thay đổi) vừa kéo ghế mời tôi ngồi vừa nói.

Anh Sơn năm nay 51 tuổi, quê Hưng Yên, làm bốc xếp hàng hóa trong chợ Long Biên, còn vợ bán hoa quả. Hai vợ chồng anh Sơn bám trụ ở đất Hà Nội gần 20 năm.

Giờ làm việc của hai vợ chồng theo giờ chợ Long Biên họp nên ban ngày ở nhà ngủ nghỉ, buổi tối khoảng 21h hai vợ chồng chuẩn bị xe thồ ra chợ làm việc xuyên đêm.

Căn nhà anh Sơn đang thuê nhìn ra phía cầu Long Biên.

Căn nhà anh Sơn đang thuê nhìn ra phía cầu Long Biên.

Chia sẻ về xóm trọ, anh Sơn cho biết, đa phần người dân trong xóm đến từ nhiều địa phương như: Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định hay huyện Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội), đặc biệt hơn có người ngày xưa từng ở trong phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (một trong những con phố cổ sầm uất).

Trong xóm này mỗi người một nghề để mưu sinh như: cửu vạn, xe ôm, bán hoa quả dạo, bán cháo xe đẩy,… Mỗi người, vì những biến cố của cuộc đời mà bị xô đẩy đến xóm trọ này mưu sinh.

Do diện tích nhà nhỏ nên bếp và khu vệ sinh được đặt ngay cạnh nhau.

Do diện tích nhà nhỏ nên bếp và khu vệ sinh được đặt ngay cạnh nhau.

Căn nhà anh Sơn và vợ thuê rộng khoảng 10m2, được dựng lên nhờ bốn trụ bê tông, vách bên ngoài che chắn bằng tôn, bên trong vách ốp thêm bạt để giảm nhiệt vào ngày hè. Cánh cửa ra vào là một miếng bạt, bên trong nhà đủ kê một giường “tự chế” từ miếng gỗ ép và bốn chân giường được xếp bằng bốn viên gạch.

Bàn bếp cũng do vợ chồng anh Sơn tự làm, chân bàn xếp từ gach, mặt bàn là một miếng gỗ ép đặt lên. Ngay cạnh bếp là nhà vệ sinh.

“Gọi là nhà cho sang, anh chị hay gọi là túp lều tranh của 2 vợ chồng. Mấy hôm nay trời Hà Nội nóng quá, gió sông Hồng phả vào vẫn nóng hừng hực. Chiều qua (tức ngày 20/5) tưởng mưa mà không mưa, thế là cứ oi bức, bứt rứt trong người chú em ạ!” – Anh Sơn chia sẻ.

Giường của vợ chồng anh Sơn chân xếp bằng gạch, mặt trên bằng gỗ ép.

Giường của vợ chồng anh Sơn chân xếp bằng gạch, mặt trên bằng gỗ ép.

Vào ngày nắng nóng, nhiệt độ Hà Nội lên tới 40 độ C, cách hạ nhiệt tốt nhất của vợ chồng anh Sơn là trông vào những tán cây đổ xuống khoảng sân trước nhà. Chỉ cần 3 – 4 ghế nhựa để ngồi, một vài cơn gió thoảng là bước “ngon ơ” qua cơn nóng.

Còn buổi tối, hai vợ chồng đi lao động ngoài chợ, làm nhiều, vất vả, người nóng nực khi về chỉ cần tắm qua cho thoải mái, bật quạt mát là có thể vào giấc ngủ.

“Vợ chồng anh ở đây dùng gió sông làm điều hòa, điện chỉ dùng thắp sáng bóng đèn với sạc điện thoại. Cứ làm mệt về tắm ù một cái cho đỡ mồ hôi rồi lên giường là ngủ được ngay thôi” – Anh Sơn nói.

Tán cây là nơi vợ chồng anh Sơn tránh nóng trong những ngày nắng gắt.

Tán cây là nơi vợ chồng anh Sơn tránh nóng trong những ngày nắng gắt.

Phương tiện giải trí là một chiếc điện thoại để vừa xem phim, xem thời sự, cập nhật tin tức.

Phương tiện giải trí là một chiếc điện thoại để vừa xem phim, xem thời sự, cập nhật tin tức.

Nguồn sáng duy nhất trong nhà của anh Sơn khi trời tối là 2 bóng điện.

Nguồn sáng duy nhất trong nhà của anh Sơn khi trời tối là 2 bóng điện.

Một, hai bộ quần áo đẹp cất cẩn thận để mặc khi có dịp như lễ tết, ăn cưới.

Một, hai bộ quần áo đẹp cất cẩn thận để mặc khi có dịp như lễ tết, ăn cưới.

Hỏi về kỷ niệm nơi xóm trọ, anh Sơn kể về mùa nước sông Hồng nổi vào khoảng tháng 7, tháng 8. Năm nào nước dâng lên cao lại tràn vào nhà, để ứng phó, hai vợ chồng kê thêm gạch đôn cao chân giường với bếp, đồ đạc treo lên trần thế là không bị ướt.

