Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
“Liều thuốc” nào chữa “Liều thuốc” nào chữa
Hồng Lĩnh – Phan Nhơn   •   4:07 03/06/2023

Cứ vào mùa mưa, nhắc đến chuyện ngập ở TP HCM, phần lớn người dân đều chung một tâm trạng ngán ngẩm. Bởi chuyện đã “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà chưa có giải pháp triệt để.

Có “vật lộn” trong những trận mưa hay sau mỗi đợt triều cường để trở về nhà mới thấu hiểu cuộc sống sinh hoạt và công việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán của các hộ dân sinh sống tại các quận, huyện, TP nơi thường xuyên bị ngập bị đảo lộn như thế nào.

TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước có trung tâm chống ngập. Số tiền cho các dự án chống ngập lên đến hàng tỷ USD trong suốt hơn 20 năm qua nhưng dù là “đi trước”, bài toán chống ngập ở siêu đô thị gần 13 triệu dân này vẫn chưa tìm được lời giải đến nơi đến chốn.

Ông Đỗ Tấn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP HCM) đã có hơn 10 năm tham gia công tác chống ngập. Ông Long cũng từng dừng chân tại các vị trí ngập để làm công tác khảo sát và nghiên cứu vị trí ngập. Dường như các điểm ngập ông nắm trong lòng bàn tay.

Chuyên gia chống ngập cung cấp thông tin, hiện nay địa bàn thành phố có 12 điểm mưa xuống là ngập nặng. Đa số các điểm tập trung ở TP Thủ Đức như: Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng; huyện Hóc Môn có đường song hành Quốc lộ 20, Bà Triệu; quận Gò Vấp thì có đường Nguyễn Văn Khối. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 20 tuyến đường ngập tức thời trong thời gian mưa, các tuyến này cũng tập trung nhiều ở TP.Thủ Đức và quận Gò Vấp, quận 12.

Qua thống kê trên cho thấy các điểm ngập này chủ yếu tập trung ở vùng ven ngoại thành.

Bài toán chống ngập ở siêu đô thị gần 13 triệu dân này vẫn chưa tìm được lời giải đến nơi đến chốn.

Bài toán chống ngập ở siêu đô thị gần 13 triệu dân này vẫn chưa tìm được lời giải đến nơi đến chốn.

GS-TSKH Lê Huy Bá - Khoa Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài hai nguyên nhân ngập do mưa và triều cường thì ông nhấn mạnh việc đô thị hóa một cách tự do, thiếu quy hoạch, nhà nhà xây nhà, đổ chất thải làm chặn cả dòng chảy thoát nước làm cho vấn đề ngập ở thành phố thêm trầm trọng. “Ngày xưa ngập ở trung tâm là đúng, giờ ngập ở vùng ven cũng chẳng lạ gì!” – ông Bá giải thích.

Đại diện Trung tâm chống ngập cho hay, có 2 điều kiện để giải quyết vấn đề chống ngập tại thành phố. Trước tiên, muốn thoát nước phải có cống rãnh dọc tuyến đường và kênh rạch phải được thông thoát. Thứ hai, muốn ngăn triều cường thì phải có đê bao để nước không tràn vào.

Trước đây các khu vực vùng ven như Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn chưa được đô thị hóa cao, hai bên là ruộng đồng nên nước thoát rất bình thường.

Từ khi xây cất nhà cửa với tốc độ nhanh, hai bên đường không có cống nên không có lối thoát cho nước.

Vì vậy, những vùng ven dù là địa hình cao vẫn phải chịu cảnh ngập khi mưa lớn.

GS.TSKH Lê Huy Bá (ngồi giữa) và ông Đỗ Tấn Long (bên phải) tại phòng thu VOV Giao thông

GS.TSKH Lê Huy Bá (ngồi giữa) và ông Đỗ Tấn Long (bên phải) tại phòng thu VOV Giao thông

Còn khu vực trung tâm, hệ thống cống của TP HCM đã đầu tư từ rất lâu, có những tuyến đường từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1975, dân số chưa nhiều nên đầu tư hệ thống cống ở một mức độ nhất định. Ông Long đề xuất cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống cống bởi “hệ thống thoát nước bây giờ phải đảm bảo thoát nước trên lưu vực một tuyến đường chứ không phải hai bên như trước”.

