Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

"Có trách nhiệm thì doanh nghiệp phải hy sinh trước, nhưng xứng đáng"

Hồng Lĩnh   •   11:34 16/05/2023

Tại Hội nghị Phát triển bền vững - “Con đường màu xanh” do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 13/4, lãnh đạo các doanh nghiệp đang dẫn dắt thị trường đã cùng thảo luận và đưa ra mục tiêu phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh các vấn đề về ô nhiễm ở các đô thị lớn.

Theo đó, tình trạng rác thải không được xử lý, giảm phát thải carbon và biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm hàng đầu.

“Đạt hiệu quả kinh doanh là ưu tiên số 1 nhưng quá trình kinh doanh không được tổn hại đến hành tinh. Đây là hai mục tiêu song song” - Ông Romain Vidal - giám đốc Kinh doanh số, Decathlon Việt Nam nói.

Theo ông Romain Vidal-Giám đốc kinh doanh số Decathlon Việt Nam thì quá trình kinh doanh không được tổn hại đến hành tinh.

Theo ông Romain Vidal-Giám đốc kinh doanh số Decathlon Việt Nam thì quá trình kinh doanh không được tổn hại đến hành tinh.

Người tiêu dùng kỳ vọng vào sự thay đổi của doanh nghiệp

Năm 2021, Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) đã thực hiện cuộc khảo sát với 14.000 người đến từ 9 quốc gia về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.

Kết quả là 90% người được hỏi đều thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này từ khi đại dịch xảy ra; Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng biến chuyển rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu; 62% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Trước đó, Báo cáo Doanh nghiệp bền vững Nielsen chỉ ra rằng, có tới 86% người tiêu dùng tại Việt Nam sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty cam kết tác động tích cực đến xã hội và môi trường; cam kết bảo vệ môi trường cũng có sức mạnh ảnh hưởng đến việc mua sản phẩm đối với 62% người tiêu dùng tại Việt Nam.

Ông Binu Jaco - Chủ tịch&Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đưa ra quan điểm: “Con số này tương đương với Úc, cao hơn Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dựa trên mô hình tuyến tính, nguyên vật liệu đầu vào được sử dụng một lần, không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên trong khi Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về rác thải nhựa đại dương”.

Theo ông, con người đang phá vỡ chu trình tái tạo tự nhiên và gây ra sự thay đổi khí hậu khi xả rác thải ra môi trường. Theo báo cáo của bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có khoảng 900 bãi rác chôn lấp vào năm 2020 và 70% trong số đó chưa được xử lý. Môi trường tự nhiên không thể xử lý những rác thải này, tác động tiêu cực đến khí hậu, làm thay đổi hệ sinh thái và đe dọa sự sống của con người.

“Người tiêu dùng mong đợi các doanh nghiệp, thương hiệu cùng với chính phủ dẫn dắt sự hình thành nền sản xuất bền vững, và các doanh nghiệp phải dẫn đầu trong việc chuyển đổi này” - Ông Binu Jaco nhận định.

Cách đây 2 năm, Nestlé Việt Nam bắt đầu với mô hình sản xuất mới bắt đầu từ thiết kế sản phẩm. Netslé kết hợp với Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân để giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường bằng cách tăng sử dụng nhựa tái chế, đồng thời thiết kế và cải tiến bao bì tối ưu với mục đích tiết kiệm. nguyên liệu hơn: ngưng sử dụng màng co nilông ở nắp chai để giảm rác thải; chuyển màu chai sang trắng trong để đơn giản hóa quá trình tái chế sau này; thay đổi công nghệ in lazer trên vỏ chai để không ảnh hưởng đến chất lượng nhựa sau tái chế… Hiện 66% bao bì của Netslé đã tái chế được, vỏ chai nhựa có 24 lần tái sử dụng.

“Chúng ta phải thiết kế để loại trừ chất thải và ô nhiễm để sản phẩm sử dụng càng lâu càng tốt và hệ thống thiết kế phải tính được vòng đời hữu ích của sản phẩm” - ông Binu Jaco nói.

Ông Binu Jaco - Chủ tịch&Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam: Chúng ta phải làm một mô hình sinh thái bền vững sinh học hoặc là kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động; cố gắng giảm đầu vào cho sản xuất và tái sản xuất nếu có thể...

Ông Binu Jaco - Chủ tịch&Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam: Chúng ta phải làm một mô hình sinh thái bền vững sinh học hoặc là kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động; cố gắng giảm đầu vào cho sản xuất và tái sản xuất nếu có thể...

Tầm nhìn đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé có thể tái chế hoặc tái sử dụng.

Tuy nhiên, bao bì không phải là thứ duy nhất. Tập đoàn đứng thứ 46 trong danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes còn tham gia các hoạt động kinh doanh bền vững, nổi bật là mô hình cà phê tuần hoàn với thương hiệu cà phê hoà tan nổi tiếng.

Ông Binu cho biết, ước tính mỗi năm tập đoàn bỏ ra 600- 700 triệu đô la Mỹ thu mua 20 – 25% tổng sản lượng cà phê sản xuất tại Việt Nam, quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới.

