Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Lời thì thầm mùa xuân qua từng cánh thiệp Lời thì thầm mùa xuân qua từng cánh thiệp
Hồng Lĩnh - Phan Nhơn   •   8:45 23/01/2023

Hơn 30 năm trước khi mối tình đầu mới chớm, cánh thiệp xuân như một lời thì thầm, lời tỏ tình của mùa xuân từ người bạn gái tuổi trăng tròn. Bởi những neo giữ trong trái tim thầm lặng suốt bao nhiêu năm mà kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp đã quyết định sưu tầm từng tấm thiệp xuân.

Và giờ đây, bộ sưu tập nhỏ xinh ngày nào đã lên tới hơn 200 tấm thiệp. Đáng trân quý hơn, có tấm thiệp đã đi cùng thời gian 100 năm…

Thời thanh xuân sôi nổi, tình yêu đôi lứa chỉ được thư từ qua lại vì cha mẹ cấm đoán, không cho gặp nhau, anh Hiệp nhớ lại:

“Khi mở ra tấm thiệp Xuân của cô bạn gái 15-16 tuổi với nét chữ trau chuốt, tôi rất xúc động. Đó là cánh thiệp Xuân đầu tiên, đầu đời. Ngày ấy 18 tuổi, giờ đã hơn 30 năm rồi, nhớ lại vẫn còn mắc cỡ, rụt rè như vẫn còn vẹn nguyên mối tình đầu”.

Vì tấm thiệp chở theo lời chúc, lời thì thầm ngày ấy anh Hiệp có ý tưởng lưu giữ và sưu tầm thêm những tấm thiệp của những năm trước đó.

Suốt hành trình hơn 30 năm sưu tầm, anh Hiệp –biệt danh “Hai Lúa” may mắn được nhiều người tin tưởng trao lại những kỷ vật mang tính biểu tượng thời gian này.

Anh nhớ mãi, có một người phụ nữ là cựu học sinh trường nữ sinh Gia Long (khánh thành năm 1915, nay là trường THPT Minh Khai, TP.HCM) đã tặng lại anh tấm thiệp năm 1967.

Tấm thiệp ấy được thiết kế, tô màu, vẽ tay hình cô gái của ngôi trường được xem là biểu tượng cho sự trang nhã, thanh tú của nữ sinh Sài Gòn. Loại giấy bìa cứng vẫn không hề phai màu sau hơn 50 năm. Những nét chữ nắn nót in dấu thời gian của mùa xuân giai đoạn thập niên 60.

Chủ nhân tấm thiệp này cách đây 10 năm đã tìm đến anh Hiệp gửi gắm với lời dặn dò: “Hiệp giữ nhiều hiện vật của Sài Gòn, Hiệp giữ giùm cô những tấm thiệp này. Chỉ có Hiệp mới trân trọng bảo quản được những thứ đáng quý như vậy”.

Mỗi tấm thiệp, lời chúc, dòng thư của ngày xưa là một câu chuyện đằng sau đó.

Nhà sưu tầm không chỉ lưu giữ hiện vật và còn cả tinh thần của câu chuyện, ý nghĩa của những cánh thiệp qua từng giai đoạn thăng trầm.

Nâng niu tấm thiệp trên tay, diễn viên Kim Tuyến, một người bạn của nhà sưu tầm Minh Hiệp xúc động:

"Ngoài cành đào, cành mai – tín hiệu của mùa xuân thì những tấm thiệp chính là thông điệp của lòng yêu thương tới tất cả mọi người. Tôi ngưỡng mộ sự kiên trì, bền bỉ khi anh Hiệp đã dầy công sưu tầm những tấm thiệp này. Khi nhìn thấy những tấm thiệp xưa cũ, ký ức như ùa về.

Năm tôi còn nhỏ, học cấp 2, cấp 3, có phong trào đi lựa thiệp… Tôi nhớ lại tôi cũng đã từng viết tay, nghĩ từng câu chữ để gửi cho bạn bè. Đã rất nhiều năm trôi qua, tôi cũng không viết tấm thiệp nào mà chỉ làm thiệp điện tử, nhưng cảm xúc không đong đầy bằng…".

Anh Hiệp trân quý vì từ thời đất nước còn chiến tranh cho đến lúc hoà bình, rồi thời bao cấp, đổi mới đến hôm nay; có những lời chúc chuyên chở tình cảm yêu thương mộc mạc, giản dị mà chân thành đến vậy.

