Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Mong “thất nghiệp” để mọi người được bình an Mong “thất nghiệp” để mọi người được bình an
Hồng Lĩnh   •   1:53 05/12/2023

Nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên những giây phút ám ảnh trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội) cách đây hơn 2 tháng làm 56 người tử vong. Và cũng không thể quên hình ảnh người đàn ông mặt đầy những vệt khói đen tham gia cứu 12 người trong vụ cháy thương tâm ngày ấy.

Hôm nay, Ngày quốc tế tình nguyện (5/12), PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội cứu hộ FAS Angel, ngay tại thời khắc anh được nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023.

PV: Hôm nay trông anh khác quá. Là một trong 10 cá nhân vinh dự nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023, vào một dịp rất đặc biệt, chắc hẳn anh muốn nói nhiều điều?

Anh Phạm Quốc Việt: Ý bạn muốn nói là tôi phải có những vệt khói đen trên mặt, mới giống tôi đúng không? (cười)

Đây thực sự là vinh dự của cả cuộc đời. Giải thưởng cũng tiếp thêm sức mạnh và năng lượng cho tôi trên con đường thiện nguyện. Giải thưởng này cũng là vinh dự của cả đội FAS Angel.

Tôi muốn nói với những người bạn đồng hành của tôi, sau giải thưởng là những gì chúng ta đã trải qua cùng nhau. Đó cũng là khoảng thời gian rèn luyện cực kỳ vất vả với cá nhân tôi. Lời nhắn nhủ từ trái tim tôi dành cho các bạn, mọi thứ sẽ đến nếu như tiếp tục kiên trì trên con đường thiện nguyện.

Mặc dù biết sẽ vất vả, sẽ khó khăn, chúng ta cũng phải bỏ qua những sự đố kị trong con người mình thì sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn.

PV: Anh là người sáng lập, cũng là “thủ lĩnh” của FAS Angel cho đến thời điểm hiện tại. Những nỗ lực trong chặng đường 6 năm qua, anh có thể chia sẻ cùng VOVGT?

Anh Phạm Quốc Việt: Chúng tôi hoạt động trên tôn chỉ không bỏ rơi người bị nạn. Trong nhiều năm qua, 17.000 người đã được hỗ trợ sơ cứu. Dấu ấn đặc biệt là vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ.

Chúng tôi đã làm hết mình, phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết những vấn đề rủi ro, thảm hoạ hay những vấn đề xảy ra thường ngày như tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Chúng tôi đã từng bước nâng cấp, chuyên nghiệp hoá lực lượng, nhân sự; đào tạo kỹ năng cũng như huấn luyện cho tình nguyện viên có thể xử lý trong mọi tình huống.

Bởi thế nên đã “chinh phục” những trái tim khó tính nhất của những người thường xuyên theo dõi các đội, nhóm tình nguyện

PV: Các đội, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện thường gặp những thách thức trong việc huy động nguồn kinh phí để duy trì. Với FAS Angel thì sao?

Anh Phạm Quốc Việt: Chúng tôi luôn công khai vấn đề tài chính. Tôi tự tin nói rằng nguồn kinh phí từ việc xin đóng góp hay kêu gọi đều hoạt động hiệu quả. Chúng tôi đã chuyển mình sang tâm thế mới đó là tự lực, trở thành một doanh nghiệp xã hội.

Đã có những trạm cứu hộ về kinh doanh dịch vụ sửa chữa xe gắn máy hoặc những đầu tư khác cho các tình nguyện viên, vừa giữ chân tình nguyện viên, vừa dạy nghề cho họ. FAS Angel đã chiến thắng được suy nghĩ “ngửa tay xin tiền”.

Dần dần, chúng tôi sẽ mang lại cho cộng đồng nhiều giá trị do chính nguồn lực mà FAS Angel tạo ra song hành cùng những nhà hảo tâm, những tổ chức sẵn sàng cống hiến.

PV: Điều gì đọng lại khi anh cùng với các tình nguyện viên đối mặt với những giây phút sinh - tử trong các vụ cháy hay tai nạn thương tâm?

Anh Phạm Quốc Việt: Có rất nhiều hình ảnh thảm thương, đau lòng và tôi luôn muốn cố gắng quên đi vì các nạn nhân được cứu sống đã được trở về bên gia đình. Tôi chỉ mong muốn rằng, tại nơi xảy ra vụ cháy có thể có chỗ để tôi ghé đến thắp hương, suy ngẫm lại những gì đã trải qua.

Thảm thương đó, nhưng cũng là bài học để không còn những thảm hoạ tương tự. Sau vụ cháy ở Khương Hạ, rất nhiều người biết đến chúng tôi, nhưng đó không phải là điều chúng tôi muốn. Chúng tôi muốn “thất nghiệp” để mọi người được bình an.

