Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm và đang trong tình trạng nguy cấp tại Việt Nam. Tại Sơn Trà, Đà Nẵng hiện nay có khoảng hơn 1.300 cá thể loài chà vá chân nâu đang tồn tại ngoài tự nhiên.
Voọc chà vá chân nâu được xếp hạng Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN thế giới chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương. Theo nghiên cứu mới nhất của GreenViet, Sơn Trà (Đà Nẵng) đang là ngôi nhà sinh sống của hơn 1300 cá thể voọc chà vá chân nâu, và đây là quần thể lớn nhất, bền vững nhất hiện nay của loài. Loài Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm khỉ cựu lục địa (Old World Monkey), Bộ Linh Trưởng (Primates), Họ Khỉ (Ceropithecidae), và Chi chà vá (Pygathrix).Trong cùng chi chà vá còn có 2 loài khác gần giống với Voọc chà vá chân nâu là Voọc chà vá chân xám và Voọc chà vá chân đen. Về cơ bản, ngoại hình và tập tính của 3 loài này khá giống nhau, chỉ khác nhau đặc trưng ở màu sắc cẳng chân là nâu, xám và đen. Loài Voọc chà vá chân nâu được mô tả và đặt tên lần đầu tiên bởi nhà khoa học Linnaeus năm 1771 với tên gọi là Simia nemaeus. Khi đó, loài này được ghi nhận ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam và núi Chư Mom Rây của tỉnh Kontum cùng với loài chà vá chân xám. Tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), quần thể Voọc chà vá chân nâu được phát hiện từ những năm 1969 bởi Van Peenen và cộng sự, những phát hiện và ghi nhận bổ sung cũng được thực hiện bởi Van Peenen 1971. Trên thế giới, các nghiên cứu và khảo sát đã xác định được loài Voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Quần thể lớn nhất hiện nay được ghi nhận tại miền Trung của Lào. Trong khi đó, các quần thể của loài này bị phân tán và chia cắt khá mạnh bởi việc phá rừng và xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng,…. Voọc chà vá chân nâu thường xuất hiện trong các khu rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới, rừng nửa rụng lá, đôi khi là rừng thứ sinh thường xanh, rừng núi đá vôi, hoặc rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Chúng thường chỉ sinh sống, di chuyển trên các tầng tán cây trong rừng nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn đi xuống đất để uống nước hoặc ăn đất để bổ sung thêm chất khoáng. Xét theo đai độ cao phân bố so với mực nước biển, loài này thường được ghi nhận ở độ cao trên 1.300m. Tuy nhiên, tại bán đảo Sơn Trà, có vài gia đình nhà Voọc chà vá chân nâu di chuyển xuống sát những tảng đá ở mép biển để tìm kiếm thức ăn. Điều đó cho thấy, ở mỗi điều kiện sinh sống khác nhau, tuy cùng một loài nhưng chúng sẽ có các cách thích nghi với môi trường sống khác nhau và hình thành những tập tính khác nhau. Sự phân bố và tồn tại của các nhóm linh trưởng nói chung và Voọc chà vá chân nâu nói riêng là những dấu hiệu chỉ thị cho chất lượng rừng tốt và ít bị tác động. Các vùng phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu ở Việt Nam từ Nghệ An đến Kon Tum, cụ thể gồm các Vườn quốc gia như Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Huế) và các khu bảo tồn thiên nhiên như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Đăk Krong (Quảng Trị), Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Sao La (Quảng Nam), Sông Thanh (Quảng Nam), Ngọc Linh (Kon Tum – Quảng Nam), Chư Mom Rây (Kon Tum), Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa, Nam Hải Vân (Đà Nẵng), và nhiều khu rừng đặc dụng khác ở Quảng Nam. Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm khỉ ăn lá, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn ăn thêm quả hoặc hạt tùy theo mùa khác nhau. Danh lục đỏ IUCN năm 2008 xếp hạng loài này ở mức Nguy Cấp (EN), tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất của Ben Rawson, FFI về tình trạng bảo tồn linh trưởng của Việt Nam thì IUCN sẽ đưa loài Chà vá chân nâu lên mức Cực kỳ nguy cấp vì những lo ngại về các mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên. Tại Việt Nam, Voọc chà vá chân nâu cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các văn bản luật, nghị định, thông tư của chính phủ Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam cũng xếp loài này ở mức Nguy cấp (EN) và Nghị định 32 năm 2006 của Chính phủ xếp loài này vào danh mục IB “nghiêm cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức”. Tổ chức quản lý việc buôn bán động thực vật hoang dã quốc tế (CITES) cũng xếp loài này vào phụ lục I. Green Việt đã có nhiều hoạt động để bảo tồn Chà vá chân nâu. Tại Trung tâm Giáo dục và Trải nghiệm Thiên nhiên của Green Việt đã có nhiều hoạt động nổi bật, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng cũng như giới thiệu vẻ đẹp của Sơn Trà, Đà Nẵng đến với cộng đồng địa phương và du khách. Trong Trung tâm Giáo dục và Trải nghiệm Thiên nhiên của Green Việt có hình ảnh, mô hình, mẫu vật, video,…giới thiệu về thiên nhiên, động thực vật của Sơn Trà (Đà Nẵng). Cùng với sự đa dạng của thực vật, theo khảo sát, ở Sơn Trà có khoảng 500 loài động vật ở Sơn Trà, trong đó có 24 loài động vật quý hiếm. Trong đó, Sơn Trà là nơi tập trung số lượng lớn của các loài thú linh trưởng như: Voọc Chà vá chân nâu; Culi nhỏ; Culi lớn; Khỉ vàng; Khỉ mặt đỏ. Bên cạnh đó, Sơn Trà còn được gọi kho tàng dược liệu, ở đây 1/3 các loài cây là cây dược liệu như cây: Vàng đắng; Mâm xôi; Chè vàng;…; Sơn Trà có nhiều cây đa to, trong đó có cây đa hơn 800 trăm năm tuổi;… Hộp sọ của Voọc Chà vá chân nâu, răng có màu đen. Đây là họp sọ của một một cá thể Chà vá trưởng thành. Ở Sơn Trà cũng đa dạng về các loại chim, có hơn 150 loài chim như: Hút mật đỏ; Chim nghệ đuôi trắng; Đuôi cụt bụng đỏ; Bông lau họng vạch; Chim đầu rìu;… Cùng với việc giới thiệu sự đa dạng về thiên nhiên, động, thực vật tại Sơn Trà. Ở Trong Trung tâm Giáo dục và Trải nghiệm Thiên nhiên của Green Việt có các bài tập trải nghiệm, thông tin tuyên truyền;… giúp mọi người thêm yêu thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật, thực vật,… Không chỉ giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, các hoạt động tại Trung tâm Giáo dục đã khơi dậy tình yêu và sự gắn kết với môi trường tự nhiên, với điểm nhấn là việc giới thiệu và kêu gọi bảo vệ loài Voọc chà vá chân nâu – loài linh trưởng quý hiếm tại Bán đảo Sơn Trà./.