Cuộc sống hiện đại như anh Hiệp nói, chỉ cần một tích tắc là có thể gửi lời chúc qua tin nhắn điện tử, mạng xã hội hoặc một cú “phone” kèm theo lời chúc, song thật khó để sánh nổi với cảm xúc được cầm trên tay một tấm thiệp nhỏ trong lòng bàn tay còn thơm mùi giấy không hẹn ngày đến.

Ngày xưa, phải chờ đợi thư tín gửi đi cả tháng trời mới nhận được, sự ngóng chờ rồi bất ngờ khi nhận được cánh thiệp vào đúng thời điểm mùa xuân thật xúc động biết bao.

Trong bộ sưu tập hơn 200 tấm thiệp xuân qua các năm, có những bưu thiếp còn ghi rõ năm 1907, 1914, 1927, 1940, một mặt vẽ tranh, một mặt là những dòng chữ nắn nót bằng tiếng Pháp. Chất liệu giấy theo thời gian đã mai một, những nét chữ bắt đầu nhòe đi.

Rồi có tấm thiệp của người vợ ở Pháp gửi cho chồng đang đi lính ở Việt Nam, lời chúc bình an ấy chuyên chở qua ngàn hải lý xuyên qua bao đại dương để đến nơi.

“Nhưng đó là sự hiện hữu vật chất, lưu giữ bút tích và những dấu ấn riêng mà các hình thức truyền thông và thông điệp khác không thể có được…”, Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp tự hào.

Mỗi năm, lật dở xấp kỷ vật này gần như lúc nào anh Hiệp cũng rất cẩn trọng bởi chất liệu giấy bị giòn và dễ gãy. Để giữ gìn càng lâu, chủ nhân phải cất giữ trong tủ đảm bảo không mối mọt và hạn chế dùng tay.

Chủ nhân đôi khi cũng trầm ngâm tò mò về câu chuyện đằng sau cánh thiệp hơn gần 100 năm trước, thời khó khăn muôn trùng.

Ngoài việc sưu tập thiệp Xuân, anh Huỳnh Minh Hiệp còn lưu giữ những chiếc phong bao lì xì hay bài báo Xuân, các Programme - Poster film phim chiếu rạp thời đó.

Những kỷ vật cũng làm nên một không khí Tết Sài Gòn xưa. Báo Xuân xưa nay luôn là số báo đẹp nhất, phong phú nhất trong một năm. Trước năm 1975, ảnh bìa báo xuân thường do các hoạ sĩ nổi tiếng vẽ.

Đặc biệt, trong bộ sưu tập báo Xuân, thiệp Xuân anh Hiệp còn giữ lại kỷ vật của những năm Quý Mão (1963), Ất Mão (1975), Đinh Mão (1987).

Trong đó, nhiều câu chuyện kể về cuộc sống người dân Sài Gòn xưa mỗi dịp xuân về gia đình quây quần bên nhau, những người con xa xứ đều trở về thăm ông bà, trẻ em canh nồi bánh chưng, bánh tét thâu đêm… Những hình ảnh đó thật hiếm hoi trong cuộc sống ngày nay.

“Tết ngày nay người dân toàn ra siêu thị hay chợ bỏ tiền là mua có được bánh chưng, bánh tét. Ít nhiều không khí mất đi. Rồi nhiều gia đình giờ có xu hướng du lịch đi du lịch dịp Tết chứ không còn quây quần chung một mái nhà hưởng cùng một không khí”, anh Hiệp tâm sự.

Dần dần mỗi năm lục lại kỉ niệm, nhìn về quá khứ, thời của những năm tháng khó khăn gian khổ, cái tình vẫn được trao gửi đong đầy và giản dị vào tấm thiệp Tết.

Được biết đến là người lưu giữ ký ức Sài Gòn – TP.HCM trong đại dịch bằng những hiện vật, hay sở hữu hàng ngàn kỷ vật của Sài Gòn trước năm 1975; hơn 30 năm qua, anh Huỳnh Minh Hiệp vẫn tiếp tục làm dầy thêm bộ sưu tập của mình bằng những câu chuyện độc đáo, gợi nhiều suy ngẫm.

Những tấm thiệp Xuân, báo Xuân cũng như những lát cắt của lịch sử, của thời đại để kể lại cho thế hệ sau về dấu ấn thời gian, về những mùa xuân đã đi qua…

Nội dung: Hồng Lĩnh - Phan Nhơn

Ảnh: Trọng Nhân - Trọng Nghĩa

Thiết kế: Quang Huy