Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Khi cần hỗ trợ nếu gặp sự cố cháy nổ, mắc kẹt trong nhà, thang máy, trên cao, dưới hầm sâu, trong hang hay công trình ngầm; Hay khi gặp tai nạn đuối nước; sạt lở đất; sập đổ nhà, công trình, mắc kẹt trong xe khi xảy ra TNGT, chúng ta phải liên hệ với số điện thoại nào?
Thực tế, nhiều người dân đến nay vẫn chưa biết câu trả lời:
"Trước đây em có gặp trường hợp khẩn cấp là TNGT nhưng em không gọi PCCC mà em gọi 113 cho công an".
"Số điện thoại PCCC thì em không nhớ lắm, hình như là 115".
"Bây giờ hỏi thì nhớ đấy nhưng nhiều lúc cuống quá thì thực sự là không biết gọi cho ai. Nhiều khi mình còn không nhớ nói gì đến người già, trẻ em".
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Phó trưởng Công an Quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhìn nhận, hiện nay đa phần người dân đã biết 114 là số khẩn cấp gọi cứu hỏa cứu nạn, song khi xảy ra sự cố, chúng ta có tâm lý hoảng loạn nên thường quên hoặc gọi nhầm số.
Lý giải về nguyên tắc hoạt động của đường dây nóng 114 (chữa cháy và cứu hộ cứu nạn), Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, ở bất kỳ tỉnh thành nào khi người dân bấm số 114 (điện thoại bàn hoặc điện thoại di động cũng không cần bấm mã vùng), hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi về cho đơn vị địa phương gần nhất. Tổng đài này hoạt động 24/24g và có rất nhiều đường dây nên không lo bị quá tải khi nhận nhiều cuộc gọi một lúc.
Sau khi nhận được cuộc gọi, hệ thống bản đồ số sẽ được kích hoạt để xác định cụ thể vị trí người gọi điện. Tiếp theo điện thoại viên sẽ bấm chuông báo động. Và trong vòng chưa đến một phút, đội xe cứu hỏa sẽ được điều động rời trung tâm đến ngay hiện trường. Trong thời gian chờ lực lượng chữa cháy đến, thì điện thoại viên sẽ giúp tư vấn cho người bị nạn về cách xử lý tình huống cụ thể, để không bị ngạt thở vì khói, mất nước, hay bị đống đổ nát đè lên người...
Đại tá Nguyễn Trường Sơn nói: "Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và tai nạn cũng vậy. Do đó, khi gặp phải các trường hợp như: cháy nổ, mắc kẹt, TNGT, tai nạn đuối nước; sạt lở đất; sập đổ nhà, công trình… người dân hãy gọi đến số 114, thông báo điện chỉ càng chi tiết càng tốt để lực lượng chức năng đến chữa cháy nhanh nhất".
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đưa ra lời khuyên khi người dân báo cháy đến số 114: Thứ nhất, phải cung cấp đầy đủ họ và tên, số điện thoại liên hệ để lực lượng chữa cháy liên lạc với bạn. Thứ hai, đưa ra chính xác địa chỉ nơi xảy ra cháy hoặc sự cố để giúp lực lượng PCCC tiếp cận nhanh nhất.
Thứ ba, cung cấp thông tin về tình hình đám cháy, đặc điểm sự cố như loại nhà, vị trí tầng cháy, chất cháy, người bị nạn,... để lực lượng PCCC có kế hoạch đối phó hợp lý. Cuối cùng, phải luôn giữ bình tĩnh và đưa ra thông tin nhanh và đầy đủ nhất để có thể cữa chữa kịp thời, hạn chế hậu quả do cháy nổ, tai nạn gây ra.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, diễn ra tình trạng nhiều người dân dùng sim rác để gọi đến tổng đài 114 báo cháy giả, trêu đùa… lực lượng làm nhiệm vụ. Trò đùa thiếu văn hóa này không chỉ vi phạm pháp luật mà có thể sẽ gây ra những ẩn họa khó lường…
Qua tìm hiểu và những phân tích của lực lượng chức năng, do có quá nhiều cuộc điện thoại kiểu trêu đùa này, khiến đường dây của tổng đài luôn bị nghẽn, có thể làm cho quá trình tiếp nhận, xử lý những thông tin báo cháy thật bị muộn, gây ra những thiệt hại khi cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ PCCC luôn phải điều khiển phương tiện đến nơi xảy ra đám cháy với tốc độ cao, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.
Đồng thời, theo Đại úy Đặng Sơn Tùng – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Quận Hoàng Mai (Hà Nội), điều này cũng gây sự lãng phí xăng dầu và căng thẳng tinh thần, tâm lý của các chiến sĩ PCCC. Chưa kể, sau khi tiếp nhận tin báo cháy, nhất là trong đêm khuya và rạng sáng, để xác định chắc chắn thông tin lực lượng chức năng phải xác minh qua chính quyền, lực lượng Công an địa phương, các cơ sở sản xuất… dễ gây những cảm giác phiền toái, hiểu nhầm.
Đại úy Đặng Sơn Tùng khuyến cáo: "Thông tin báo cháy giả có thể ảnh hưởng đến thông tin báo cháy thật cùng trong thời gian đó, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy. Ngoài ra, việc báo cháy giả cũng vi phạm quy định của NĐ167, với hành vi này có thể bị xử phạt lên tới 3,5 triệu đồng nên người dân hết sức chú ý".
Tuy nhiên, hiện nay để xử lý các đối tượng gọi điện đến tổng đài 114 báo cháy giả còn gặp nhiều khó khăn, vì chủ yếu các số điện thoại gọi đến đều từ sim rác của các mạng di động, khó xác minh chủ thuê bao…
Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền pháp luật về PCCC, tác hại của việc báo cháy giả, người dân cần tự nâng cao ý thức, không nên thực hiện những trò đùa thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật kiểu như trên.
Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua
# Theo thống kê của Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Hà Nội, tuần qua, trên địa bàn thủ đô, xảy ra 14 vụ cháy (trong đó có 6 vụ cháy trung bình, 6 vụ cháy nhỏ, 2 vụ cháy rừng). Về tình hình CNCH, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 5 tin báo, cứu được 30 người và tìm thấy 2 thi thể.
# Ngày 2/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Cục Đối ngoại và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH). Cùng ngày, UBND quận Thanh Xuân tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho khoảng 200 cán bộ làm công tác MTTQ trên địa bàn quận.
# Cũng trong tuần qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Đông Anh đã kịp thời giải cứu 38 người mắc kẹt trong thang máy của CTCP Hoàng Oanh, thôn Bắc, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.
# Sự cố khi đi thang máy không phải là hiếm, nhất là các trường hợp kẹt thang máy. Cách đây không lâu, vào ngày 29/11, tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa), thang máy chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5 bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất khiến 2 người bị thương.