Chưa hết, từ năm 2020 trở về trước theo thống kê, những trận mưa trên 95mm cứ 5 năm xuất hiện một lần. Nhưng gần đây, một năm có khi xuất hiện hơn 10 trận mưa trên 100mm với cường độ rất lớn khiến cho hệ thống cống hiện tại chắc chắn không tải nổi nên xảy ra trường hợp ngập tức thời.

Lý giải cho việc tại sao trung tâm là vùng thấp nhưng ít ngập hơn vùng ven, ông Long cho rằng, những năm gần đây thành phố đầu tư nâng cấp hệ thống cống thoát nước ở khu vực trung tâm thành phố. Dự án trải rộng ở 13 quận nội thị, diện tích lên đến 104 km2, thông qua 3 dự án ODA lớn bao gồm dự án Vệ sinh môi trường nước khu vực Nhiêu Lộc –Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Tân Hóa… Những dự án này cải thiện cơ bản việc chống ngập.

"Còn vùng ven, có những điểm ngập đang trong quá trình đầu tư thi công chưa hoàn thành nên chưa phát huy hiệu quả chống ngập. Cụ thể vị trí ngập ở đường Trần Xuân Soạn (quận 7) nhiều người dân phản ánh thì bên cạnh có một cống kiểm soát ngăn triều ngay gần cầu Tân Thuận đang thi công.

Công trình này đã hoàn thành 95%, nếu xong cống đóng lại thì đường Trần Xuân Soạn dọc kênh Tẻ sẽ không còn chịu cảnh biến thành “sông” mỗi khi triều dâng cao. Và cũng còn rất nhiều dự án nữa đang thi công đến giai đoạn gấp rút. “Song khi hoàn thành chắc chắn sẽ không còn chuyện ngập ở các điểm này”, ông Long khẳng định.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cứ để đô thị phát triển tự do, áp lực đè nặng lên hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước, cứ như vậy không khác chạy theo đuôi chiếc xe ô tô. Không thể cứ làm rồi sửa sai, cần phải quy hoạch tổng thể.

GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, việc cứ chạy đuổi theo chiếc xe thì không biết đến bao giờ giải quyết được vấn đề. Đã là quy hoạch phải đi trước đón đầu. Cứ để việc phát triển đô thị rồi phải đi chữa là rất khó, không chữa nổi.

Khi còn lấy ý kiến các chuyên gia chống ngập, vị giáo sư đã từng đề xuất rằng, phải quy hoạch lại thật chắc chắn những nơi như Tây Nam, Đông Nam thành phố, không cho phát triển đô thị vì khu này là “túi nước” của thành phố; không cho xây nhà cao tầng ở nội đô như quận 1, 3.

“Nhưng những khu này vẫn cứ phát triển, nhà cao tầng cứ mọc lên vun vút. Không đáng để tự hào đâu, dân càng đông áp lực lên đô thị càng lớn. Trong một cao ốc mấy ngàn người vậy thoát nước đi đâu?”, GS Lê Huy Bá trăn trở.

Chuyên gia Lê Huy Bá kiến nghị TP HCM cần phải dựa vào tự nhiên, thuận vào tự nhiên để chống ngập. Ông phân tích, thành phố đã sai lầm khi xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi đây được xem là hồ điều hòa tự nhiên. Khi triều lên có thể ngăn triều, khi mưa xuống nước đổ về đây để chứa. Chưa nói, hệ sinh thái ở đây có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về mặt kinh tế, khu đô thị này xây cất chỉ tăng về mặt giá trị nhà đất còn các vấn đề còn lại không đóng góp nhiều.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, có nhiều ý kiến đóng góp phải phát triển thành phố ở các khu vực có địa hình cao như Củ Chi, Thủ Đức, đô thị hóa nên hướng về phía đông Bắc và Tây Bắc thành phố.

