Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý shipper vi phạm giao thông. Người dân thủ đô cũng mong muốn tương tự trước tình trạng shipper thường xuyên chở, móc hàng hóa cồng kềnh; dừng đỗ, giao nhận hàng chiếm dụng lòng, lề đường...

Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với người tham gia giao thông trong chuyên mục hôm nay về góc nhìn của họ với những người giao hàng hóa. 

Xin chào chị, mời chị giới thiệu một chút về mình?

Chị là Tô Thúy Hằng, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Vâng, thương mại điện tử phát triển, shipper ngày càng nhiều và nhiều người trong số họ thường xuyên vi phạm luật giao thông như chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh, vừa đi vừa dùng điện thoại,... Gặp những trường hợp như vậy thì chị cảm thấy thế nào?

Nói chung là cũng “rén” (cười). Mình đang đi mà người ta cứ phóng vèo vèo thì mình cũng sợ là mất an toàn.

Hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Chu Đức

Vâng, theo chị cần xử lý thế nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Vi phạm giao thông là điều không ai mong muốn cả, mọi người sẽ đều cảm thấy khó chịu. Nói về shipper đôi khi chị cũng đặt mình ở vị trí người ta, lượng hàng trong sọt nhiều, cứ đến nơi mới gọi điện cho khách để lấy hàng thì mất công gọi, mất công chờ.

Có những khách không nhận ngay, có những khách không nghe máy ngay, thế nên các bạn ý phải tranh thủ đi trên đường gọi rồi đến nơi khách ra lấy, để các bạn ý còn di chuyển đến điểm khác. Thôi thì thông cảm cho các bạn ý.

Vâng, nhưng an toàn khi tham gia giao thông vẫn là yếu tố phải đặt lên hàng đầu. Vi phạm phải được xử lý để tạo tính răn đe chứ ạ?

Cũng hợp lý thôi, những trường hợp nào quá đương nhiên là không tốt rồi. Nói chung là cũng có xử lý, nhắc nhở nhưng tinh thần là làm sao để các bạn ý đảm bảo an toàn

Vâng, cảm ơn chị rất nhiều!       

Một trong những vi phạm phổ biến là chở khách đi ngược chiều... Ảnh: Phúc Tài

Bên cạnh một số ý kiến thông cảm với công việc của shipper thì nhiều người tham gia giao thông khác cho rằng cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng vi phạm phổ biến hiện nay.     

Mình thấy shipper chở hàng cồng kềnh, lúc người ta đi đến địa điểm để giao hàng thì người ta có thể đi rất nhanh theo kiểu không cần biết đến ai cả, rất nguy hiểm cho những người đi xung quanh. Có lần mình nhắc một bạn shipper thì bạn ý bảo: anh là CSGT à.

Mình bảo: "Tôi không phải CSGT nhưng bạn vừa đi, vừa dùng điện thoại thì làm ảnh hưởng mọi người." Bạn ý không nói gì, lườm mình một cái rồi cứ đi. Nói chung rất là bực mình nhưng lái xe lâu năm rồi, mình chỉ nhắc người ta thôi còn đâu cố gắng cảnh giác hết mức có thể.

Vâng, không chỉ “tung hoành” trên đường phố, không ít shipper còn chiếm dụng vỉa hè để bày rất nhiều hàng ra rồi ngồi gọi điện cho khách đến lấy.

Mình thấy hình ảnh đấy không đẹp. Có thể bạn cứ để hàng trên xe, đến chỗ nào không ảnh hưởng ai cả thì có thể gọi điện. Thế nó đẹp hơn là các bạn cứ rải hết ra vỉa hè.

Vâng, TP.HCM vừa có đề nghị tăng cường xử lý shipper vi phạm giao thông. Với các lực lượng chức năng ở Hà Nội thì anh có mong muốn gì?

Phải xử lý nghiêm để không để ảnh hưởng người tham gia giao thông khác. Ai cũng phải mưu sinh, nhưng mình mưu sinh để không ảnh hưởng ai cả thì là tốt nhất.

Ví dụ mình đi xe trên đường mà có một cuộc điện thoại, phải dừng hẳn xe lại mới dám nghe, chứ không thể vừa đi vừa nghe, một tay lái một tay điện thoại, nó mất tập trung. Pháp luật như thế nào thì xử lý như thế thôi, đã quy định mà anh vẫn cố tình vi phạm thì phải xử lý.

Vâng, cảm ơn anh với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!         

...hoặc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Ảnh: Phúc Tài

Bên cạnh những shipper thường xuyên vi phạm giao thông thì tất nhiên vẫn có những người giao hàng nghiêm túc tuân thủ các quy định nhưng phải chịu chung điều tiếng từ những người vi phạm.

Để chấn chỉnh, tạo sức răn đe và thay đổi hình ảnh đội ngũ shipper, ngoài việc ra quân xử lý nghiêm của các lực lượng chức năng thì không thể thiếu trách nhiệm của các đơn vị giao nhận hàng hóa trong việc bố trí thùng đựng hàng đúng kích thước quy định, thường xuyên nhắc nhở tài xế tuân thủ luật giao thông và có biện pháp kỷ luật, thậm chí sa thải nếu vi phạm nhiều lần.