Hàng nghìn người tới xin chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Theo ghi nhận tại Hội chữ Xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão đã có rất nhiều người tới để xin chữ đầu năm.
Xin chữ đầu năm, một nét đẹp trong văn hóa của người Việt.
Cùng việc khai bút đầu xuân, tục xin chữ thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức cũng là mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng.
Người tới đây xin chữ không chỉ mang trong mình hi vọng năm mới việc học tập, thi cử được hanh thông, may mắn mà họ còn mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng.
Em Trịnh Khánh Huyền, học lớp 9 trường THCS Phú Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ, năm nay em xin chữ đầu năm với mong rằng việc thi cử sẽ được hanh thông, đỗ vào trường cấp 3 mình mong muốn.
Chị Tạ Thị Hưng Hậu, ở Hà Nội cho biết, với ý nghĩa truyền thống từ lâu đời, năm nào chị cũng đưa các con đi du xuân đầu năm và đến xin chữ để các con hiểu được nét văn hóa truyền thống lâu đời của việc xin và cho chữ, từ đó rèn luyện bản thân tốt hơn.
Theo nhà Nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, tục xin chữ là một trong nét đẹp văn hóa. Ngày xưa, người ta xin chữ thầy đồ với quan niệm đây là người có chữ nên có khả năng khai trí, khai tâm cho con người và khai hóa cả tầng sâu giá trị của văn hóa truyền thống đề tinh hóa đó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xin chữ, tức là xin lấy tinh hoa của đạo hiếu, xin lấy nét chữ, nét người, xin phẩm giá, xin lương tâm, xin lương tri, xin lối sống.
Hội chữ Xuân Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm nay có một điểm nhấn đặc biệt là có sự tham dự của “ông đồ” Tây Jean Sébastien đến từ Pháp.
Được biết, Hội chữ Xuân sẽ kéo dài đến hết ngày 29/1. Với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm".
Tham gia viết chữ là 50 thư pháp gia đã vượt qua kỳ ứng tuyển, bảo đảm đúng tiêu chí và yêu cầu của Hội chữ Xuân./.