“Chúng tôi làm việc chặt chẽ với người nông dân từ cải tiến giống cây cà phê để tăng sức khoẻ của cây trồng, tăng kháng bệnh qua mùa vụ, tiết kiệm được 40-60% lượng nước tưới, 20% lượng phân hoá học/thuốc trừ sâu và tỷ lệ hấp thu carbon của cây cao hơn nhưng cho lượng khí thải thấp hơn. Cà phê của chúng tôi có nguồn gốc bền vững” - Ông Binu chia sẻ.

Từ việc phác họa tổng quan về lợi ích và các hiệu quả lâu dài của nền kinh tế tuần hoàn, ông Binu Jaco cũng chia sẻ những kinh nghiệm của doanh nghiệp khi chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

“Chúng ta phải hành động, các doanh nghiệp phải nghiêm túc hành động. Khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm của chúng ta. Chúng ta phải làm một mô hình sinh thái bền vững sinh học hoặc là kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động; cố gắng giảm đầu vào cho sản xuất và tái sản xuất nếu có thể” - ông Binu khẳng định.

Việt Nam có khoảng 900 bãi rác chôn lấp vào năm 2020 và 70% trong số đó chưa được xử lý. Ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng

Việt Nam có khoảng 900 bãi rác chôn lấp vào năm 2020 và 70% trong số đó chưa được xử lý. Ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng

“Tái sinh” sản phẩm

Từ điều “không tưởng” đó là sản xuất bút viết (có kích thước rất nhỏ) bằng sản phẩm nhựa tái chế, ngay từ khâu thiết kế, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã có đội ngũ nghiên cứu và phát triển nội bộ để tìm cách tạo ra sản phẩm mỏng hơn, giảm chi tiết thừa, sử dụng các nguyên vật liệu sinh học.

“Thiên Long kéo dài vòng đời sản phẩm như bút lông viết bảng sau một thời gian sử dụng sẽ hết mực. Thay vì bỏ, chúng tôi tạo ra ống mực riêng giúp khách hàng dễ dàng bơm mực mới” - Bà Trần Phương Nga - Tổng Giám đốc điều hành Thiên Long chia sẻ.

Bà Trần Phương Nga - Tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long: Với những doanh nghiệp có trách nhiệm, chúng ta phải hy sinh trước, đó cũng là mồ hôi nước mắt nhưng hoàn toàn xứng đáng.

Bà Trần Phương Nga - Tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long: Với những doanh nghiệp có trách nhiệm, chúng ta phải hy sinh trước, đó cũng là mồ hôi nước mắt nhưng hoàn toàn xứng đáng.

Cách đây 15 năm, chiếc bảng con của Thiên Long làm từ nhựa tái chế. Hiện tại, ngoài sáp nặn còn có sản phẩm bột nặn làm từ nguyên liệu chính là bột mì, đạt các tiêu chuẩn an toàn trong nước cũng như ở châu Âu, Mỹ… Trong mục tiêu hướng đến việc giảm rác thải nhựa trong năm năm tiếp theo, Thiên Long mong muốn mở rộng các dòng sản phẩm thân thiện môi trường như sản xuất bút từ chai nhựa.

“Giá thành một sản phẩm có thể tăng lên 25-30% nên phải thực sự bền bỉ với mục tiêu. Chúng tôi quyết tâm truyền tải những thông tin mà mình có được về phát triển bền vững đến học sinh để khuyến khích học sinh sử dụng sản phẩm có trách nhiệm. Với những doanh nghiệp có trách nhiệm, chúng ta phải hy sinh trước, đó cũng là mồ hôi nước mắt nhưng hoàn toàn xứng đáng. Chúng tôi làm bằng hạnh phúc và cả trái tim và mong muốn dành điều đó cho thế hệ tiếp nối” - Bà Trần Phương Nga chia sẻ thêm.

“Tái chế nhựa” - chỉ có ba từ thôi nhưng là quá trình dài mất đến 2-3 năm. Đặc biệt là giai đoạn cùng các đối tác thử nghiệm sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá trị sử dụng so với nhựa thông thường.

Rất nhiều dụng cụ học tập Thiên Long đã qua sử dụng được đóng góp để tạo ra các mô hình sáng tạo

Rất nhiều dụng cụ học tập Thiên Long đã qua sử dụng được đóng góp để tạo ra các mô hình sáng tạo

Với nhà máy công suất 30.000 tấn/năm, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân thu gom chai nhựa trong nước và đưa vào tái chế, sản xuất thành hạt nhựa. Có những sản phẩm được tái chế 20 lần, góp phần tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa. Sản phẩm của Nhựa tái chế Duy Tân đạt 15 tiêu chuẩn trên thế giới, kể cả tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

“Chúng ta sẽ không nhắc đến khái niệm “tái chế” mà thay vào đó gọi là “tái sinh” – có nghĩa là tạo một vòng đời mới cho sản phẩm. Giá thành sản phẩm từ hạt nhựa tái chế sẽ cao hơn. Bởi vậy, để tiếp cận người tiêu dùng, chúng ta có thể đưa ra một giá hợp lý. Không chỉ vậy, các đối tác, nhãn hàng còn đưa ra các tiêu chuẩn riêng cần phải đáp ứng, bởi đối với họ, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng là yêu cầu lớn nhất” - Ông Lê Anh - giám đốc Phát triển bền vững, công ty Nhựa tái chế Duy Tân nói.

