Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dưới 6 tuổi thì chưa cần thiết phải cấp căn cước công dân Dưới 6 tuổi thì chưa cần thiết phải cấp căn cước công dân

Dưới 6 tuổi thì chưa cần thiết phải cấp căn cước công dân

Hải Hà - Mạnh Đồng   •   3:47 30/01/2023

Bộ Công an vừa hoàn thành bản Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi và đang lấy ý kiến các bên liên quan.Trong đó, cơ quan này đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ 0- 14 tuổi theo yêu cầu và bắt buộc đối với trẻ trên 14 tuổi.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 07 chương, 45 Điều, cụ thể như sau: Chương I (Quy định chung); Chương II (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước); Chương III (Thẻ căn cước công dân); Chương IV (Tài khoản định danh điện tử), Chương VI:Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư và cơ sở cơ sở dữ liệu căn cước. Và chương VII: Điều khoản thi hành.

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Ngoài ra, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Dự thảo Luật căn cước công dân được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý căn cước công dân, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ tùy thân của công dân; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch.

ảnh: diendannguoitieudung.vn

ảnh: diendannguoitieudung.vn

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam, là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Dự thảo Luật chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và quy định thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trong vòng 07 ngày làm việc.

Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc .

Đối với trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định. Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình.

Bộ Công an kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội đưa dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội Khóa XV; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 11 năm 2023).

ảnh minh họa: internet

ảnh minh họa: internet

DƯỚI 6 TUỔI THÌ CHƯA CẦN THIẾT

Theo quy định pháp luật hiện hành, khi trẻ sinh ra đều được cấp giấy khai sinh và từ năm 2017, khi trẻ sinh ra đã được cấp mã định danh. Vì sao việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi lại quan trọng?

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội về nội dung này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật căn cước công dân?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Đây là một luật rất cần thiết, vì nó đụng đến quyền của công dân, đặc biệt là trong các giao dịch hiện nay, khi Luật căn cước công dân ra đời thì có bước cải cách mới, tạo điều kiện cho những người trong độ tuổi công nhân đỡ hơn về giao dịch dân sự, như chúng ta bỏ hộ khẩu, nhập các giấy tờ, ví dụ bằng lái, rồi bảo hiểm y tế…

Việc nào tạo điều kiện thuận lợi khi giao dịch và đây là một bước tiến về cải cách tư pháp nói chung và một bước tiến mới trong vấn đề quản lý tốt hơn về công nhân trong các hoạt động, các lĩnh vực của xã hội, cũng như bảo đảm được an ninh trật tự quản lý chặt chẽ con người.

PV: Một nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi là việc cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi. Nhưng từ năm 2017, khi trẻ sinh ra đã được cấp mã định danh cá nhân rồi, vậy theo ông, việc cấp căn cước công dân cho trẻ từ dưới 6 tuổi có cần thiết hay không?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Nếu dưới 6 tuổi thì chưa cần thiết lắm, vì dưới 6 tuổi thì hoàn toàn phụ thuộc vào cái quản lý của ba mẹ, hoặc là của thân nhân là chủ yếu.

Vấn đề này cơ quan trình cần phải nghiên cứu lại, vì lúc này thì các cháu chủ yếu nằm ở độ tuổi quản lý rất chắc của gia đình và người thân, và hoạt động của các cháu thì ở nhà là chủ yếu và đi các trường mẫu giáo, còn di chuyển thì cũng rất hạn hữu. Tôi nghĩ là chưa nên cấp căn cước công dân.

Thông qua giấy khai sinh, xác định được nhân thân của cháu bé đó, quyền hợp pháp của cái khi đó sinh ra trong một gia đình, có ba mẹ và có mối quan hệ mà trong Luật hôn nhân đã quy định.

Bây giờ thêm một giấy tờ thì xem lại cái giấy khai sinh là như thế nào? Mà cháu mới sinh ra, mà chúng ta lại đi làm các thủ tục để cấp căn cước công dân thì căn cước công dân thì phải đầy đủ, có lăn tay chụp ảnh phải có bổ sung.

Cấp giấy khai sinh và mã định danh cá nhân khi cháu sinh ra cho đến 6 tuổi là phù hợp, nhất là khi mà dưới 6 tuổi thì chúng ta đầy đủ các giấy tờ chứng minh nhân thân của cháu đó và địa vị pháp lý của cháu đó, là con của gia đình a, b.

