Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối hai trục Bắc-Nam và Đông-Tây
Theo TTXVN - 19/05/2022 | 14:43 (GTM + 7)
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng về giao thông theo hai trục chính Bắc - Nam và Đông - Tây nhằm tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kết nối vùng và với các nước trong khu vực.
Mở rộng không gian trục Bắc – Nam
Ngoài Quốc lộ 1A, trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam qua địa bàn Quảng Trị đang tiếp tục được mở rộng thông qua việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, đường ven biển và đường phía Tây Quốc lộ 1A.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng trên 70 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ giảm tải cho Quốc lộ 1A. Trong đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98 km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị hơn 37 km, Thừa Thiên - Huế trên 61 km. Dự án được khởi công từ tháng 9/2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 3 năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Phan, Trưởng phòng Điều hành dự án 3 thuộc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phụ trách các gói xây lắp Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua Quảng Trị, thời gian qua việc triển khai thi công gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Các nhà thầu đã và đang khẩn trương thi công, cố gắng hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.
Trong khi đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình có tổng chiều dài 67,8 km thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, đoạn qua Quảng Trị dài 33,2 km đi qua các huyện: Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Tuyến đường này có mặt đường thiết kế giai đoạn 1 rộng 17 m, mỗi bên có 2 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/giờ, tổng vốn đầu tư trên 9.560 tỷ đồng.
Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua Quảng Trị khoảng 948 tỷ đồng, cùng với trên 460 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành bàn giao tim tuyến và mốc giải phóng mặt để chuẩn bị thi công dự án.
Để phục vụ xây dựng cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, huyện Cam Lộ đã thống nhất chọn điểm xây dựng các khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 25 ha gồm: Khu 1 tại thôn Nam Hiếu, xã Cam Hiếu; Khu 2 tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền và Khu 3 tại thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy. Những điểm chọn xây dựng các khu tái định cư đều thuận lợi về hạ tầng, giao thông và thuận lợi cho hoạt động sản xuất, sinh sống của người dân.
Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi đất rừng và đất trồng lúa đang được tỉnh khẩn trương thực hiện. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để giải phóng mặt bằng. Sở Giao thông Vận tải tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị cũng triển khai xây dựng tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây tức Quốc lộ 9 với tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng. Dự án có chiều dài khoảng 55 km, đi qua các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà.
Trong khi đó, tuyến đường ven biển chạy qua dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị dài 23,5km có điểm đầu ở phía Nam cầu Cửa Việt thuộc xã Triệu An, huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã hoàn thành.
Khi hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025, tuyến đường ven biển qua tỉnh Quảng Trị sẽ kết nối vùng theo trục Bắc – Nam và trực tiếp là với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế.
Đồng thời, tạo liên kết vùng về phát triển kinh tế biển, thu hút khách du lịch từ các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây như: Thái Lan, Lào, Myanmar.
Một dự án khác cũng đang được tỉnh triển khai là tuyến đường phía Tây Quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Trị có chiều dài 58 km chạy theo trục Bắc – Nam; điểm đầu giao với Quốc lộ 9D đoạn qua huyện Vĩnh Linh, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 15D cách Quốc lộ 1A hiện tại khoảng 3 km.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết: Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu là tránh khu dân cư qua các thị trấn, thị xã và thành phố nằm dọc theo Quốc lộ 1A.
Ngoài ra, dự án còn nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh về phía Tây; giảm áp lực giao thông qua các đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kết nối đồng bộ vào hệ thống giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao.
Phá thế độc đạo trục Đông - Tây
Giữa tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận bổ sung vào Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Tuyến đường này có chiều dài 70 km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.700 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 19 năm.
Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dài 83km là tuyến đường độc đạo kết nối trục Đông – Tây ở Quảng Trị. Tuyến đường này được xây dựng, nâng cấp hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2006 với quy mô đường cấp II với 2 làn xe.
Là tuyến đường duy nhất kết nối với hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo nên Quốc lộ 9 thường xuyên bị quá tải khi mật độ phương tiện, đặc biệt là xe container và ô tô tải vận chuyển hàng hóa sang Lào và ngược lại trong những năm qua tăng nhanh.
Ngoài ra, vào mùa mưa lũ Quốc lộ 9 thường xuyên bị sạt lở khiến công tác cứu hộ cứu nạn gặp khó khăn. Trên tuyến đường này, đoạn qua hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có nhiều đèo dốc quanh co nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Mỗi khi có tai nạn giao thông, Quốc lộ 9 lại ùn tắc trong nhiều giờ khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp trở ngại. Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo chạy song song và phá thế độc đạo của Quốc lộ 9 là rất cấp thiết.
Tỉnh cũng đang huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay có tổng chiều dài khoảng 92 km bao gồm các đoạn: Từ Cảng biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1A dài gần 14 km; Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn khoảng 8 km; từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 34 km; đoạn tuyến đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài khoảng 24 km; từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay dài 12 km.
Quốc lộ 15D được đầu tư xây dựng sẽ tạo thêm trục Đông - Tây song song với Quốc lộ 9, qua đó tăng cường việc giao thương hàng hóa, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung của Việt Nam với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư có hạn, trước mắt tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 8 km; đồng thời nâng cấp mặt đường đoạn từ cảng biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1A dài gần 14 km.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, Quốc lộ 15D được đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn tuyến từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy so với cung đường hiện nay. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu với các nước: Lào, Thái Lan và Myanmar.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa cũng là tuyến đường độc đạo nối Quốc lộ 9 với các xã vùng biên giới như: Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh. Vào mưa lũ tuyến đường này thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng khiến giao thông ách tắc, nhiều địa phương bị cô lập.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đang đầu tư để hoàn thành toàn tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Tuyến đường này có điểm đầu tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh và điểm cuối là xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tổng chiều dài là 63,7km.
Theo đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành 40,7 km, còn lại 23 km từ trung tâm xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) đến xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) đang được đầu tư xây dựng với kinh phí 230 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đây là tuyến đường quan trọng từ Đông sang Tây nhằm phá thế độc đạo của tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cứu hộ cứu nạn khi có mưa lũ xảy ra ở phía Tây Bắc của tỉnh gồm 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh; cùng hai xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô thuộc huyện Vĩnh Linh; đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai nước Việt Nam - Lào./.
Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức. Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.
Sáng 22/12, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau đó, từ 10h, 14 nhà ga của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách.
Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...
Với thế hệ trẻ, khi đứng trước nhiều “cám dỗ” chi tiêu và những quyết định tài chính lớn, thì việc trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai ổn định và vững vàng.
Sáng sớm và giờ tan tầm, dọc 2 bên đường Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), nhiều điểm kinh doanh chiếm dụng toàn bộ vỉa hè che dù bạt, bày biện bàn ghế… để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Việc lưu thông liên tục trên cao tốc là điều thường xuyên và phổ biến. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện đường sá, thì người tham gia giao thông phải đối mặt với không ít áp lực, trong đó yếu tố buồn ngủ khi lưu thông liên tục trong khoảng thời gian dài là điều không thể không nhắc đến.