Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giải mã “cung đường tử thần” Quốc lộ 6 Giải mã “cung đường tử thần” Quốc lộ 6
Quách Đồng - Chu Đức   •   10:10 30/03/2023

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông nhận được phản ánh ngày một tăng, với mức độ ngày càng thảm khốc các vụ tai nạn trên Quốc lộ 6, đoạn từ Hòa Bình lên Sơn La. Có vị trí chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, có đoạn tuyến xảy ra tới 3 vụ lật xe, đấu đầu khiến nhiều người thương vong.

Vì sao tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội lên khu vực Tây Bắc lại bị một số tài xế rỉ tai nhau, gọi là cung đường “ma ám”? Nguyên nhân thực sự của thực trạng này là gì?

02

Lẩn khuất trong làn sương mù nơi chân Đèo Thung Nhuối, địa bàn xóm Suối Rút, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, có một quán nước kỳ lạ. Dù mặt tiền trông ra Quốc lộ 6, mở cửa cả ngày, nhưng quán hầu như không có khách dám… ghé thăm.

Theo chủ quán An Thị Dung, nguyên do của sự heo hút bởi quán nằm giữa khúc quanh “tử thần” – Ngã ba Tòng Đậu.

Hướng ánh mắt về ngôi miếu còn vương mùi nhang, sát dàn hộ lan lốp cao su bị đâm nát bét bên kia đường, bà Dung ớn lạnh khi kể về vụ tai nạn liên hoàn diễn ra hôm 18/1/2023 (Tức 27 Tết) giữa 1 xe khách với 2 mô tô cùng chiều, sau đó ô tô đâm vào giàn phòng vệ lốp cao su, va vào 1 mô tô khác, rồi lật ra đường. Hậu quả 3 người chết, 5 người bị thương.

“Người ta đi về ăn tết, tôi xem đồng hồ 2h kém 10 thì đổ xe, người ta đi xe máy thì đổ vào, người ta chết oan chú ạ. Có một tuần, tôi chứng kiến 3 xe gặp tai nạn. Cứ để thế này thì quá thương người ta. Nhưng từ ngày làm cái miếu này là đỡ nhiều, tôi đang rợn tóc gáy lên đây. Người ta mùng một, ngày rằm mất công mang đồ lên thắp hương, rắc muối, rắc gạo, biếu những vong chết đường, chết chợ về đấy trụ, để cho đỡ đi tai nạn”, bà Dung kể.

Cách quán nước nhà bà An Thị Dung chừng chục mét, ông Lê Văn Dũng, trưởng xóm Suối Rút, còn sống trong cảnh sợ hãi gấp bội. Nhà ông nằm xuôi theo trườn đèo, đúng vị trí kết thúc khúc cua Km số 130+500 đến 131. Không hiếm lần, xe ngã, lật ngay vào sân nhà ông.

Ông Dũng và bà con nơi đây luôn thấp thỏm, bởi tai nạn rình rập không chỉ lúc đi đường, mà còn khi ở trong nhà. Họ chỉ còn biết trông chờ vào câu nói cửa miệng của cánh tài xế: “Thà lật ra đường, còn hơn đâm vào nhà dân!”.

“Xảy ra rất nhiều, có năm xảy ra 6-7 vụ liền, riêng đầu năm nay đã có 2 cái rồi. Nhà tôi cây ban to lắm, đâm gãy. Đây này, đường quệt đây này”

“Cũng sợ đấy, nhưng nhà làm ở đây rồi chả biết thế nào, tránh làm sao được. Lo nhiều chứ. Tính mạng là quan trọng mà không lo thì…”

“Nói thì bảo nói tục, chứ chân cẳng còn ở cả trên đồi, xong lúc mang xác về, người ta còn vùi chân vào chỗ vườn chuối kia kìa. Xe sắt, xe bi, xe gạo, tất cả các loại xe chở hàng hóa ở Tây Bắc này đều bị hết. Thường thì những xe sắt, bồn người ta thường không để sự cố đâm vào nhà, mà đánh vật tay lái ra đường, không để sự cố xấu nhất xảy ra. Đấy là sau khi tai nạn rồi người ta nói thế, chứ mình có biết gì về ô tô đâu”.

