Thời Nguyễn, những dãy phố phía tây của Hà Nội chủ yếu vẫn là nhà tranh tre nứa lá, cho nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Hỏa hoạn là tai hoạ đáng sợ nhất, sau vụ cháy lớn năm 1837, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần.
Đền Hỏa thần gắn liền với địa danh thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi lại là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Nay là số 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Hỏa Thần được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), vị trí ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu chỉ làm bằng tranh nứa sơ sài. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm tòa phương đình và nhà tiền tế. Thời Nguyễn, những dãy phố phía tây của khu phố phường Hà Nội chủ yếu vẫn là nhà tranh tre nứa lá, cho nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Sách sử cũ chép lại vào năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm lại cháy 1420 nhà thuộc 27 phường. Năm 1837, khu này cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa. Sau vụ cháy lớn năm 1837 người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần, cầu xin Thần lửa không gây hoạ. Hôm nay là 15/9 dương lịch, tức là ngày 1/8 âm lịch, nhiều người dân đã tới đền thắp hương ngày đầu tháng cầu mong sự bình an cho gia đình và mọi người. Khu vực thờ tự trong đền có hai gian chính, từ ngoài đi vào là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Ở Việt Nam có hai Thần Lửa, trong đó vị Quang Hoa Mã Nguyên Súy được thờ phụng tại đền Hỏa Thần. Theo truyền thuyết, Nguyên Súy được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều và trở thành môn đệ Phật gia. Do tính “Hỏa” nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào nhà họ Phùng, Khi đắc đạo được về trời làm môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên việc trừ hỏa tai. Gian bên trong (hậu cung) thờ Đức Hỏa Thần - thần Lửa (vị thần chủ quản của bản đền). Tượng Hỏa Thần - Quang Hoa Mã Nguyên Suý. Tay của Ngài cầm một vật có hình chóp. Nhiều người cho rằng đó chính là hình viên đá để tạo ra lửa. Phía ngoài hai bên là hai pho thị giả, Thiên Lí Nhãn (nhìn thấy khắp nơi) và Thuần Phong Nhĩ (nghe thấu mọi điều). Người dân khi vào hậu cung đều kính cẩn chắp tay, quỳ gối xin Ngài độ cho bình an.
Theo sách "Đường phố Hà Nội", trước đây, đền Hỏa Thần có một quả chuông to, bằng đồng, hễ có hỏa hoạn thì thỉnh chuông lên, Hỏa Thần nghe thấy sẽ về trừ hỏa hoạn". Ông Trịnh Văn Hùng - Phó Trưởng tiểu ban quản lý di tích đền Hỏa Thần cho biết: "Ngày nay chúng tôi là những người tiếp quản trông nom phụng sự đền thì chúng tôi vẫn giữ nguyên những nghi lễ từ xa xưa để lại. Vào hai dịp mùa xuân và mùa thu, cụ thể là ngày 28 tháng ba và 29 tháng chín Âm lịch thường niên, nhà đền cùng nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức tế lễ để tưởng niệm ngày sinh và ngày hóa của Thần Hỏa. Hiện ngôi đền, có diện tích khoảng hơn 450m2, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung đền vẫn giữ được những nét cổ kính." Cũng trong khuôn viên của ngôi đền, khi đi từ ngoài đường vào sân, phía bên tay trái có Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của phường Cửa Đông.
Ngoài ra, trên sân có ban thờ Mẫu Thượng Thiên. Còn 2 gian nhà ngang, một gian là thờ hai cụ đồng ngày xưa trông nom bản đền.
Trước đó, vào ngày 12/7 âm lịch, nhân ngày rằm tháng 7 đền Hỏa Thần đã làm lễ cúng vào hè, đồng thời tổ chức cầu siêu độ âm theo truyền thống dân gian./.