Nếu thêm một cái căn cước nước nữa, nay mai chúng ta lại bỏ giấy khai sinh à? Nếu bỏ giấy khai sinh thì cơ quan trình, rồi Chính phủ cần phải nghiên cứu và đánh giá tác động và nên tham khảo ý kiến của người dân đối với nội dung này.

PV: Đối chiếu với kinh nghiệm thế giới mà ông đã từng nghiên cứu thì ông thấy có quốc gia nào cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi không?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Chưa thấy cấp căn cước công dân của lứa tuổi này, vì các nước quản lý công dân bằng các loại hệ thống, thì bây giờ chúng ta đưa ra một cái này thì cũng cần phải nghiên cứu kỹ. Trên thế giới tôi cũng chưa cập nhật nhiều, nhưng có lẽ là cũng chưa nghe dưới 6 tuổi cấp căn cước công dân.

PV: Xin cảm ơn ông

ảnh minh họa: TTXVN

ảnh minh họa: TTXVN

CHƯA CHẮC GIÚP CHO QUẢN LÝ HIỆU QUẢ

Với đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi có mâu thuẫn với các quy định về bảo vệ trẻ em hiện nay? Nếu Dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi được thông qua sẽ tác động xã hội như thế nào?

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp trường Đại học Luật, Đại học quốc gia, Hà Nội về nội dung này:

PV: Việc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi có thể gây ra những tác động xã hội nào thưa bà ?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Nhiều khi trong quan hệ xã hội, trẻ nhỏ rất ít giao dịch, định danh cho trẻ là định danh cá nhân của trẻ thì được nhưng nếu mà căn cước công dân đấy tích hợp giấy khai sinh cũng sẽ có những phiền toái hoặc là sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ.

Bởi vì có những đứa trẻ lớn lên sẽ thấy rằng là có thể nó có mẹ nhưng để khuyết danh cha. Sau này cái thủ tục xác nhận cha mẹ cho con nó sẽ kéo dài thêm một khoảng thời gian. Đấy trở thành sự tổn thương đối với trẻ nhỏ. Đấy là điều không nên!

PV: Vậy theo bà, có cần phải làm rõ hơn mục đích của việc làm thẻ căn cước công dân đối với trẻ nhỏ và thẻ căn cước công dân thì có thể sử dụng thay thế cho giấy khai sinh hay giấy tờ khác?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cần cụ thể hóa hoặc là có một cái căn cứ để có thể quản lý có hiệu quả đối với trẻ, kể cả từ trong giai đoạn thành niên và vị thành niên.

Đó cũng là căn cứ xác định khi mà bán thuốc lá, bán rượu hoặc là đi xem phim nhưng mà chúng ta phải xem xét là cái mã đó và mức độ quản lý của chúng ta đến đâu và những vấn đề cấp đổi cấp mới.

Bởi vì trong giai đoạn đấy, trẻ hoạt động rất nhiều có thể đánh rơi, đánh mất, có thể nhầm lẫn đánh tráo lẫn nhau. Chúng ta cũng cần phải xem xét.

Giai đoạn trẻ từ 0 đến dưới 14 tuổi cũng sẽ có sự thay đổi về hình dạng, khuôn mặt của trẻ. Do vậy, nhiều khi những thông tin này nó có thể làm cho cơ quan quản lý vất vả hơn, chứ chưa chắc giúp cho hoạt động quản lý được hiệu quả.

Tất nhiên là sẽ có chúng ta phải cân nhắc giữa được và mất, cái việc đó nó sẽ giúp cho hoạt động và thuận tiện để chúng ta có thể giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về vấn đề quản lý căn cước công dân. Vâng.

PV: Xin cảm ơn bà!

Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc và hơn 71 triệu thẻ Căn cước công dân có gắn chíp. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam và cho nhóm công dân dưới 14 tuổi ảnh hưởng phần nào đến quyền lợi của công dân và công tác quản lý.

Với những quy định mới tại Dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi, những lỗ hổng pháp lý liên quan đến kết nối và sử dụng dữ liệu căn cước công dân có thể được khắc phục trong thời gian tới?

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi lần này? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ góp phần nâng cao tiện ích của công dân khi thực hiện các giao dịch hàng ngày và tác động như thế nào đến công tác quản lý dữ liệu dân cư và chuyển đổi số ?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai hàng tuần trên FM 91Mhz, vovgiaothong.vn hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple podcast và Google Podcast.