Cách ngã ngã ba Tòng Đậu khoảng 10 cây số, tại Km140+950 Quốc lộ 6 qua khu vực xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, một phần của đoạn đường khét tiếng mang tên “Dốc 81”, cũng thường xuyên xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Chỉ vào chiếc cổng bằng cọc sắt mới thay, chị Mùi Thị Khuyển, ở xóm Bò Liêm, xã Đồng Tân, cho biết, đây là lần thứ hai chị phải làm cổng mới, vì cổng cũ bị ô tô trượt, đổ, liên tục đâm vỡ nát:

“Em ở đây thì chứng kiến nhiều vụ quá, cũng sợ. Đôi lúc cũng đâm vào chỗ này, nên không mở được thêm đất trên quả đồi này, mở ra là xe họ đâm vào nhà ngay, hai cái cột trụ ở đây cũng thế, xe còn lao vào hẳn trong này cơ mà. Em chỉ mong các đồng chí giao thông mở thêm đường ở bên kia để đỡ tai nạn. Hỏng xe còn sửa được, chứ hỏng người thì có người gẫy cả đùi, tay, chân, em chứng kiến nhiều vụ rồi”.

Tương tự, ở các vị trí km170+100, thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hay đoạn đường qua tiểu khu Tiền Phong, xã Nà Sản, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, trong năm 2022 đều xảy ra TNGT khiến tổng cộng 4 người tử vong.

Anh Phạm Trung Hải, tài xế vận tải công ty Xuân Thành cho rằng, có nhiều yếu tố khiến những con dốc, đoạn đèo trên Quốc lộ 6 trở nên ám ảnh với cánh lái xe, thậm chí tạo ra yếu tố tâm lý chủ quan, gây xe tự ngã, tự đổ như… “ma làm” rất khó giải thích:

“Bình thường giời mưa có thể mình chạy từ từ, nhưng trời nắng có thể chạy nhanh hơn vì xử lý an toàn hơn. Nhưng lúc ấy mà mưa mình phân tán tư tưởng mà chạy như trời nắng là rất nguy hiểm. Mình lơ đễnh, chạy ẩu là trượt ngay”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính riêng đoạn khảo sát từ Hòa Bình lên Sơn La, năm 2021 và 2022, xảy ra 81 vụ tai nạn, khiến 15 người chết, 70 người bị thương. Nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, số nạn nhân tử vong vì TNGT trên tuyến lên tới 9 người, bằng 60% số liệu hai năm trước cộng lại. Đây là con số đột biến nếu so cùng thời gian, một tuyến đường tương đồng về địa hình là Quốc lộ 3 đoạn Bắc Kạn lên Cao Bằng, chỉ xảy ra 8 vụ tai nạn, 5 người bị thương, không có nạn nhân tử vong!

Ngoài nguyên nhân giai đoạn hậu dịch bệnh lưu lượng xe tăng trở lại, Thượng tá Nguyễn Quang Huy - Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình lý giải xu hướng này trên Quốc lộ 6:

“Hòa Bình có đặc thù là tuyến Quốc lộ 6 rất phức tạp. Có 50km đường đèo dốc, đặc biệt là dốc Cun, dốc Thung Khe qua địa bàn Mai Châu vẫn tiềm ẩn TNGT. Những ngày mưa, trời nồm như bây giờ, thời tiết xấu, có những ngày sương mù rất dày đặc, mặt đường gây trơn trượt, độ nhám không cao, gây phanh xe mất hiêu lực, mất lái”.

