Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng cũng vận động thương binh, bệnh binh, người khuyết tật ký cam kết không sử dụng xe ba, bốn bánh để vận chuyển hành khách, hàng hóa, không cho người khác thuê, mượn sử dụng xe ba, bốn bánh, đặc biệt là các đối tượng giả danh thương binh.

Vậy người trong cuộc nghĩ gì về vấn đề này?

Có mặt trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đứng cạnh PV là chú Nguyễn Phi Thường, sinh năm 1957, từng tham gia chiến trường K, thương binh loại A, thương tật hạng Bốn. Khi được đề nghị cho xem giấy tờ và sổ nhận tiền chính sách, chú rất cởi mở và sẵn sàng.

Thưa chú, chú sử dụng xe ba bánh này vào những việc gì hàng ngày?

Tôi chuyên chở các thứ khi khách chuyển nhà, chuyển đồ. Nói chung người ta thuê chở bất cứ đồ gì, ví dụ như két sắt đôi tạ mà họ không chở được thì họ nhờ mình.

Ông Nguyễn Phi Thường (bên trái), thương binh bị thương tật hạng Bốn (ở Mai Động, Hoàng Mai) bức xúc trước hiện tượng giả thương binh trên đường phố Thủ đô.

Thu nhập của chú như thế nào?

Vấn đề này khó nói lắm. Mang tiếng chạy xe ba bánh, có ngày 3-4 chuyến là được 1 triệu đồng. Nhưng có khi 1 tuần lại chẳng có chuyến nào.

Tiền trợ cấp của chú thì sao?

Trợ cấp 1 tháng không được nổi 1 triệu rưỡi, khoảng một triệu ba trăm tám mấy nghìn đấy. Mà nâng rồi mới được thế.

Nghe đâu tháng 7 này nâng tiếp, không biết có được 2 triệu không. Thế thì hỏi rằng, sống kiểu gì?

Có lẽ thu nhập thấp và không đều đặn nên có nhiều người lấy xe ba bánh để mưu sinh. Xin hỏi chú là hiện nay thành phố đang tăng cường kiểm tra hành vi chở hàng cồng kềnh, không đảm bảo an toàn giao thông của người điều khiển loại xe này, đặc biệt là xe giả thương binh. Quan điểm của chú như thế nào về việc này?

Tôi rất ủng hộ tinh thần của cảnh sát giao thông về việc mạnh tay xử lý xe ba bánh không phải thương binh. Còn riêng với những người là thương binh có thẻ, có chế độ cần giúp đỡ, tạo điều kiện, vì cuộc sống mưu sinh thôi.

Nếu họ có điều kiện, có tuổi rồi thì ở nhà đánh cờ, tham gia thể thao cho khỏe, chứ ai muốn đi làm. Tôi may mắn là chưa bao giờ bị công an hỏi. Nhưng nếu mình được hỏi, kiểm tra thì tôi cũng chấp hành thôi.

Chú có thể nói rõ hơn về hiện tượng giả thương binh?

Trường hợp đấy phải xử phạt nặng. Cơ quan chức năng mà thấy có một đám đông thương binh thì cần hỏi đấy có phải thương binh không. Nếu không thì gô lại ngay. Còn nếu thương binh thật cần đến hỏi nguyên nhân, cái gì cũng có lý do.

Đài báo nói nhiều năm nay rồi. Những kẻ không đi bộ đội cũng thành thương binh, không có vết thương nào cũng nhận mỗi tháng mấy triệu đồng tiền nhà nước. Phải truy lĩnh lại số tiền ấy. Tôi là thương binh thật đây này, mỗi tháng có hơn triệu, mà đội giả lại tháng lĩnh mấy triệu.

Tôi thấy rất bất công, pháp luật ở đâu để xảy ra như thế. Ngô khoai lẫn lộn! Người giả người thật như nhau, mà người giả còn lĩnh hơn người thật.

Vâng, quả thật hiện tượng này cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Trước đây, Hà Nội từng có lộ trình loại bỏ dần xe cải tiến, xe 3 bánh không đạt tiêu chuẩn lưu thông trên đường vì không được kiểm định an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Chú có đồng tình với định hướng này?

Bây giờ, cái xe ba bánh là phương tiện đi lại cho các đồng chí thương binh không lành lặn, ví dụ tay chân yếu thì đi cho không đổ xe. Nhưng mà vì cuộc sống người ta kết hợp cả kiếm tiền, phục vụ chở khách, chở đồ gọn nhẹ.

Nếu xét thấy xe tự chế này không đảm bảo thì ta có thể thu hồi lại, và bán cho người ta xe đảm bảo hơn, và có hỗ trợ bằng tiền. Đấy là quan tâm thực tế. Ví dụ xe gióng thế này cũng phải 40 triệu, giờ bán cho người ta xe chuẩn 60 triệu thì trợ cấp cho người ta 20 triệu.

Tạo điều kiện cho người ta đi an toàn, có điều kiện tăng thu nhập. Xe vừa là phương tiện đi lại, vừa là cần câu cơm. Nếu không cho đi nữa thì triệt đường sống của người ta.

Cảm ơn những chia sẻ của chú!

Thành phố Hà Nội từng có lộ trình loại bỏ dần xe tự chế, xe ba bánh cũ nát, và có chính sách chuyển đổi nghề cho người lái loại xe này. Tuy nhiên, nhóm được hỗ trợ chuyển đổi lại chưa chủ động tham gia.

Trước đây Hà Nội đã có định hướng loại bỏ dần xe tự chế, xe ba bánh cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn khi lưu thông trên đường. Và thực tế, thành phố cũng đã có chính sách để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những người lái xe này, bao gồm cả các thương binh.

Nhưng những người thực sự trong nhóm được chuyển đổi lại chưa chủ động, vẫn đang mưu sinh bằng phương tiện này. Ở trong một số cuộc trò chuyện với thương binh khác, VOV Giao thông cũng nhận được câu trả lời: Họ sẵn sàng chuyển đổi, tuy nhiên với một cơ chế hỗ trợ đột phá hơn.