Mấy năm gần đây nước cạn, cùng lắm chỉ ngấp nghé mặt sân nên cũng đỡ cảnh chạy đồ mùa nước nổi.

Xóm trọ tạm bợ này là nơi ngụ cư của hàng trăm người lao động. Họ làm đủ mọi nghề từ cửu vạn, xe ôm, bán hàng rong,... để bám trụ lại thành phố.

Xóm trọ tạm bợ này là nơi ngụ cư của hàng trăm người lao động. Họ làm đủ mọi nghề từ cửu vạn, xe ôm, bán hàng rong,... để bám trụ lại thành phố.

Cuộc sống ở một nơi hè thì nóng, mưa to thì lụt lội, lụp xụp vậy động lực nào có thể khiến anh Sơn và cả những người trong xóm trọ này có thể bám trụ với Hà Nội, bám trụ với xóm trọ nghèo lâu đến như vậy?

Anh Sơn chia sẻ: “Ai chẳng có ước mơ. Tôi cũng thế! Thế nhưng số mình long đong, hoàn cảnh chẳng có gì, làm ruộng, cấy lúa ở quê cũng không đủ trang trải cuộc sống. Cực chẳng đã, hai vợ chồng rủ nhau lên đây. Thấm thoắt đã hai mươi năm”.

Khoảng sân chung rộng chừng 40m2 trước cửa nhà anh Sơn là nơi cả khu trọ dùng để phơi quần áo.

Khoảng sân chung rộng chừng 40m2 trước cửa nhà anh Sơn là nơi cả khu trọ dùng để phơi quần áo.

Anh Sơn cho biết thêm, anh chị có hai người con trai, cả hai đều thương bố mẹ nên cũng ngoan ngoãn, giờ đã đi làm công ty nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn.

Với những người như gia đình anh Sơn, vất vả, khó khăn luôn hiện hữu, nhưng sự trưởng thành của các con là điều an ủi, giúp anh, chị vượt qua tất cả và điều đó không chỉ là ước mơ, động lực của riêng vợ chồng anh Sơn mà đó cũng là của các gia đình khác trong xóm trọ.

Bé gái 15 tháng tuổi nhà chị Nhung, hàng xóm của nhà anh Sơn.

Bé gái 15 tháng tuổi nhà chị Nhung, hàng xóm của nhà anh Sơn.

“Nào bé con, em không nghịch như thế, dao cứa vào tay bây giờ, bé con ngoan” – Tiếng một người phụ nữ vang lên cắt ngang câu chuyện của tôi và anh Sơn. Ngoài cửa, vợ anh Sơn đang trông một bé gái 15 tháng tuổi.

Bé gái này là con của chị Nguyễn Hồng Nhung hàng xóm của vợ chồng anh Sơn. Nhà chị Nhung gốc ở trong phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau nhiều biến cố đã chuyển ra đây để ở và lao động.

Đồ chơi của bé gái trong lúc mẹ vắng nhà là quả cà vừa được bác hàng xóm gọt đợi muối.

Đồ chơi của bé gái trong lúc mẹ vắng nhà là quả cà vừa được bác hàng xóm gọt đợi muối.

Mẹ chị Nhung đẩy xe bán cháo dạo nuôi cả nhà vì chị Nhung mới sinh nên tạm thời ở nhà trông con chờ việc làm.

Thỉnh thoảng chị Nhung có việc làm thêm theo giờ lại gửi em bé sang nhà anh chị Sơn nhờ trông. Cuộc sống của nhà chị Nhung được đánh giá là vất vả trong xóm.

Bé gái lớn lên trong sự lam lũ vất vả lao động của bà, của mẹ, sự yêu thương, đùm bọc, ấm áp tình người từ các cô, các bác trong xóm lao động nghèo.

Bé gái lớn lên trong sự lam lũ vất vả lao động của bà, của mẹ, sự yêu thương, đùm bọc, ấm áp tình người từ các cô, các bác trong xóm lao động nghèo.

Mát hơn nhờ… dát giường

Rời câu chuyện với anh Sơn, tôi tiếp tục đi sâu ra phía sau để tới nhà của 3 mẹ con Phạm Văn Minh (20 tuổi), quê Sóc Sơn (Hà Nội). Ngôi nhà của Minh thuê được tính vào hạng sang trong xóm trọ này vì nhà rộng, có thêm nền gạch, khu nhà vệ sinh được tách biệt bằng tường.

Mẹ của Minh làm nghề bán hoa quả khu vực phố Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội còn Minh và em trai làm thuê trong chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

“Ba mẹ con em thuê phòng này riêng tiền nhà là 1 triệu 500 nghìn chưa kể điện nước. So với các nhà khác trong xóm nhà này của ba mẹ con em cũng rộng đủ ở.