Một chi tiết đáng chú ý: về lý thuyết, Quốc lộ 6 qua địa bàn Hòa Bình và Sơn La chỉ còn 3 “điểm đen” tai nạn nằm ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Song tổng số vụ, đặc biệt là số người chết trên tuyến tại hai địa phương trong năm 2022 lại gần như tương đương nhau. Điều này đặt ra dấu hỏi cách gọi tên và tiến độ xử lý các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho rằng:

“Cũng có những nhìn nhận khác nhau. Có những cái bên CSGT cho là điểm đen, nhưng với ngành giao thông căn cứ Thông tư 26 thì chỉ xác định điểm đó là tiềm ẩn. Ví dụ, một vị trí có 2-3 vụ tai nạn, nhưng chưa dẫn đến chết người, chỉ có người bị thương thì ngành giao thông cho rằng đó là điểm tiềm ẩn. Còn CSGT có thể do cách dùng từ, cách nhìn nhận khác nhau thì coi đó là điểm đen.”

Dù là “điểm đen” hay điểm tiềm ẩn, tùy theo cách gọi của các bên, những tai nạn liên tiếp dẫn đến chết người cần được giải mã để đưa ra được giải pháp khắc phục kịp thời.

Vậy nguyên nhân của các vụ tai nạn này là gì, thực hư do “ma ám” hay do yếu tố con người, hạ tầng?

08

Quốc lộ 6 từ Hòa Bình lên Sơn La dài hơn 230 km đã được xác định, chỉ còn 3 điểm đen tai nạn phát sinh trong năm 2022, nằm ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và 7 điểm tiềm ẩn TNGT rải rác tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn… thuộc tỉnh Sơn La.

Dù các cơ quan chức năng đều đánh giá, những điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đều đã và đang được khắc phục kịp thời, hạ tầng giao thông trên tuyến liên tục được cải tạo, song nghịch lý là TNGT vẫn liên tục tăng.

Trực tiếp dẫn phóng viên khảo sát một số “điểm đen” TNGT trên Quốc lộ 6 từ Hòa Bình đi Sơn La, trung tá Phạm Mạnh Hà, Trạm trưởng Trạm CSGT huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình phân tích, đoạn đường dài 70km chỉ còn 3 điểm đen TNGT, nhưng tần suất và mức độ TNGT lại khá dày.

Theo Trung tá Phạm Mạnh Hà, già nửa đoạn tuyến này là đường đèo dốc quanh co, mặt đường hẹp, thường xuyên có mưa phùn, sương mù. Chỉ một tích tắc chủ quan, chủ phương tiện phải trả giá đắt bằng tính mạng.

Điển hình là “điểm đen” km131 ở ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu, mặc dù đã được lắp rào phòng hộ bằng lốp cao su, giá treo biển cảnh báo, hạn chế tốc độ từ xa, nhưng từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, 22 người bị thương, đều liên quan xe khách.

“Địa hình ở đây thì khi thời tiết mưa, đường trơn trượt, hai nữa là sương mù dày đặc nên khuất tầm nhìn, do vậy, khi lái xe đến khu vực này là hay khuất tầm nhìn nên dẫn tới TNGT. Ở đây đối với phương tiện bình thường thì giới hạn tốc độ 50, riêng xe khách, xe giường nằm thì tốc độ 40. Khi trời mưa, sương mù, trơn trượt thì… tần suất tai nạn không nhiều, tuy nhiên khi xảy ra thì toàn những vụ đặc biệt nghiêm trọng”, Trung tá Phạm Mạnh Hà cho biết.

Thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình cho thấy, trong 35 vụ TNGT nghiêm trọng trên Quốc lộ 6 qua địa bàn tỉnh năm 2022, có 80% nguyên nhân từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, 45% do người lái đi không đúng phần đường; 22% do người lái không chú ý quan sát; 20% vượt không đảm bảo, quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn.