Những công trình như siêu dự án chống ngập ở TP HCM có mức đầu tư 10.000 tỷ đồng vẫn đang trong tình trạng dang dở, tạm ngừng thi công suốt 4 năm qua hay “siêu máy bơm” chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã tạm dừng từ lâu.

Dưới góc nhìn của PGS.TS. Hồ Long Phi - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Tư vấn giải pháp đô thị enCity, số tiền đầu tư cho các dự án chống ngập của thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế: “Mình phải nói rõ những số tiền chi đó sẽ chả thấm vào đâu so với nhu cầu hết, hệ thống chống ngập của TP HCM hiện nay còn yếu và thiếu. thiếu bởi vì hiện nay nó chỉ đạt khoảng 30%-40% tổng lưu vực của TP HCM thôi, còn yếu là hiện các hệ thống chống ngập của thành phố đang quá tải do biến đổi khí hậu.

Họ thiết kế so với bây giờ là đã lạc hậu rồi chưa kể là còn bị nghẹt do rác nữa. Đó là một trong những nguyên nhân chính, còn lại ngăn triều là mình có ngăn được bao nhiêu đâu. Cái dự án chống ngập lớn nhất thì tới nay vẫn còn dở dang”.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Tấn Long cho biết, thành phố áp dụng rất nhiều giải pháp chống ngập bao gồm cả giải pháp công trình, phi công trình và cả giải phải pháp huy động vốn.

Nhiều hội thảo đã được tổ chức, TP cũng đã tiếp thu và xây dựng những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để từng bước để thực hiện. Tuy nhiên, thành phố cũng kêu gọi đầu tư với rất nhiều hình thức nhưng vẫn không đáp ứng theo yêu cầu.

Ông Long ví dụ cụ thể: Giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu nguồn vốn theo kế họach là 96.527 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện thực tế là 25.998 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 26,93%; Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu nguồn vốn theo kế họach là 101.408 tỷ đồng, nhưng trong 02 năm 2021 và 2022 chỉ phân bổ được là 6.715,63 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,62%.

Anh Lê Văn Hào, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thịnh Phát, đơn vị sở hữu quyền sở hữu trí tuệ giải pháp thoát nước bằng tổ hợp thoát nước song song cho rằng: TP HCM đã đầu tư rất nhiều các dự án chống ngập bao gồm: đê bao, cống ngăn triều, mở rộng và nạo vét hệ thống thoát nước… nhưng chưa giải quyết được triệt để.

Đặc biệt khi tại những điểm ngập nước có không gian bị hạn chế không đủ để mở rộng hệ thống thoát nước, ngoài biện pháp nạo vét hệ thống thoát nước thì TP chưa tìm được giải pháp phù hợp để tăng cường năng lực thoát nước của hệ thống hiện hữu dẫn đến ngập vẫn hoàn ngập.

“UBND TP HCM cũng đã cho phép một số đơn vị trong và ngoài nước áp dụng thí điểm giải pháp chống ngập tại một số điểm ngập: hồ điều hòa cục bộ có dung tích nhỏ (100 m3); sử dụng máy bơm có lưu lượng lớn để giải cứu điểm ngập nhưng chưa đem lại hiệu quả bởi vì những giải pháp này đang tồn tại những hạn chế về mặt kỹ thuật như: hồ điều hòa có dung tích hồ quá nhỏ so với lượng nước dư thừa gây ngập tại mỗi điểm ngập hoặc là lưu lượng nước hút qua cống có sẵn từ vùng ngập không đủ cấp cho máy bơm hoạt động đúng công suất thiết kế”, anh Hào cho biết.

Chia sẻ thêm về giải pháp thoát nước bằng tổ hợp thoát nước song song, anh Lê Văn Hào cho biết: Đây là hệ thống thoát nước cưỡng bức, được xây dựng và hoạt động song song với hệ thống thoát nước hiện hữu.

Ưu điểm của giải pháp là xử lý được các điểm ngập tại các vị trí có không gian đô thị bị hạn chế, không đủ không gian để mở rộng hệ thống thoát nước hiện hữu, không đủ không gian để xây dựng hồ điều hòa có dung tích lớn.