Mọi người thường đùa tôi, tôi là người họ không bao giờ muốn gặp (cười).

PV: Lý do để anh bắt đầu với FAS Angel có phải là động lực để anh bước tiếp trên con đường thiện nguyện?

Anh Phạm Quốc Việt: Tôi đã từng là người bị nạn, tôi đã từng bị bỏ rơi. Tôi biết một người bị nạn bị bỏ rơi sẽ có cảm xúc như thế nào. Trong suốt 15 phút bị bỏ rơi tại hiện trường đó, bạn biết không, tôi đã trải qua những nỗi sợ hãi không thể nói hết được.

Tôi hiểu, một nạn nhân cần gì. Và từ đó, tôi trau dồi rất nhiều kiến thức để biết cách xử lý một tình huống. 2 năm sau đó, tôi tìm hiểu, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước và đúc rút được những kinh nghiệm cho những tình nguyện viên đặc biệt.

Tôi gọi đặc biệt là bởi công việc chúng tôi có thể biến từ một anh hùng thành một “tội đồ” ngay lập tức nếu chúng ta thao tác sai.

Tôi đã tự tin thành lập đội vào năm 2019. Đến bây giờ FAS Angel đã có 150 tình nguyện viên, 50 người thường xuyên túc trực tại hiện trường có kỹ năng 7/10 so với những gì tôi đã trang bị.

Tôi đã tự tin hơn rất nhiều vì có người đồng hành, có người sẵn lòng cùng với mình không bỏ rơi người khác. Có lẽ đây là một trong những thành công lớn nhất của tôi khi xây dựng FAS Angel.

PV: Anh có “truyền nhân” của mình không?

Anh Phạm Quốc Việt: Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn đang tìm người kế nhiệm. Tôi đã 37 tuổi và vẫn chưa lập gia đình.

Cuộc sống “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” một ngày nào đó sẽ dừng lại nếu tôi tìm được truyền nhân. Tôi cũng có suy nghĩ rằng, lỡ may tôi gặp rủi ro thì sao.

Bởi vậy, nên tôi đã quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội và đưa tất cả tài sản liên quan đến FAS Angel vào một di chúc.

PV: Những lúc anh mệt mỏi và tuyệt vọng nhất là lúc nào?

Anh Phạm Quốc Việt: Có trường hợp đang gọi điện thoại cho người thân nạn nhân ra hỗ trợ thì bị họ nhầm tưởng là cướp nên đè ra đánh. Hay mình đang sơ cứu nạn nhân thì nạn nhân rút dao đâm mình. Một số nạn nhân có hung khí và có hành động khiếm nhã.

Rồi người xung quanh nữa, họ không giúp được nhiều nhưng chỉ trích, phán xét khi thấy nạn nhân say xỉn chẳng hạn. Có khi đang trên đường đi chạy ca thì bị một số đối tượng chặn xe hành hung. Sau này, khi có đồng phục thì mọi người biết về đội nhiều hơn.

Trong một vài trường hợp, nạn nhân bị không nặng nhưng sử dụng rượu bia, chất kích thích, chống trả lại lực lượng sơ cứu rồi phóng xe đi và tử vong.

Tôi cũng buồn và nuối tiếc khi một số tình nguyện viên đến rồi đi vì miếng cơm manh áo. Họ cũng có thể mới học vài kỹ năng rồi bỏ dở.

PV: Anh mong muốn điều gì cho bản thân mình không?

Anh Phạm Quốc Việt: Tôi chỉ mong người bạn đời tương lai hiểu tôi. Tôi sẽ nói với bạn đời của tôi là: “Anh đã sinh ra FAS Angel, anh không thể bỏ rơi nó được. Và đặc biệt hơn, anh không cho phép mình bỏ rơi những người bị nạn vì anh coi họ như người thân”.

Khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày của tôi là sau 12h30 đêm nếu không có sự cố gì nghiêm trọng. Ban ngày, tôi vẫn sửa xe máy, kiếm thêm thu nhập, và huấn luyện thêm cho các tình nguyện viên.

Còn với FAS Angel, trong thời gian tới nếu có điều kiện hơn, tôi sẽ đích thân tới các vùng miền để chia sẻ kỹ năng sơ cấp cứu cho mọi người. Để từ một em bé 7 tuổi cho đến người lớn tuổi đều có thể tự trang bị kỹ năng cho mình.

Tôi mong ở đâu cũng có “thiên thần” sẵn lòng giúp đỡ người khác khi họ có đầy đủ nhận thức, kỹ năng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

-----

Nội dung: Hồng Lĩnh; Đồ hoạ: Quang Huy