Theo Trung tá Phạm Mạnh Hà, điều này đặc biệt nguy hiểm khi đi tới những cung đường đèo cao vực sâu, mặt đường nhỏ hẹp, khuất tầm nhìn như “Dốc 81”, nơi xuất hiện “điểm đen” km140+950 xóm Bò Liêm, xã Đồng Tân, huyện Mai Châu. Năm 2022, tại vị trí này xảy ra 3 vụ TNGT, làm chết 1 người, bị thương 3 người, hư hỏng 6 ô tô, 3 mô tô:

“Khu vực này khi mưa xuống là đường rất trơn. Hai nữa là cua gấp che khuất tầm nhìn. Do vậy, các phương tiện khi đi đến đây thường người ta sẽ đánh lái sang bên trái đường để vào cua cho nên dẫn đến tai nạn va chạm giao thông tương đối nhiều”.

Tại điểm đen km 151, thuộc xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình, gần địa phận tỉnh Sơn La có độ dốc 10%, nhiều khúc cua tay áo, thường xuyên có sương mù cản trở tầm nhìn, lòng đường hẹp, mặt đường trơn trượt. Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, vị trí xảy ra 3 vụ, khiến 1 người chết, 3 người bị thương.

Không ít lần rơi vào cảnh nguy hiểm khi chứng kiến các tài xế ngược chiều vào cua nguy hiểm, tài xế Nguyễn Chí Linh, Công ty TNHH Hương Thủy, nhận xét một chi tiết đáng chú ý: Đa số tai nạn xảy ra với phương tiện đi từ dưới xuôi lên. Mặc dù vậy, ngay cả với người thông thuộc địa hình, nếu chạy nhanh hơn giới hạn tốc độ cho phép cũng là một hành vi mạo hiểm.

“Để mà đi đường, ATGT là do chính người điều khiển phương tiện. Cái ý thức nó quyết định 99% rồi. Còn trên đường gặp sự cố thì không thể nói trước được. Mọi người nên có ý thức tham gia giao thông chấp hành luật nghiêm chỉnh”, tài xế Nguyễn Chí Linh nói.

Về lý thuyết, mặc dù không còn “điểm đen” TNGT, song Quốc lộ 6 qua tỉnh Sơn La lại có tới 7 điểm tiềm ẩn TNGT. Đơn cử như vị trí km 170+100, thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, hay vị trí tiểu khu Tiền Phong, xã Nà Sản, huyện Mai Sơn đều xảy ra tai nạn chết người trong năm 2022.

Khảo sát thực tế cùng phóng viên, ông Đặng Văn Trung, Công chức thanh tra Văn phòng quản lý đường bộ 1.1 cho biết, điểm chung của các điểm tiềm ẩn TNGT trên Quốc lộ 6, đoạn từ Sơn la đi Hòa Bình là nhiều đoạn cua quanh co, có những địa điểm 3 khúc cua liên tiếp trái chiều, khiến nhiều tài xế không làm chủ được tay lái.

Ông Trung nêu ví dụ vị trí km 278+200 đến 278+400, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, đầu năm 2023 xảy ra va chạm giữa 2 xe khách giường nằm gây ách tắc giao thông: “Vị trí này có độ dốc và bán kính đường cong nhỏ, các phương tiện lưu thông vào thị trấn đông, các xe tải chở hàng, xe khách đi ban đêm nhiều. Các lái xe phóng nhanh vượt ẩu, vào cua không làm chủ tốc độ nên thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới kết cấu công trình đường bộ”.

Với tình hình TNGT 3 tháng đầu năm 2023 trên Quốc lộ 6 qua địa bàn Sơn La có chiều hướng gia tăng ở cả 3 tiêu chí, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La tỏ ra lo lắng, bởi với lưu lượng phương tiện lên đến 6.000 xe/ngày đêm, vượt gấp 3 lần công suất thiết kế, cộng tâm lý chủ quan của tài xế khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng nguy cơ cao về TNGT:

“Với đặc điểm địa hình miền núi dốc cao, vực sâu, kết cấu hạ tầng giao thông hạn chế, đặcbiệt khí hậu mưa, sương mù dẫn đến mặt đường trơn trượt. Tuy nhiên, người tham gia giaothông, điều khiển phương tiện vẫn có yếu tố chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường… dẫn đến TNGT, đặc biệt là sự thiếu cảnh giác khi tham gia giao thông tại địa hình miền núi, dốc cao vực sâu, cua rất nhiều, khuất tầm nhìn, dễ dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra”.