Chai nhựa cũ được tái chế tại Duy Tân. Ảnh tư liệu

Chai nhựa cũ được tái chế tại Duy Tân. Ảnh tư liệu

Cầm tay nhau và “sánh vai”

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Decathlon - hãng bán lẻ các sản phẩm thời trang và dụng cụ thể thao của Pháp với hơn 2.000 cửa hàng trên khắp thế giới đã có 50% sản phẩm tái chế được. Khoảng 63% đồ thể thao Decathlon sản xuất tại Việt Nam được xuất sang châu Âu. Mới đây, doanh nghiệp này cũng vừa ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia hai dự án lớn của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ nhằm bảo vệ khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may.

Decathlon cố gắng kéo dài vòng đời của sản phẩm như bán rất nhiều ba lô có thời gian bảo hành lên đến 10 năm, khuyến khích khách hàng sử dụng lâu dài.

Ông Romain Vidal - Giám đốc Kinh doanh số, Decathlon Việt Nam nói về thực tế: “Rất nhiều người tiêu dùng có thói quen bỏ đi, và chúng tôi có một số hoạt động kết nối với những sản phẩm mà họ không sử dụng nữa để tái sử dụng thành sản phẩm khác. Đó là cách mà chúng tôi tuần hoàn các sản phẩm và giảm sự lãng phí”.

Các hạt nhựa sẽ được tái sinh

Các hạt nhựa sẽ được tái sinh

Hơn bốn năm trước, Decathlon đã không đựng bằng đồ nhựa xài một lần dù khi ấy người tiêu dùng vẫn có thói quen này. Đây là thách thức nhưng Decathlon kiên trì, huấn luyện đội ngũ, truyền thông đến thị trường. Đến nay khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ từ chỗ thấy bất tiện đã có cảm giác tích cực hơn.

“Với chúng tôi, đạt hiệu quả kinh doanh là ưu tiên số 1 nhưng quá trình kinh doanh không được tổn hại đến hành tinh. Đây là hai mục tiêu song song” - Ông Romain Vidal chia sẻ về chiến lược của Decathlon.

Chiến lược của doanh nghiệp này là đến năm 2026 sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ví dụ như bao bì của chiếc đồng hồ Decathlon chẳng hạn, sẽ được thay thế bằng bìa carton.

Cùng một tầm nhìn, ông Leonardo Garcia - CEO Coca Cola Vietnam và Cambodia khẳng định “Muốn tạo ra sự khác biệt thì phải xuất phát từ việc chọn mục tiêu phát triển bền vững thông qua các trụ cột chính như thiết kế, thu gom rác thải, hợp tác với các đối tác khác”.

Về thiết kế, gần đây Coca Cola thay chai Sprite từ màu xanh lá sang trong suốt. Cả chai nhựa màu xanh hay trong suốt đều có thể tái chế nhưng quy trình tái chế chai màu xanh phức tạp hơn. Hay “tái sinh” cho cuộc sống mới với các bao bì. Tất cả các bao bì của nhãn hàng này đều có thông tin liên quan đến tái chế.

Ông Leonardo Garcia-Tổng giám đốc Coca Cola Việt Nam và Campuchia: “Muốn tạo ra sự khác biệt thì phải xuất phát từ việc chọn mục tiêu phát triển bền vững thông qua các trụ cột chính như thiết kế, thu gom rác thải, hợp tác với các đối tác khác”.

Ông Leonardo Garcia-Tổng giám đốc Coca Cola Việt Nam và Campuchia: “Muốn tạo ra sự khác biệt thì phải xuất phát từ việc chọn mục tiêu phát triển bền vững thông qua các trụ cột chính như thiết kế, thu gom rác thải, hợp tác với các đối tác khác”.

Ngoài ra, Coca Cola còn đưa ra những hành động cho mục tiêu đến 2030, tất cả bao bì sản phẩm được bán ra thị trường sẽ được thu gom lại và 50% các chai nhựa sản phẩm là nhựa tái chế. Để thực hiện những mục tiêu này, Coca Cola cũng cần tìm kiếm được những đối tác có năng lực trong chuỗi giá trị để có thể đáp ứng tiêu chuẩn của mình.

“Chúng ta muốn mọi thứ tuần hoàn, từ khâu sản xuất, chúng ta hãy cố gắng sử dụng nguyên liệu tái chế. Tuy nhiên, trong siêu thị không phải cái gì cũng tái chế được. Góc độ thứ hai là người tiêu dùng. Chúng ta có thùng rác, người ta bỏ rác vào đó; nhưng cao hơn nữa đó là phải bỏ vào nơi nào để tái chế được. Đó thực sự là thách thức chung. Nhưng chúng ta đi cùng nhau, cầm tay nhau và “sánh vai” sẽ thay đổi được” - ông Leonardo Garcia kỳ vọng.