

28 ngày với 10.000km đi qua 6 nước Đông Nam Á bằng ô tô điện
Bắt đầu xuất phát từ Hà Nội ngày 5/4/2025, nhóm 8 thành viên là các chủ xe điện VinFast đã thực hiện thành công hành trình Vietnam EV Rally lần 2 dài 10.000km đi qua 6 nước Đông Nam Á với thông điệp “Hành trình xanh – Kết nối ASEAN”.

Anh Phùng Thế Trọng – Chủ xe VinFast VF6, đồng thời cũng là trưởng nhóm thực hiện hành trình cho biết, để chuẩn bị cho chuyến đi này, việc đầu tiên cần chuẩn bị sức khỏe, trang bị kỹ năng lái xe cho bản thân, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, cùng với đó tìm hiểu rõ luật pháp, kiến thức văn hóa về những đất nước mình đi qua.
Vietnam EV Rally lần 2 đi qua 6 nước, trong đó, nếu đi từ Việt Nam qua Lào, Campuchia sẽ cần xin giấy phép liên vận. Chủ xe sẽ đăng ký ở Sở Xây dựng (trước đó là Sở Giao thông vận tải), việc đăng ký hiện nay đã làm được trực tuyến.
Chỉ cần chuẩn bị giấy tờ xe, nếu xe không đứng tên của mình cần làm giấy ủy quyền và thêm một vài giấy tờ khác, chờ đợi khoảng 10 ngày sẽ có giấy phép liên vận.

Hành trình sử dụng hai mẫu xe VinFast VF8 và VinFast VF6 đi qua 6 nước bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Còn ở 3 nước Thái Lan, Singapore và Malaysia, sẽ cần liên hệ với một công ty tour của Thái Lan để làm thủ tục.
“Thời gian chuẩn bị giấy tờ cho ba nước Thái Lan, Singapore và Malaysia mất khoảng 20 ngày. Để tìm được công ty tour uy tín của Thái Lan, mình đã hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, sau đó gửi giấy tờ theo yêu cầu của công ty tour Thái Lan để làm thủ tục. Hồ sơ chuẩn bị có các giấy tờ như: Hồ sơ pháp lý xe; lý lịch từng người trong đoàn; Lịch trình di chuyển, nơi ở khi sang tới các nước;… chi phí dành cho thủ tục này hết khoảng hơn 30 triệu đồng” – anh Trọng cho biết.

Biển số định dạng được dán lên xe trước khi đi vào Malaisia
Ngoài ra, ở Malaysia sau khi làm thủ tục xin cấp phép, sẽ được cấp biển số xe theo định dạng của Malaysia, trong quá trình di chuyển sẽ phải dán biển số này. Biển số dùng di chuyển được cả Malaysia và Singapore.
Một khâu rất quan trọng trong quá trình làm thủ tục đó là cần chú ý đến giấy phép lái xe ô tô mình đang sử dụng. Hiện nay ở khu vực Đông Nam Á đều có thể sử dụng bằng lái xe gốc của Việt Nam. Vì giấy phép lái xe này đã có song ngữ.
“Tuy nhiên, trong chuyến hành trình dài đi qua nhiều nước. Vậy nên, kinh nghiệm của tôi là, chi phí đổi bằng không đắt, ta nên đổi bằng bản dịch của IAA sẽ sử dụng đc lâu dài (20 năm) áp dụng cho 192 quốc gia trên thế giới”, anh Phùng Thế Trọng nói.
Trong hành trình VIETNAM EV RALLY LẦN 2 cả đoàn thống nhất đi từ Việt Nam sang Campuchia, tiếp tục đến Thái Lan, vào Malaysia, sang Singapore, về Lào.

Sau khoảng 1 tháng chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, anh Trọng cùng các thành viên xuất phát từ Hà Nội tiến tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để nhập cảnh vào Campuchia.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km). Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h.

Trong quá trình di chuyển từ Hà Nội tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), thời tiết tiết nắng nóng khắc nghiệt, có những lúc xe sạc đầy pin chỉ chạy được 200km. Tuy nhiên, với hệ thống trạm sạc phủ rộng khắp và cùng với kinh nghiệm đi xuyên Việt nhiều lần khó khăn đã được khắc phục.

Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
Sau khi nhập cảnh vào Campuchia, trong những ngày lưu trú tại đây, đoàn đã có cơ hội khám phá Di tích Angkor và nghỉ ngơi tại Siem Reap (Xiêm Riệp) sau đó di chuyển tới cửa khẩu O Smach (Campuchia) để chuẩn bị nhập cảnh vào Thái Lan.
“Có một điểm khá bất ngờ đó là, mặc dù có kinh nghiệm sạc xe tại Campuchia (trước đó đã thực hiện hành trình 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia), song tại chi phí sạc xe tại một số trạm sạc quá đắt đỏ. Tại một trạm sạc chi phí sạc tính bằng số phút sạc, khoảng 500.000VNĐ cho 16 số điện. Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp đặc biệt. Trong cả chuyến hành trình chi phí sạc xe không quá đắt đỏ”, anh Trọng kể lại.

Sau 4 ngày di chuyển từ Hà Nội, Việt Nam, đoàn xe đã tới với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Một trong những điểm sạc xe điện tại Phnom Penh của Campuchia. Theo chia sẻ của anh Trọng, điểm sạc xe này có chi phí khá phù hợp, khoảng 9.000 VNĐ.

Nằm ở tỉnh Siem Reap, tây bắc Campuchia, Angkor Wat là quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo và linh thiêng. Các công trình ở đây ghi dấu nhiều thời kỳ thăng trầm lịch sử của triều đại Khmer, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15 với 72 ngôi đền lớn cùng với một số ngôi đền nhỏ nằm rải rác trong khu vực. UNESCO đã công nhận Angkor Wat là Di sản thế giới từ năm 1992. Nơi đây không chỉ là một biểu tượng về văn hóa, tín ngưỡng, di sản lịch sử mà còn có giá trị cao về mặt kiến trúc, khảo cổ cũng như nghệ thuật.

Quần thể di tích đền Angkor có đến trên 1.000 ngôi đền với kích cỡ và hình dáng khác nhau mang đậm phong cách kiến trúc Khmer. Các ngôi đền nổi tiếng là Angkor Wat và Angkor Thom, đền Bayon với vô số đồ trang trí điêu khắc.

Rời Campuchia, đoàn xe di chuyển tới Thái Lan. Thái Lan là quốc gia có tay lái nghịch, khiến cho các thành viên phải mất một khoảng thời gian để làm quen.

Rời Campuchia, tiếp tục 5 ngày lái xe, đoàn xe Vietnam EV Rally lần 2 đã đến Thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Khoảng cuối năm 2024, Tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International vừa vinh danh thủ đô Bangkok của Thái Lan là điểm đến du lịch có lượng khách quốc tế ghé thăm nhiều nhất thế giới.

“Với những đoàn xe lớn khi sang Thái Lan bắt buộc phải có xe dẫn đoàn. Tuy nhiên, bọn mình đăng ký theo dạng di chuyển cá nhân nên không bắt buộc phải có xe dẫn đoàn. Dù là được phép tự di chuyển mà không cần xe dẫn đoàn, nhưng việc di chuyển phải rất cẩn thận, nếu có va chạm dù to hay nhỏ đều rất phiền phức. Đặc biệt những va chạm có thương tổn đến con người”, anh Phùng Thế Trọng nói.

Theo anh Trọng, hệ thống giao thông ở Thái Lan, Malaysia, Singapore được xây dựng rất tốt. Phần lớn trên đường có phân cách cứng, không có những giao cắt phức tạp. Tuy nhiên, di chuyển ở tay lái nghịch, nên cần tập trung đi đúng làn đường. Khi tới các nút giao cắt nên chậm lại để có đủ thời gian phân tích vị trí nhập làn tiếp theo, vì nếu đi theo thói quen ở Việt Nam rất dễ bị nhầm vào hướng ngược chiều.

Khi di chuyển về các vùng quê sẽ gặp đường không có vạch phân cách cứng. Do vị trí vô lăng của xe mình bên tay trái, tim đường ở bên phải nên tầm nhìn sẽ bị bởi xe phía trước. Thông thường phải đi quá nửa xe sang làn đối diện thì vị trí người lái mới bắt đầu có tầm nhìn. Vì vậy, lưu thông trên đường tay lái nghịch và không có dải phân cách, các bạn mới đi lần đầu hãy hạn chế vượt xe hoặc phải đảm bảo có tầm quan sát với xe đối diện thì mới được vượt.