Trong khi đó, tại Hòa Bình, mỗi ngày có khoảng 10.000 phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 6. Những ngày nghỉ, ngày lễ, có khi đến 16.000 lượt.

Bà Bùi Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cũng thừa nhận một phần nguyên nhân tới từ bất cập hạ tầng: “Với lưu lượng phương tiện quá lớn lưu lượng ngày càng tăng cũng ảnh hưởng lớn tới hạ tầng, khó có thể đáp ứng được việc đi lại. Đồng thời, trên một số đoạn tuyến quanh co, hệ thống chiếu sáng khi đi ban đêm cũng chưa có, là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn mất ATGT”.

Có thể khái quát một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng tai nạn nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2023 trên Quốc lộ 6.

Đầu tiên là yếu tố khó lường, tai nạn luôn rình rập bất cứ thời điểm nào trên một đoạn tuyến có địa hình hiểm trở, đèo cao, vực sâu, “cua tay áo” liên tục. Hơn nữa, những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng phương tiện tăng cao, di chuyển trong điều kiện thời tiết rất bất lợi, mưa phùn, sương mù dày đặc gây trơn trượt, hạn chế tầm nhìn.

Thứ hai là nhiều vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn, bề rộng mặt đường chỉ đủ 2 làn xe, chưa được đầu tư cải tạo mở rộng phía taluy dương nhằm tăng khả năng quan sát, chưa được trải thảm tăng độ nhám, thiếu gờ giảm tốc, chưa tính đến hệ thống đèn chiếu sương mù, chưa làm hốc cứu nạn.

Thứ ba, ý thức kém của một số chủ phương tiện trong tuân thủ quy tắc an toàn về tốc độ, khoảng cách, vượt xe, đi đúng phần đường, làn đường, đặc biệt là kỹ năng về số thấp khi đổ đèo, xuống dốc để hạn chế mất hiệu lực phanh.

Dù cơ quan quản lý đường bộ và địa phương đã đưa vào kế hoạch xóa “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT để thực hiện trong năm 2024. Song, những giải pháp nào có thể thực hiện ngay lập tức để khắc phục một phần những nguyên nhân vừa nêu, trước khi các dự án được triển khai, để tránh những vụ tai nạn xảy ra một cách đáng tiếc?

13

Với 3 điểm đen, 7 điểm tiềm ẩn TNGT tồn tại trên suốt chiều dài 230km, Quốc lộ 6 đoạn từ Hòa Bình lên Sơn La là một trong những cung đường “đen” trong sổ tay của các tài xế, dù là “tài già” hay lái mới. Cơ quan chức năng đã đưa cả 10 vị trí này vào kế hoạch xóa điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trong năm 2024, nhưng liệu còn những giải pháp cấp bách nào có thể triển khai để giảm thiểu TNGT, trước khi các dự án chính thức được triển khai?

Đề cập những giải pháp đảm bảo ATGT trên Quốc lộ 6 từ Hòa Bình lên Sơn La, ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng văn phòng Quản lý đường bộ I.1, thuộc Khu Quản lý đường bộ I khẳng định, những năm qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép đầu tư, xử lý nhiều vị trí tiềm ẩn, mất ATGT và “điểm đen” TNGT, theo phương châm “phát sinh đến đâu xử lý ngay đến đó”:

“Phương án xử lý thì chủ yếu là xây dựng các hốc cứu nạn tại chân đèo dốc dài. Ngoài ra cũng kết hợp mở rộng các vị trí đường cong khuất tầm nhìn, mở rộng các vị trí mặt đường và hoàn thiện lại hệ thống ATGT như là cắm đinh phản quang, tiêu phản quang tại những khu vực mà đường thường xuyên bị ảnh hưởng của sương mù”.