Trong tương lai có thể sử dụng tổ hợp thoát nước song song này để thu gom nước mưa, từ đó tách nước mưa khỏi hệ thống nước thải của TP, giảm tải cho các nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm nghiên cứu đề xuất, do vướng thủ tục nên giải pháp này chưa được áp dụng thí điểm tại TP HCM.

“Nhiều ý kiến, giải pháp đề xuất bị “bức tử” ngay từ khâu thủ tục ban đầu, mất đi cơ hội áp dụng thực tiễn chống ngập”, anh Hào bày tỏ.

Anh Hào đề xuất, thành phố và các cơ quan quản lý chống ngập cần thoát khỏi tư duy chống ngập theo lối mòn, rập khuôn và cầu thị để tìm ra các giải pháp có tính đột phá, có cơ sở khoa học vững chắc.

PGS.TS. Hồ Long Phi nhắc lại, để chống ngập, hiện chúng ta dùng hai giải pháp chính là ngăn chặn, bảo vệ (biện pháp công trình); thứ hai là thích ứng (trong trường hợp công trình chưa đáp ứng được). Tuy nhiên, hiện nay, chủ yếu tập trung cho giải pháp công trình, còn giải pháp thích ứng chỉ làm một số điểm, còn người dân cứ mạnh nhà nào nhà ấy tôn nền nhà, nền đường (thích ứng bắt buộc).

“Tình trạng tái ngập đang diễn ra ở TP HCM do một số hệ thống công trình bị quá tải, lạc hậu về thông số kỹ thuật và biến đổi khí hậu. Theo tôi, để một chiến lược chống ngập hiệu quả thì phải xét đến ba yếu tố bao gồm: hiệu quả kỹ thuật, xáo trộn xã hội (thường đây là nguyên nhân gây ra “điểm nghẽn” và sự trễ hẹn của các công trình) và hiệu quả kinh tế.

Nhìn vào dự báo, chúng ta chỉ mới nghĩ đến con số năm 2030 – 2050 và cho rằng, mực nước chỉ dâng vài chục centimet; nhưng nếu nhìn vào dự báo dài hạn đến năm 2300 thì mực nước so với bây giờ có thể cao hơn từ 3-5met. Bởi vậy, cần có phải có giải pháp từ bây giờ để còn cơ hội nối dài trong tương lai”, PGS. TS. Hồ Long Phi nhấn mạnh.

PGS. TS. Hồ Long Phi cung cấp thông tin, qua những dự án đã triển khai cho thấy, ở TP HCM, để chống ngập cho 1ha đất cần 100-150 ngàn USD nâng cấp cống thoát nước, làm giải pháp công trình. Tính trên tổng diện tích mở rộng của TP HCM, chúng ta mới có giải pháp căn cơ cho 1/3 diện tích, còn 2/3 diện tích thì còn cần khoảng 6-7 tỷ USD.

Chưa kể, khi có công trình rồi thì bắt đầu nảy sinh chi phí vận hành với chi phí lớn. Tuy nhiên hiện cơ chế tài chính của chống ngập thu chưa đủ bù chi. Bên cạnh đó, về sự phối hợp chống ngập đang chỉ tập trung ở một số cơ quan mà chưa phải là mối quan tâm chung của toàn bộ xã hội nên dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. “Thành phố cần một “nhạc trưởng” và bộ phận tham mưu chống ngập đủ tâm và có tầm” – TS. Phi đề xuất.

Đồng thuận với ý kiến của GS. TS. Hồ Long Phi, ông Long cho rằng, khó khăn trong các dự án chống ngập là đơn vị không có thu, không có phí nên rất khó thực hiện các dự án BT hoặc BOT.

Đã có những sai lầm và hệ lụy kéo theo khiến thành phố phải tốn nhiều tiền lẫn thời gian trong công tác chống ngập. Thành phố cũng cần phải lắng nghe thêm nhiều giải pháp đến từ các chuyên gia và nhà khoa học để xây dựng những kế hoạch có tính khả quan hơn cho tương lai./.

Nội dung: Hồng Lĩnh – Phan Nhơn

Thiết kế: Quang Huy