Cái bu gà
Tầm vóc của một con người, đôi khi toát lên từ những thứ hết sức bình dị, như cái bu gà.
Trả lại cái bu gà
Tôi xin phép được gọi Tổng Bí thư là Ông Cụ. Như cái cách mà người dân và con trẻ hay gọi Cụ, mỗi khi thấy Cụ trên TV.
Đó là câu chuyện mà một lái xe của Thành ủy Hà Nội kể cho anh em phóng viên chúng tôi, trong chuyến công tác. Anh từng lái xe cho Ông Cụ, hồi Cụ là Lãnh đạo Thành ủy.
Anh kể, tính Cụ vốn khảng khái và thanh liêm, ai cũng biết. Nhưng có những nguyên tắc cứng rắn đến mức, anh em lái xe cũng không thể… hình dung.
Số là, trong một chuyến về làm việc tại địa phương cách Hà Nội mấy chục cây số, biết Cụ không bao giờ nhận quà biếu, nên bà con nhân dân dù rất quý mến, cũng chỉ dám biếu Cụ mấy con gà, nhốt vào cái bu, và nhờ đồng chí lái xe chở giúp. Sợ Cụ không nhận, bà con dặn anh lái xe, về đến thành phố hãy báo cáo. Coi như sự đã rồi, thể nào Cụ cũng đành phải nhận.
Thấy bà con nhiệt tình quá, anh lái xe áy náy. Lại nghĩ, quà quê chỉ có mấy con gà, chắc không sao, nên anh cho vào cốp, chở về.
Về đến cơ quan, khi lấy đồ ra khỏi xe, anh mới báo cáo Ông Cụ về quà của dân. Dù không cáu gắt nặng lời, nhưng Cụ nhất định không nhận. Cụ bảo, con gà với cán bộ có thể là nhỏ, nhưng với bà con nông dân, là bao nhiêu công sức chăm nuôi. Mình nhận quà, thành cái lệ, lần sau bà con lại phải có quà, rất phiền hà và tốn kém cho dân, tuyệt đối không nên.
Cụ ôn tồn giải thích và yêu cầu anh lái xe quay lại tận nơi, nói với bà con, Cụ chỉ xin nhận tấm lòng, còn quà thì xin gửi lại.
Anh tài xế bảo, lúc đó anh hết sức sửng sốt và thật lòng, không tránh khỏi chút… ấm ức. Vì vừa chạy xe hàng chục cây số, lại bị yêu cầu tua thêm vòng nữa, phải trả lại trong ngày. Mà đường sá hồi đó (những năm 1996 – 1998) đâu đã được như bây giờ. Hơn nữa, chỉ có mấy con gà chứ nào phải sơn hào hải vị, quà cáp xa xỉ gì cho cam.
Cấp trên đã cương quyết, anh đành miễn cưỡng thực hiện, dù trong lòng không vui. Nhưng sau đó càng ngẫm lại, anh mới càng thấy đúng, thấy thấm thía. Rồi anh kết luận với chúng tôi: “Ông Cụ liêm khiết vậy đấy!”
Cái bu gà và những chiếc va li
Chuyện cách nay đã mười lăm năm, khi tôi chân ướt chân ráo vào nghề, nhưng vẫn nhớ như in. Bởi đó là một ấn tượng mạnh với những phóng viên trẻ hồi đó. Những người đang tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng đẹp đẽ, với các hình dung trong trẻo về những người được coi là “công bộc của dân”.
Nhưng đã có lúc họ hụt hẫng, họ băn khoăn, vì thực tế không hoàn toàn như vậy. Và câu chuyện của anh lái xe khiến họ tin, sự trong trẻo vẫn còn.
Ấn tượng mạnh, bởi sự thấu hiểu và nghĩ cho dân của một tấm lòng lãnh đạo. Lớn lên từ quê nghèo, tôi hiểu giá trị của cái bu gà đối với người nông dân một nắng hai sương, quanh năm chỉ trông vào hạt thóc và đàn gà ở góc vườn.
Cho đến tận bây giờ, dù đời sống ở nông thôn đã tốt lên nhiều, nhưng điều này vẫn đúng. Mất một con gà, với bà con, vẫn là của đau con xót. Của một đồng, công một nén.
Vì thế, chuyện Ông Cụ yêu cầu trả lại cái bu gà vì không muốn phiền dân, trân trọng từng hạt lúa củ khoai mà người dân mồ hôi nước mắt làm ra, khiến tôi thực sự nghĩ rằng, chắc vị cán bộ Thành ủy ấy phải từng là nông dân, mới hiểu dân, thương dân đến thế.
Hình ảnh cái bu gà vẫn trở lại trong tâm trí tôi, mỗi khi xem vô tuyến, thấy Ông Cụ chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nói chuyện “củi khô, củi tươi”.
Mười mấy năm, những “cái bu gà” ngày xưa, có khi biến thành những vali rượu tây, những thùng xốp đựng ngoại tệ, đưa vào cốp xe để chở đến nhà quan chức.
Thay vì ăn con gà dân biếu, đã có những quan tham, ăn của dân không từ một thứ gì. Ngọn lửa bức xúc âm ỉ trong lòng người. Cho đến khi “lò” nóng lên, củi sâu củi mục lần lượt được đưa vào xử lý.
Sự hoan hỉ trỗi dậy. Niềm tin lại được thắp lên mạnh mẽ nơi mỗi người, vào một môi trường trong sạch, lành mạnh. Ở đó những người làm công ăn lương biết nghĩ cho dân, chăm lo người dân từng li từng tí.
Ở đó, người dân yên tâm chăm sóc mảnh ruộng và những con gà ở góc vườn của mình, mà không phải lo nhốt vào bu để đem làm quà biếu xén.
Nếu có thể vẽ tranh, bức tranh của tôi sẽ có nụ cười của người nông dân bên cái bu gà, và hình ảnh lò lửa rực hồng thấp thoáng sau lưng Cụ Ông mái đầu bạc trắng đang cười hiền hậu.
Bức tranh trong tâm trí tôi, và trong những người từng được nghe chuyện anh lái xe kể về Ông Cụ./.