Thường xuyên chở hàng điện lạnh từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc, tài xế Nguyễn Chí Linh, Công ty TNHH Hương Thủy rất phấn khởi khi biết thông tin toàn bộ 10 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn trên tuyến đã được đưa vào kế hoạch để khắc phục.

Tuy vậy, anh Linh cho rằng, những đường lánh nạn, hốc cứu nạn mất nhiều thời gian, kinh phí để thực hiện, trong khi có những giải pháp ngắn hạn khác có thể triển khai ngay: “Có nhiều cung đường, đoạn biển báo chữ bị mờ, biển chỉ dẫn bị mờ, nên cố gắng khắc phục. Rồi thêm sơn kẻ đường, các vạch ở giữa phản quang thì khi tầm nhìn hạn chế, trời tối sẽ nhìn dễ hơn. Nếu bên Cục đường bộ, Sở Giao thông tăng cường thêm được những điểm sơn tăng ma sát như thế thì nên phát huy”.

Trung tá Phạm Mạnh Hà, Trạm trưởng Trạm CSGT Tân Lạc, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình nhận định, trên tuyến cũng có thể áp dụng một số giải pháp xử lý ngắn hạn nhằm góp phần ngăn ngừa TNGT, nhất là khi thời tiết sương mù, mưa, hoặc trên những đoạn đường cong cua, trơn trượt:

“Ngoại trừ 3 điểm đen, trên tuyến vẫn còn điểm tiềm ẩn bởi vì tuyến hiện tại thứ nhất là đường cong cua; thứ hai là khi mà mưa phùn thì đường rất trơn. Do vậy là còn rất nhiều điểm tiềm ẩn tai nạn. Bây giờ chỉ có cách là chúng ta phải xử lý lại mặt đường, cắm thêm nhiều biển báo và cũng như có hệ thống chiếu sáng để phá sương mù”.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình, do thời tiết sương mù dày, lái xe phản ánh tai nạn do mất phanh, mất lái, nhưng qua điều tra, giám định thì hệ thống phanh vẫn đảm bảo. Do vậy, Lãnh đạo công an tỉnh đã yêu cầu, với những ngày thời tiết sương mù, sẽ thành lập các tổ công tác đặc biệt, làm “cọc tiêu sống” chốt chặn giữa hai đầu đèo Thung Khe để tuần tra, nhắc nhở lái xe, đặc biệt là kiểm tra kỹ thuật phương tiện, người lái, kiểm tra nồng độ cồn, tốc độ… để đảm bảo an toàn khi đổ đèo.

Kết quả thực hiện thí điểm từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/2023 cho thấy, trên tuyến không xảy ra TNGT gây chết người.

“Ở những đoạn cong cua, phải giải quyết ngay, che khuất là cấm vượt, thứ hai là rải độ nhám, cắm biển cảnh báo tốc độ làm căn cứ xử lý người vi phạm. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GTVT đầu tư, Quốc lộ 6 lắp camera giám sát để xử lý tốc độ, cắm biển báo điện tử, vào những ngày có thể thay đổi hàng ngày hàng giờ theo thời tiết. Như vậy sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề trên Quốc lộ 6. Cái cần thiết ngay là rải nhám, tăng độ nhám cho mặt đường, giảm trơn trượt”, Thượng tá Nguyễn Quang Huy nói.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT Sơn La cho rằng, sự phối hợp giữa ngành công an và ngành GTVT địa phương cũng như cơ quan quản lý đường bộ cần có sự nhịp nhàng, và phản ứng sát sao trước những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn:

“Sau phối hợp rà soát các kiến nghị của CSGT thì các ngành chức năng cũng đều rà soát. Những vị trí xác định tiềm ẩn, nguy cơ cao TNGT thì đều đánh giá, xử lý về mặt kết cấu hạ tầng, có những vị trí tổ chức lại giao thông, hoàn thiện, bổ sung hệ thống vạch sơn, biển cảnh báo, gờ giảm tốc”.