Một trạm sạc xe điện tại Phuket, Thái Lan. Trạm sạc này có công suất 120kw, khoảng 1 giờ 30' sạc xong chiếc Vf8 và khoảng 1 giờ sạc đầy Vf6.

Phuket nổi tiếng với nhiều bãi biển tuyệt đẹp, mỗi bãi biển mang một vẻ đẹp riêng.

Một số bãi biển đẹp ở Phuket có thể kể đến như: Bãi biển Patong là bãi biển nổi tiếng nhất với không khí sôi động và nhiều hoạt động giải trí. Bãi biển Kamala lại nổi tiếng với sự yên tĩnh, thanh bình, là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn thư giãn. Bên cạnh đó, còn có những bãi biển khác như Surin, Nai Harn, Bang Tao, Kata, Kata Noi, Laem Singh, Mai Khao, và Freedom Beach, mỗi bãi biển đều có những điểm đặc trưng riêng.

Ý thức người tham gia giao thông các nước rất tốt. Việc di chuyển tương đối dễ dàng, chỉ khoảng vài tiếng lái xe là có thể quen với cách di chuyển ở nước bạn. Lưu ý phải tập trung để tránh phản xạ lái xe bên thuận khi tham gia giao thông tại quốc gia có tay lái nghịch.

Một kinh nghiệm anh Trọng muốn chia sẻ, đó là ở Thái Lan khá cởi mở trong việc cho thuê xe ô tô tự lái cho khách du lịch. Họ có biển số riêng dành cho khách du lịch khi thuê xe tự lái, các bạn mới có thể qua Thái Lan du lịch, thuê xe lái trải nghiệm trước khi tự lái xe qua.

Vào tới đất Thái Lan, khó khăn và mệt mỏi đều được xoa dịu khi cả đoàn có dịp tham gia vào Lễ hội té nước Songkran – lễ hội truyền thống lớn nhất của Thái Lan.

Đến với Malaysia, cả đoàn đã thăm thủ đô Kuala Lumpua, check-in tòa tháp đôi nổi tiếng Petronas, đi thăm thành phố cổ Malacca và khám phá biển ở Kuantan.

Tháp Đôi Petronas được khánh thành vào năm 1996 bởi tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas. Công trình là biểu tượng đại diện cho sự phát triển vượt bậc của Malaysia trên trường quốc tế.

Một góc hệ thống giao thông tại Malaysia.

Theo anh Trọng, đây là con đường dẫn vào trung tâm Kuala Lumpur.

Phố cổ Malacca Malaysia là một thành phố cổ kính và xinh đẹp nằm ở phía nam thủ đô Kuala Lumpur, cách đó khoảng 150 km. Mất khoảng 3 giờ lái xe từ thủ đô.

Malacca là một thành phố cổ được hình thành do vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương hàng hải giữa các quốc gia cổ đại. Nhờ bờ biển tuyệt đẹp và hướng gió thuận lợi, thành phố cổ Malacca trở thành nơi cập bến của các tàu thuyền lớn và trở thành thương cảng sầm uất, sôi động qua nhiều thế kỷ.

Một cửa hàng bán cà phê và đồ ăn Việt Nam tại Malacca, Malaysia.

Kuantan nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp, thu hút du khách bởi cát trắng mịn, nước biển trong xanh và các hoạt động thể thao biển. Một trong những bãi biển đẹp nhất Kuantan là Teluk Chempedak (hay Palm Beach) với bờ cát trắng dài và nước biển xanh ngọc bích.

Một trạm sạc xe điện ở Ipoh, Malaysia.
Quốc gia thứ 5 mà đoàn ghé đến là Singapore. Đây cũng là lần đầu tiên các xe điện mang thương hiệu VinFast được chính chủ xe người Việt nhập cảnh và lăn bánh tại Singapore.
Rất nhiều người Singapore tò mò và đặt câu hỏi cho các thành viên trong đoàn: “Tại sao các bạn có thể đi ô tô được từ Việt Nam sang đây?”
(Vietnam EV Rally lần 2 tại Singapore)
Cuối cùng đoàn quay về Lào để nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), kết thúc hành trình 28 ngày rong ruổi với hơn 10.000km tại 6 quốc gia một cách an toàn.

Sau khoảng 25 ngày di chuyển từ Việt Nam, sang Campuchia, tới Thái Lan, sang Malaysia, tới Singapore, cả đoàn đã về tới Lào để nhập cảnh về Việt Nam. Quãng đường từ Singapore về Lào mất khoảng 10 ngày.

