Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023: Cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu
Sáng 28 - 1 (tức mùng 7 Tết), tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, UBND thị xã Duy Tiên đã tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Năm nay, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ ngày 5 - 7 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 26 - 28/1). Các nghi lễ cáo yết, rước nước, sái tịnh, lễ cầu an; hội thi vẽ và trang trí trâu, các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật do nhân dân xã Tiên Sơn và các xã, phường thị xã Duy Tiên (Hà Nam) thực hiện, tham gia vẫn được diễn ra như thường lệ trong 2 ngày mùng 5 - 6 tháng Giêng.
Trong sáng nay, tức mùng 7 tháng Giêng chính hội có lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đón linh vị vua Lê Đại Hành từ đình Đọi Tam đi ra và lễ rước kiệu linh vị vua Lê từ trên chùa Đọi xuống chân núi. Tại đây 2 đoàn hợp nhất rước kiệu về sân Tịch điền làm lễ.
Theo sử sách ghi lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành đã cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn, mở đầu mỹ tục tốt đẹp cho dân tộc.
Khi cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền.
Cũng từ đó, lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau như Lý, Trần, hậu Lê duy trì. Đặc biệt, đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ Lễ chủ trì.
Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.
Đại diện bô lão đọc văn trình vua Lê Đại Hành và kính cáo tổ tiên. Sau màn trống, múa rồng mừng hội, đọc văn trình, dâng hương, nghi trình cày tịch điền sẽ được diễn ra.
Là vị cao niên trong làng được chọn vào vai vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày. Ông Nguyễn Ngọc An (73 tuổi), thôn Lĩnh Trung, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chia sẻ, ông rất tự hào khi năm nay được chọn vào vai vua.
Đây là lễ hội có từ lâu đời, khuyến khích nhân dân đầu năm mới xuống đồng, tăng gia sản xuất, làm nên vụ mùa thắng lợi.
Sau này, để một người được chọn vào vai vua trước hết phải có sức khỏe, biết cày và gia đình có văn hóa, được sự tín nhiệm của dân làng.
Theo tìm hiểu, phần lễ Tịch điền có các nghi thức: rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi; tiếp đó là lễ bái yết Thần nông, cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Đặc biệt, nghi lễ cày tịch điền đã tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày
Theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong, các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày.
Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.
Sau những luống cày các thôn nữ gieo các hạt ngũ cốc.
Ông Ngô Văn Liên – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được tổ chức hàng năm và đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp “dĩ nông vi bản”.
Từng lớp đất được bật lên sau những đường cày, các hạt ngũ cốc đủ màu sắc được gieo xuống hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, no đủ; thóc, gạo đầy bồ, ngô, đỗ xanh mướt cánh đồng.
Hạt ngũ cốc gồm thóc, ngô, đỗ. Đây cũng là những loại hạt giống rất gần gũi trong đời sống và gắn liền với nông nghiệp.
Đơn cử như hạt thóc, có thóc là có cây lúa, từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam, đồng thời cũng trở thành tên gọi cho một nền văn minh - nền văn minh lúa nước Sông Hồng. Cây lúa không chỉ mang lại sự no đủ mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt.
Người dân địa phương cũng rất mong đợi và tự hào về lễ hội Tịch điền. Một số người chia sẻ, đây là lễ hội có từ lâu đời, hằng năm cứ đến khoảng thời gian từ mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng là dân làng lại nô nức về đây tham dự lễ hội. Cũng từ lễ hội này khơi dậy tình cảm gắn bó, tình yêu lao động với mảnh đất quê hương.
Để chuẩn bị cho Lễ hội Tịch điền năm nay diễn ra thành công, chia sẻ với báo giới, lãnh đạo thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết, địa phương đã chọn ra hơn 20 con trâu tốt, trâu khỏe tham gia Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023.
Các công tác phục vụ cho lễ hội đều được chính quyền địa phương chuẩn bị chu đáo, bài bản.
Cũng trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: vật cổ truyền, biểu diễn trống của đội trống thôn Đọi Tam, vẽ trang trí trâu...
Được biết, nghề làm trống của Ðọi Tam đã có từ rất lâu đời và nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước.
Còn về Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền năm 2023. Theo ban tổ chức năm nay có 20 họa sĩ đến từ các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình tham gia cuộc thi. Các du khách khi đến với Lễ hội Tịch điền năm nay cũng rất hào hứng với những chú trâu được vẽ hoạ tiết đặc sắc.
Anh Nguyễn Thế Đại, ở quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, đây là năm thứ 3 gia đình anh tham gia Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Hôm nay, anh và gia đình đã đi từ rất sớm để có mặt tại Hà Nam, theo cảm nhận của anh năm nay bên cạnh những hoạt động quen thuộc, các chú trâu được trang trí đặc sắc khiến cho anh và gia đình cảm thấy rất thích thú, đặc biệt là các bạn nhỏ.
Hội thi vẽ trang trí trâu cùng hòa vào không khí lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã làm nên nét văn hóa độc đáo, tiếp nối truyền thống mà vẫn mang hơi thở đương đại, góp phần khuyến khích, cổ vũ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng./.