Ngoài các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư, trước kiến nghị của các địa phương, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ I.1, thuộc Khu Quản lý đường bộ I cho hay, đơn vị đã báo cáo Cục Đường bộ để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tuy vậy với đề xuất lắp biển báo điện tử, ông Trung cho rằng khó thực hiện, bởi quãng đường kéo dài, xa dân cư, không thể đảm bảo điện lưới, trong khi nguồn điện mặt trời khó đáp ứng, nhất là những ngày nhiều sương mù, đặc biệt là tình trạng mất cắp biển, bảng điện tử.

Nhưng đó vẫn là giải pháp cần được xem xét, thực hiện sớm, cùng với việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh phù hợp trên toàn tuyến Quốc lộ 6.

“QL6 đã được nâng cấp cải tạo từ năm 2005 với quy mô cấp đường là đường cấp 3 miền núi và tốc độ thiết kế 60 km/h, trong đó có nhiều đoạn châm chước thiết kế chỉ có 40 thôi, mà hiện nay tốc độ khai thác theo quy định tại Thông tư 91 đối với cấp 3 thì cho phép lên đến 80 km/giờ đối với đường ngoài đô thị. Vì cái hạ tầng trước đây và sự gia tăng các phương tiện hiện nay như vậy thì cũng rất cần thiết, nhiều vị trí cũng cần phải được đầu tư để cho nó phù hợp với tình hình giao thông hiện nay”, ông Nguyễn Thành Trung nói.

Cũng liên quan việc phối hợp trong nhận diện nguy cơ mất ATGT, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích: Do nguồn ngân sách cho bảo dưỡng, bảo trì các tuyến đường mới đáp ứng xấp xỉ 40% nhu cầu, nên các cơ quan chức năng và địa phương cần sự đối thoại để thống nhất về việc gọi tên các “điểm đen” trúng và đúng, tránh tình trạng các điểm liên tục xảy ra tai nạn chết người, phải chờ được công nhận là “điểm đen” mới được quan tâm xử lý.

Cũng theo ông Trần Hữu Minh: “Việc thống kê, rà soát ‘điểm đen’ đang được thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, quy định là do chúng ta đặt ra, bản thân các quy định cũng có thể bất cập, đặc biệt trong điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, yêu cầu về chất lượng của người dân cũng thay đổi. Căn cứ vào những khác biệt đó, chúng ta soi chiếu, đánh giá hoàn thiện quy định về điểm đen là điều cần thiết”.

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa điểm đen, tiềm ẩn tai nạn trên Quốc lộ 6 từ Hòa Bình lên Sơn La. Song, với hiện trạng tai nạn gia tăng hiện nay, đoạn tuyến này vẫn là cung đường “đen” với người tham gia giao thông. Trong bối cảnh sân bay Điện Biên đóng cửa phục vụ nâng cấp từ 15/4 đến cuối năm 2023, áp lực phương tiện lên tuyến huyết mạch nối Hà Nội với Tây Bắc lại càng cao.

Do đó, khả năng dự báo, điều phối, trách nhiệm xác định các vấn đề cần ưu tiên, bố trí nguồn vốn để đầu tư, khắc phục bất cập hạ tầng từ các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt. Ngoài ra, giải pháp ứng dụng công nghệ xử lý vi phạm, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng, sức khỏe lái xe đường đèo dốc, ban đêm cũng cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa.

Với mục tiêu cao nhất là xóa đen cho cánh cung vận tải Quốc lộ 6, đảm bảo an toàn, tính mạng cho người đi đường.