Sân bay quốc tế Wattay - Wattay International Airport hay còn có tên gọi khác là Sân bay Viêng Chăn, là 1 trong 2 sân bay quốc tế tại Lào. Đây cũng là sân bay lớn nhất của Lào. Du khách nước ngoài, trong đó có Việt Nam, khi mua vé máy bay đi Viêng Chăn sẽ đáp tại Sân bay quốc tế Wattay.

Đường tại Vangvieng, Lào. Theo anh Trọng, Vangvieng ẩn mình giữa mênh mông rừng núi như một nàng sơn nữ đang say giấc nồng giữa đại ngàn, Vang Vieng được biết đến là điểm đến không thể bỏ lỡ dành cho những người yêu thiên nhiên.
Tổng chi phí cho toàn hành trình đi qua 6 nước Đông Nam Á, 10.000km, 28 ngày với 8 người là hết khoảng 500 triệu đồng.
Còn về chiếc VinFast Vf 6, anh Phùng Thế Trọng cho biết, xe vận hành ổn định xuyên suốt hành trình: "Lúc chuẩn bị đi thì mình khá quan ngại về không gian của Vf 6, do có 4 người ngồi, chưa kể đồ đạc. Nhưng thực tế thì không đến mức vậy, công suất 170 mã lực vẫn đem lại cho mình cảm giác tự tin khi tăng tốc và vượt xe ở tốc độ cao dù 'full tải', trên những tuyến đường cao tốc có giới hạn tới 140-150km/h như ở Thái Lan hoặc Malaysia".
Còn vấn đề sạc ô tô điện tại những quốc gia này không quá phức tạp hay khó khăn, hiện đều có app (ứng dụng điện thoại) và thanh toán qua thẻ Visa nên rất thuận tiện. Khu vực Đông Nam Á đang trong giai đoạn phát triển xe điện, nên cũng không quá khó tìm trạm sạc công cộng.

Tuy nhiên với điều kiện nắng nóng và tải nặng, quãng đường thực tế của xe điện sẽ khó được như mức công bố của nhà sản xuất.
Ví dụ như chiếc VF 6, trong điều kiện thử nghiệm sẽ đi được tối đa 399km cho mỗi lần sạc đầy, nhưng trong hành trình của anh Trọng, chiếc xe chỉ đi được khoảng 300km. Việc này đòi hỏi các thành viên cần cân đối lịch trình và quãng đường đi sao cho hợp lý nhất.

Chuyến đi đem lại nhiều kỷ niệm cho các thành viên trong đoạn, nhưng câu chuyện về người bạn gặp tại các quốc gia.
"Không chỉ là các chủ xe gặp ở trạm sạc trên đường, mà các hội nhóm xe trên mạng xã hội của các nước đều bàn tán sôi nổi khi thấy đoàn xe VinFast xuất hiện tại quốc gia của họ. Một số youtuber của Thái Lan và Singapore cũng đã có video về hành trình của bọn mình, rất viral với hơn 600.000 lượt xem ở thời điểm hiện tại", anh Trọng chia sẻ.

Việc phượt xuyên các quốc gia bằng ô tô điện theo anh trọng là hoàn toàn khả thi.
Trong tương lai, anh Trọng và những người bạn có dự định tiếp tục thực hiện hành trình cùng chiếc xe điện của mình đi các nước. Sắp tới, có thể là cuối năm 2025 sẽ có hành trình sang Lào để xem giải đá bóng của nước bạn.
“Trước hành trình này, tôi đã tưởng tượng ra rất nhiều khó khăn khi đi xuyên qua 6 quốc gia, đặc biệt là người bạn đồng hành lại là chiếc xe điện. Nhưng thực tế lại đơn giản hơn rất nhiều, từ thủ tục nhập cảnh cho tới việc sạc điện. Vậy nên nếu cảm thấy việc đi du lịch trong nước đã quá quen thuộc hoặc chưa đủ thử thách, các bạn hãy cứ tự tin lên kế hoạch khám phá các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á bằng ô tô như chúng tôi. Thú thực, sau chuyến đi dài ngày nhưng rất thành công này, đầu tôi đang nhen nhóm những cung đường xa hơn cùng chiếc xe điện của mình” – Phùng Thế Trọng.