Nếu chi tiêu khéo may ra mỗi tháng có một chút gửi về quê, anh bảo lương của em một tháng 6 triệu, tính đầu, tính đuôi chi phí hàng tháng cũng còn bao nhiêu đâu. Tính đi rồi tính lại phải hết sức tiết kiệm” – Phạm Văn Minh chia sẻ.

Mặc dù vào dạng nhà hạng sang của xóm, nhưng 3 mẹ con cũng chỉ ngủ trên 1 chiếc giường tự chế từ gạch và ván gỗ ép. Chiếc quạt trần tự chế từ quạt treo tường cũ, đã bỏ lồng quạt để thêm mát.

Ở khu vực giường nằm 3 mẹ con đã chế thêm xốp cách nhiệt trên áp trần, tuy nhiên vào những ngày hè như hiện nay vẫn rất nóng.

Chiếc quạt trần đặc biệt của ba mẹ con nhà Minh.

Chiếc quạt trần đặc biệt của ba mẹ con nhà Minh.

Ngồi trong nhà nhưng những giọt mồ hôi vẫn tuôn rơi trên khuôn mặt của Minh.

Ngồi trong nhà nhưng những giọt mồ hôi vẫn tuôn rơi trên khuôn mặt của Minh.

Nếu nóng quá, ba mẹ con sẽ lấy nước tạt lên vách tôn, hoặc tưới lên mái để hạ nhiệt. Ngoài ra, vị trí nào lọt ánh nắng dùng mọi thứ như: bìa carton, miếng nhựa hay miếng gỗ ép che lại để tránh ánh nắng xiên thẳng vào nhà.

Tôi đặt tay lên mặt giường nơi 3 mẹ con Minh nằm, mặc dù đã áp dụng nhiều cách để hạ nhiệt nhưng tôi vẫn cảm nhận sức nóng trên mặt chiếu.

“Ngày hè ở đây rất nóng, mặt trời phả thẳng vào mái tôn, nhưng vì cuộc sống mưu sinh việc oi bức, nắng nóng chịu đựng lâu đã thành quen, nên như thế này là chuyện bình thường” - Mẹ của Minh nói.

Mẹ của Minh trằn trọc vì đi làm về mệt nhưng trời quá nóng không thể vào giấc ngủ trưa.

Mẹ của Minh trằn trọc vì đi làm về mệt nhưng trời quá nóng không thể vào giấc ngủ trưa.

Một tiếng rột soạt ngoài hiên vang lên, bà Hoa (tên nhân vật được thay đổi) là hàng xóm sát vách của 3 mẹ con Minh đang dùng một bọc túi nilon, bên trong đựng đầy giấy rối để tạo phồng kê lên phần mái nhựa tránh khi mưa mái không bị ép xuống khiến nước trút vào nhà.

Bà Hoa quê ở Sóc Sơn, Hà Nội, bà sống trong xóm trọ này một mình, làm nghề bán hàng rong quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Chiều hôm 20/5 trời bỗng vàng mỡ gà, bà Hoa nghĩ là sẽ có mưa để hạ nhiệt nóng bức, nhưng chờ mãi trời không mưa. Hôm nay bà Hoa lại chỉnh mái nhựa với ánh mắt trông ngóng trời sẽ trút mưa để cho cả xóm trọ được mát.

Cơn mưa trong những ngày nắng nóng đủng đỉnh không tới, bà Hoa chốc chốc lại ra chỉnh lại chỗ mái nhựa bị xệ.

Cơn mưa trong những ngày nắng nóng đủng đỉnh không tới, bà Hoa chốc chốc lại ra chỉnh lại chỗ mái nhựa bị xệ.

Căn phòng của bà Hoa cũng chỉ rộng khoảng 10m2, nơi ngủ, chỗ nấu ăn và phòng vệ sinh được bố trí ở trong phòng. Bà Hoa khoe với tôi chiếc giường bà đang nằm được bà tự tay làm.

Giống như giường của đa phần những nhà khác trong xóm trọ, chân giường cũng được xếp bằng gạch; nhưng có cải tiến là có dát giường, thoáng khí nên buổi tối ngủ mát hơn một chút.

Chiếc giường ngủ được tự tay bà Hoa thiết kế.

Chiếc giường ngủ được tự tay bà Hoa thiết kế.

Màu xanh, đỏ của những miếng tôn dựng thành vách trong xóm trọ giống như màu sắc cuộc sống của từng người trong xóm này.

Mỗi người một số phận, một mảnh đời riêng, cuộc sống nghèo khó mưu sinh vất vả khiến cho ai cũng có một sức chịu đựng để bước qua bão tố cuộc đời.

Xóm trọ nghèo nằm ở sau chợ Long Biên.

Xóm trọ nghèo nằm ở sau chợ Long Biên.

Thành phố phồn hoa với nhiều ánh đèn lung linh, nhưng đâu đó phía dưới chân đèn – nơi ánh sáng không thể tới, vẫn có những người vất vả mưu sinh. Ước mơ của họ là trời cho sức khỏe, các con luôn chăm ngoan học giỏi để bố mẹ có động lực lao động, bám trụ thành phố./.