Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cuộc sống trong khu tập thể Cuộc sống trong khu tập thể

Cuộc sống trong khu tập thể "mục nát" chưa thể di dời

Phúc Tài   •   6:00 13/02/2023

Tại các khu tập thể xuống cấp ở cấp độ D trên địa bàn TP Hà Nội hầu hết các hộ dân đã di dời, nhưng vẫn còn những gia đình chưa chuyển đi. Chật chội, ẩm thấp cùng với sự gia cố mong manh… là hình ảnh hàng ngày họ vẫn sống.

Mới đây, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội thông tin: Đối với 10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 gồm 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).

UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.

Trong đó, tại đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 37 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 36 hộ dân và 1 cơ quan, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 4 tỷ đồng.

Đến nay có 36/37 trường hợp đã nhận tiền hỗ trợ, nhận nhà tạm cư và bàn giao căn hộ cũ (gồm 1 cơ quan, 19 hộ dân nhận căn hộ tạm cư và 16 hộ dân nhận tiền tự lo chỗ ở).

Theo đại diện Sở Xây Dựng, Hà Nội, về tiến độ cải tạo chung cư cũ đến thời điểm này Hà Nội đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ; đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại, ban hành kế hoạch để triển khai...

Lối dẫn lên đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) đã được dán niêm phong, đặt rào cảnh báo.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu chung cư có nhà cấp độ D (cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).

Hình ảnh trong các tòa tập thể đã di dời là sự xuống cấp, các phần chuồng cọp đua ra có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Quận Ba Đình (Hà Nội) là địa bàn có 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D, được ưu tiên triển khai trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND thành phố. Theo thông tin từ UBND quận Ba Đình, trên địa bàn quận có 213 nhà chung cư cũ.

Trong đó có 4 khu chung cư (138 nhà) cần lập quy hoạch chi tiết 1/500 và 48 nhóm/nhà chung cư (75 nhà) cần lập quy hoạch tổng mặt bằng để làm cơ sở triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bên cạnh những người dân đã nhận tiền hỗ trợ để di dời, vẫn còn hộ dân ở lại C8 ở đơn nguyên 1, 2 chưa trong diện di rời. Cuộc sống người dân tại các đơn nguyên này vẫn trong cảnh chật chội, ẩm thấp.

Nhà anh Nguyễn Thụy Linh ở tầng 2 của cầu thang 1 (đơn nguyên 1) C8 Giảng Võ chỉ vọn vẻn 36m2 nhưng có tới 3 thế hệ cùng chung sống.

Phòng khách nhà anh Linh diện tích khoảng 12m2 đã dành phần lớn diện tích cho đồ đạc.

Bên ngoài hành lang nhà anh Linh các mảng bê tông đã bong tróc, xuống cấp theo thời gian, lộ rõ những mảng hoen rỉ.

Không riêng nhà anh Linh, những hộ khác ở tại đơn nguyên 1, 2 của tập thể C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cũng đang trong cảnh xuống cấp nặng nề.

Ở các chiếu nghỉ cũng được tận dụng làm nơi để đồ đạc, từ than tổ ong đến lò hóa vàng...

Một mái chuồng cọp đua ra để thêm không gian cho cuộc sống, nhưng dường như mái chuồng này đã quá cũ và xuống cấp theo năm tháng.

Tất cả những đồ đạc đặt trong tòa nhà này chỉ là tạm bợ, thể hiện sự cố sống qua ngày chờ đợi những chính sách mới của thành phố.

Hay hành lang tầng 3 đơn thuần là nơi tận dụng đun một ấm nước.

Luồng sáng tự nhiên duy nhất ở các khu tập thể có lẽ là hàng lang, ánh sáng này giúp người dân phơi quần áo...

Và một chuồng cọp ngoài hiên để đón ánh sáng phơi quần áo trong mùa nồm, ẩm là một lợi thế cho những nhà ở tầng cao nhất.

Luồng sáng từ mái hiên cũng là nguồn nuôi dưỡng cây cảnh tại khu tập thể này.

Còn đơn nguyên 1 nhà A tập thể Ngọc Khánh, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 27 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 27 hộ dân. Đến nay, 27/27 hộ gia đình đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư.

Rào sắt đã được chính quyền địa phương đặt để cảnh báo, đảm bảo an toàn.

Còn đối với những hộ còn ở lại nhà A tập thể Ngọc Khánh chưa di dời cuộc sống cũng giống như ở C8 Giảng Võ, chật chội, ẩm thấp, tạm bợ.

Mọi khoảng trống bên ngoài không gian đều được người dân tận dụng để làm mọi thứ, từ lắp cục nóng điều hòa đến phơi quần áo. Hay đơn giản là đặt một ban thờ...

Nhà ông Lê Đình Phúc, ở tập thể phòng 107 nhà A tập thể Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, nhà cửa đã xuống cấp, gia đình ông gia cố 3 máng để hứng nước từ trên xuống tránh dột.

Các máng nước được ông Phúc lắp ốp lấy thanh dầm của nhà.

Khi nước đủ nhiều sẽ chảy qua ống nhựa dẫn xuống dưới nền.

Khu bếp nhà ông Phúc cũng chỉ đủ một người đứng, bát, xoong chảo treo kín tường.

Vào những ngày nồm, ẩm càng làm cho khu bếp thêm ướt và ẩm. Ông Phúc mong rằng, thành phố sẽ sớm xây dựng lại các khu tập thể này để người dân có nhà mới và thủ đô Hà Nội không còn hình ảnh của những ngôi nhà tập thể cũ, góp phần làm hình ảnh thủ đô thêm đẹp hơn.

Tại không gian chật chội của các khu nhà tập thể, một khoảng sân chống đủ cho con trẻ chơi thể thao cũng là một sự cố gắng hết sức. Cột điện là trụ bóng rổ, đơn giản chỉ là một vòng sắt và không có lưới.

Hiện tại, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội vẫn rất chậm, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ Hà Nội đã tiếp tục ban hành hạn chót di dời dân khỏi các khu chung cư nguy hiểm cấp độ D. Đồng thời, không ban hành quy định riêng để tránh mất thời gian triển khai.

Cuộc sống của người ở lại các khu tập thể cũ đang xuống cấp hết sức tạm bợ và khó khăn. Thời gian gần đây, TP Hà Nội đã có những động thái quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng cho người dân tại các khu tập thể này. Tuy nhiên, vẫn cần đẩy nhanh hơn nữa công tác cải tạo tập thể cũ để người dân sống trong căn nhà tập thể cũ sớm có cuộc sống tươi mới trong căn nhà khang trang hơn./.