Ý văn học

Cụm từ “ý văn học” được cho là có xuất phát từ các bạn học trong các trường đại học khối Khoa học xã hội, báo chí – truyền thông – văn học.

"Con bé đấy nó nói mà tao chả hiểu ý văn học của nó là gì!"

"Thôi, em nói rõ ràng đi, đừng nói kiểu ý văn học đấy anh không đoán được đâu!"

"Nói theo ý văn học thì mọi chuyện xảy ra đều mang đến cho chúng ta những bài học tốt đẹp nhé! Còn nói thật thì nó không trả tiền cho cậu đâu mà hi vọng!"

Bạn đã bao giờ nghe thấy cụm từ “ý văn học” trong giao tiếp thông thường chưa? Nếu đã từng dùng từ này thì chắc hẳn bạn là một người làm trong lĩnh vực marketing - truyền thông, hoặc là bạn thường giao tiếp với những người bạn làm trong lĩnh vực này.

 Ảnh nh họa 

Cụm từ “ý văn học” được cho là có xuất phát từ các bạn học trong các trường đại học khối Khoa học xã hội, báo chí – truyền thông – văn học. Ban đầu, nó có ý nghĩa để hỏi vặn lại các trường hợp nói năng, diễn đạt lòng vòng, khiến cho người nghe không hiểu người nói muốn gì.

Điển hình như một câu trai trẻ đi tán gái nhưng lúng túng, lắp bắp, nói không rõ ý, đến nỗi mà anh bạn thân phải nói thẳng với cô gái rằng: Ý văn học của nó là nói yêu em đấy!

Hay như trong trường hợp khác, khá điển hình của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên ngoại tỉnh về học tại các thành phố lớn. Cuối tháng hết tiền nhưng đi hỏi bạn bè phải viện ra rất nhiều lý do lòng vòng. Đến nỗi bạn bè phải gút lại rằng: Ý văn học của mày là vay tiền đúng không? Vay bao nhiêu?

Cụm từ này cũng được phổ biến hơn, khi được sử dụng trong một số clip viral trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là youtube và tiktok. Thường thì nội dung các clip này có đoạn mở đầu và đoạn kết thúc khác nhau, kiểu “bẻ lái”, tạo nên yếu tố đột ngột, hấp dẫn.

Người xem đang hiểu một đằng, hoặc thậm chí là chẳng hiểu gì, thì kết luận rằng “ý văn học là…” có thể lại một nẻo khác, hoặc là một kết luận đơn giản đến bất ngờ. Bởi vậy mà cụm “ý văn học” là thường hay được gắn thêm một câu cảm thán: Văn vở quá cơ!

Vậy theo bạn, “ý văn học” của chương trình hôm nay là gì nào?