Xuất bến chỉ một vài khách, nhà xe than trời

Hiện nay, đang trong giai đoạn cao điểm vận tải hành khách cuối năm, tuy nhiên một số nhà xe chuyên tuyến Yên Bái – Hà Nội, Phú Thọ - Hà Nội khi xuất bến lượng khách lại rất èo uột, cá biệt có xe xuất bến trên xe chỉ có 2 khách.

Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với một số lái xe, nhân viên nhà xe để tìm hiểu lý do vì sao lượng khách lại ít như vậy? 

PV: Mở đầu câu chuyện, mời các bác tài hãy chia sẻ tình hình khách thực tế của nhà xe trước khi xuất bến!

Anh Thảo (nhà xe chuyên tuyến Yên Bái – Mỹ Đình (Hà Nội): Lượng khách bây giờ rất hạn hẹp, chỉ rơi vào từ 3-5 người khi xuất bến nên chi phí trên đường, chi phí cho một cái xe vận hành rất là lớn.

Ví dụ, như ngày trước mình chạy xe to, bây giờ lượng khách ít quá phải chuyển sang xe bé. Trung bình một xe bé này rơi vào 2.500.000 VNĐ/ ngày đi làm, xe 16 chỗ.

Anh Dũng (lái xe khách của Hợp tác xã Vận tải Hồng Hà, nhà xe Quý Huệ, chạy tuyến Thanh Sơn (Phú Thọ) – Mỹ Đình): Có khi xuất bến không được người nào, hôm nào dịp cuối tuần nó cũng được 2-3 người xuất bến, ngày lễ, ngày tết cũng chỉ đạt 20-30% số lượng khách so với trung bình mọi năm.

Anh Chuyển (lái xe Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng (Yên Bái), chuyên tuyến Nước Mát (Yên Bái) – Mỹ Đình (Hà Nội): Nói chung, những ngày xe từ Mỹ Đình (Hà Nội) về Yên Bái, nếu đông có khoảng 10 người, ít thì 6 - 7 người, lượng khách rất ít. Đông nhất là ngày cuối tuần, có thể 20 người, còn không khoảng 10 người đổ xuống.

Thực sự giờ gọi là duy trì, cố gắng, cố gắng để giữ thôi vì giờ có lốt rồi, giờ cắt lốt đi thì phương tiện không có nguồn thu, con người không có việc làm, nhưng vẫn cố gắng duy trì phục vụ những ngày cuối năm.

Nhiều nhà xe cho biết, kể từ sau Covid-19, lượng hành khách đa sụt giảm đi rất nhiều

PV: Theo các bác tài nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng ít khách như thế này? Mời bác tài Thảo và bác tài Chuyển chuyên tuyến Yên Bái – Hà Nội!

Anh Chuyển: Nói đúng ra là sau đợt COVID và nảy sinh ra cái xe ghép thì đối với các doanh nghiệp các bến xe rất khó khăn, hạn chế về lượng khách. Chính vì hạn chế về lượng khách thì như bên công ty người ta, từ 10 lốt xe chạy/ngày mà bây giờ cắt đi có ngày chạy được 3 lốt thôi.

Chính vì xe ghép mọc ra, nên áp lực với công ty, các nhà xe ở trong bến giờ gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Thảo: Xe của chúng tôi bây giờ đã nộp thuế cho Nhà nước rồi, nhưng rất áp lực với các xe ghép, xe tiện chuyến đấy, người ta thì cứ có một cái nhóm Zalo nào đó, xong rồi hành khách muốn đi, người ta giải số điện thoại, xong khách gọi thì người ta đến nhà khách đón, xe từ 4-7 chỗ, biển màu trắng.

Rất gây áp lực cho xe tuyến đã nộp thuế cho nhà nước rồi nhưng giờ làm ăn rất khó khăn.

PV: Thế còn tuyến Hà Nội – Phú Thọ.

Anh Dũng: Theo mình chạy xe khách tuyến cố định, mình bị ảnh hưởng nhiều nhất là xe dù, xe ghép và xe limousine. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nói chung và nhà xe nói riêng, doanh nghiệp bị thất thoát, còn nhà xe không đủ tiền trả lương lái, lương phụ.

PV: Rất thấu hiểu sự khó khăn này của các nhà xe! Qua đây các nhà xe có mong muốn gì gửi tới ngành chức năng?

Anh Chuyển: Mình là lái xe, mình cũng mong rằng Nhà nước có quy định, quản lý, nếu là xe ghép cũng phải có quy định của Nhà nước, làm đúng quy trình.

Nếu người ta vào một công ty thì cũng dễ quản lý, còn nếu người ta không vào công ty mà “trá hình” thì cơ quan nhà nước có biện pháp ngăn chặn.

Anh Dũng: Mình mong muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lực lượng chức năng có biện pháp để dẹp xe dù, xe ghép và xe “cò quay” ở ngoài.

Anh Thảo: Mình mong muốn cơ quan chức năng làm mạnh tay về xe ghép, xe tiện chuyến.

PV: Còn đối với hành khách, các bác tài có chia sẻ gì? Mời anh Chuyển!

Anh Chuyển: Mình chỉ nghĩ rằng hành khách cố gắng vào bến, đi xe của bến, có bến đến, bến đi, có bảo hiểm thì hành khách an toàn hơn nhiều. Ví dụ như xe nhà mình, khi khách lên khách có quyền lợi đầu tiên là không phải chen chúc nhau, mỗi hành khách một ghế, không phải chèn ép ngày lễ.

Cái thứ hai là bảo hiểm xe, như xe chính quy trong bến, rồi doanh nghiệp quản lý, thì có bảo hiểm 100% đối với hành khách, trên xe có nhân viên phục vụ đúng quy trình của bến xe, cũng như doanh nghiệp, giá vé niêm yết rõ ràng, không tăng giá vé đối với hành khách trong ngày tết.

PV: Rất cảm ơn những chia sẻ của các bác tài!

Một chuyến xe chỉ có 2 khách

Qua cuộc trò chuyện, chúng ta đã phần nào hiểu được sự khó khăn, áp lực hiện tại của xe vận tải hành khách tuyến cố định. Trong lúc chờ các cơ quan chức năng có phương án xử lý đối với loại hình xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình,… hành khác nên vào bến xe mua vé, sử dụng những xe vận tải hành khách đã được nhà nước công nhận và bảo vệ để đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho chính bản thân mình, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm với TTATGT!