Xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt gấp 6 lần

Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó, Ban soạn thảo đã đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt đối với người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ.

Người tham gia giao thông nghĩ gì về mức phạt này? Liệu mức phạt tăng lên đáng kể như vậy có góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm, vượt đèn đỏ? Hãy cùng VOVGT trò chuyện cùng người tham gia giao thông tại nút giao Nguyễn Thái Học – Lê Duẩn (Hà Nội) để tìm hiểu:

Chào anh, anh có thể giới thiệu một chút về mình?

Tôi là Phan Công Giang, tôi là kiến trúc sư và ở Hoàn Kiếm.

Anh có thường xuyên chứng kiến người tham gia giao thông vượt đèn đỏ tại nút giao này không?

Tôi thường xuyên chứng kiến.

Theo anh, có những nguyên nhân nào khiến người tham gia giao thông vượt đèn đỏ? Vì nắng nóng, vì công việc vội, hay còn lý do nào khác?

Như tôi trực tiếp quan sát và tôi cũng để ý, có hể vì lý do cá nhân người ta có sự vội vàng, nhưng tôi quan sát, đa phần là do nhịp tín hiệu đèn không hợp lý. Nhịp tín hiệu hơi bị cứng nhắc.

Theo quy định, mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ đang là 800 nghìn đến 1 triệu đồng, theo anh có quá nhẹ?

Theo tôi là hợp lý, không nhẹ. Tôi cũng có nhiều anh em, bạn bè tâm sự, trong nhiều trường hợp nếu bị bắt, xe của họ chỉ giá trị 4-5 triệu, mà bị phạt 1 triệu, thậm chí còn bị tạm giữ bằng lái xe thì họ còn bỏ xe, chấp nhận mất xe.

Anh Phan Công Giang, kiến trúc sư, cho rằng mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ đang là 800 nghìn đến 1 triệu đồng là hợp lý, còn việc tăng mức phạt quá cao sẽ thiếu hiệu quả

Hiện nay Bộ Công an đang đề xuất nâng mức phạt với hành vi này lên từ 4-6 triệu đồng. Đón nhận thông tin này anh thấy thế nào?

Tôi thấy rất nặng, vì đa phần người điều khiển xe máy thì phương tiện đó là phương tiện để họ kiếm kế sinh nhai. Tôi quan sát, để ý thì những cái xe phục vụ công việc của họ đều có giá trị rất thấp. Do vậy, tôi nghĩ nếu mức phạt như vậy, họ sẽ bỏ xe. Họ bỏ xe thì sẽ gây nhiều hệ lụy của xã hội vì chúng ta thu giữ xe, sau một thời gian chúng ta mới xử lý được cái xe tạm giữ như vậy.

Bản thân tôi đang đi cái xe trị giá khoảng 6 triệu đồng, nếu mức phạt như thế thì tôi cũng sẵn sàng mất xe.

Theo anh, liệu nâng mức phạt hành vi vượt đèn đỏ, liệu có ngăn chặn được tình trạng vi phạm?

Tôi nghĩ là không, vì là tình trạng giao thông của Hà Nội chúng ta còn nhiều bất cập, nhiều điểm tắc nghẽn, các phụ huynh, các công nhân viên chức bị áp lực thời gian nên tôi nghĩ tình trạng này vẫn xảy ra.

Theo anh cần có thêm những hoạt động gì để chấm dứt tình trạng vượt đèn đỏ?

Theo tôi, thời đại 4.0, chúng ta nên áp dụng AI để tự động đếm giây, đếm lượt xe để phân phối theo các chiều giao thông cho hợp lý.

Ngoài ra, phương tiện giao thông công cộng phải nâng cấp lên. Như tôi chứng kiến nhiều xe bus, ví dụ như đường từ Núi Trúc đi ra Kim Mã được phép rẽ phải, nhưng các xe ô tô hay xe bus thường đỗ hàng ngang và chắn hết, các xe máy ùn ứ lại.

Hay như đường Phủ Doãn, hai bên là hai hàng xe taxi dừng đỗ trái phép, mà không thấy lực lượng chức năng giải quyết thì xe bus đi hai chiều là tắc hết ở đấy.

Vâng, xin cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện cùng chương trình.

Ảnh: Chu Đức

Tại Hà Nội, từ đầu tháng 7/2024, cơ quan chức năng đã thí điểm phạt nguội xe máy qua camera tại 2 nút giao trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển xe máy vi phạm lỗi vượt đèn đỏ vẫn khá phổ biến. Hành vi này nguy cơ rất cao dẫn tới tai nạn giao thông.

Theo lý giải của Bộ Công an, hiện nay, hệ thống giám sát giao thông tập trung xử lý chủ yếu đối với tài xế ô tô vi phạm. Trong khi đó, việc phạt nguội với mô tô, xe máy chưa thực hiện được bởi số lượng xe máy sang tên, đổi chủ còn ít và loại phương tiện này cũng chưa bị ràng buộc về đăng kiểm.

Bởi vậy, việc nâng mức phạt là cần thiết để ngăn chặn, giảm thiểu hành vi này.