Xin hỏi đường ở đâu?

Giao thông ngày càng hiện đại, lái xe có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào ứng dụng chỉ đường nhiều hơn. Nhưng nếu một ngày phố phường vắng những tiếng hỏi han tìm đường và chỉ đường, đó có thể là một sự tiếc nuối. Bởi khi ta hỏi, cái nhận được đâu dừng lại ở sự trả lời.

"Nhiều đường làm sao nhớ hết, vẫn phải dùng bản đồ thôi".

"Em đi học vẫn phải dùng bản đồ vì không nhớ rõ ở chỗ nào".

PV: Có khi nào nó chỉ một đằng mà mình đến lại ra chỗ khác không?

Có, nó chỉ một đường nhưng em đi lại ra chỗ khác.

Ví dụ mình dùng bản đồ mà đến nơi rồi không thấy thì vẫn phải hỏi người dân. Nhất là trong ngõ hoặc địa chỉ bị sai.

Đi bộ một quãng trên hè, bạn cứ để ý mà xem. Những người mới lái ô tô, những cô cậu sinh viên từ quê ra Hà Nội học, hoặc lái xe ở nơi khác về, sẽ vừa đi vừa nhìn bản đồ, vừa chạy tà tà bên đường để tìm biển tên, số nhà.

Người giao hàng thì lại càng phụ thuộc vào bản đồ. Họ sẽ vừa căng mắt nhìn, căng tai nghe, lại vừa vất vả đối chiếu xem đã khớp  hay chưa.

Nhưng lệ thuộc vào máy móc công nghệ, khách hỏi đường cũng gặp nhiều phen… cắc cớ. Đó là lúc bản đồ vệ tinh chưa kịp cập nhật, hoặc đường một chiều - hai chiều, nhà một nơi,  biển tên một nẻo, nhà trong ngõ, trong khu đô thị mới mênh mông. Chưa kể, điện thoại có lúc hết pin, internet đôi khi trục trặc.

Tìm đường nhờ ứng dụng sẽ phải vừa căng mắt nhìn, căng tai nghe (Ảnh nh họa)

Gần 70 năm sống ở phố Quán Thánh, chứng kiến bao sự đổi thay của đường sá và cách đi đường, ông Nguyễn Đức Lượng thấy sự hỏi đường cũng nhiều thay đổi:

"Tâm lý hỏi ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa chưa có google map người ta hỏi bằng lòng mong đợi thật sự. Còn bây giờ chỉ có người ở quê ra hoặc không có điều kiện sử dụng công nghệ thì người ta hỏi thôi. Hỏi google là kiểu hỏi công nghệ. Còn hỏi 1 người trên đường, bác ơi ông ơi phố Quán Thánh, Phố Hoàng Văn Thụ ở đâu… nó rất khác về tâm lý. Có người hỏi xong thì cảm ơn. Có người thì rồ máy đi luôn…"

Dù có hay không một lời cảm ơn, thì khi giúp được ai đó, ông Lượng đều cảm thấy vui một cách thật thà, và chẳng chấp nhặt làm gì sự vội vàng của lữ khách. Cũng từ tình huống chỉ đường, ông nắm chắc hơn tình hình con phố mình, ai ra ai vào, nhà ai có việc…. để giúp nhau, xúm xít nếu cần.

Qua một cuộc hỏi đường, bạn không chỉ tìm ra điểm đến, mà còn biết nhiều thông tin thú vị bên lề. Bởi không giới hạn trong vài câu hỏi đáp, nó còn là giao tiếp xã hội, mang đầy đủ cảm xúc, tâm trạng của cuộc sống đời thường.

Nó mang sự đáng yêu của giọng nói, phong vị, phong cách người dân địa phương. Dẫu chưa tìm ra địa chỉ, nhưng ít nhất, bạn cũng thấy ấm lòng bởi sự nhiệt tình và sự động viên, an ủi.

Hỏi đường là cơ hội rất tốt để bạn rèn luyện khả năng diễn đạt, mô tả nhu cầu. Vì hỏi mà rối rắm lôi thôi, người nghe không biết lối nào để chỉ.

Đó cũng là dịp để bạn rèn luyện khả năng phán đoán, nhận định. Giữa nhiều người có thể hỏi, hỏi ai cho trúng, dừng xe ở đoạn nào để có thể kiếm được người chỉ tiềm năng… đều là những kỹ năng đáng giá.

Ngày xưa, khi dạy tìm đường, ông bà chỉ dặn mỗi một câu: “đường trên ệng”. Bây giờ, đường trên điện thoại, trên màn hình ô tô, trên đủ thứ thiết bị điện tử. Nhưng đi bộ trên hè, bạn sẽ thấy, rất nhiều tình huống, người ta vẫn phải cậy đến con người, khi thiết bị và ứng dụng bó tay.

Những kinh nghiệm đúc kết từ xưa không hề lạc hậu.

Những sự gắn bó, cố kết cộng đồng chưa bao giờ bớt giá trị

Những  sự quan tâm, chia sẻ trực tiếp giữa người với người không gì thay thế được, dù công nghệ và thiết bị có hiện đại đến đâu.

Phố phường như ấm cúng hơn, gần gụi hơn, từ những cuộc hỏi thăm đường của người qua phố.