Xây thêm cầu nhưng đừng “nhồi” chung cư

Thực trạng quá tải gấp nhiều lần lượng xe được thiết kế đang khiến các cây cầu ở nội đô Hà Nội trở nên “khó thở”. Việc xây dựng các cây cầu mới bắc qua sông Hồng là một nhu cầu hết sức cấp bách, phù hợp với định hướng phát triển thành phố bên kia sông.

Hà Nội là thành phố ven sông Hồng, nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế đôi bờ và liên vùng ngày một tăng cao. Tuy nhiên, hiện chỉ có 6 cây cầu hiện hữu trong nội thành, trong đó 1 cầu Long Biên dành cho người đi bộ và xe 2 bánh; 4 cầu Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thanh Trì lại nằm trên đường vành đai, cửa ngõ, còn lại cầu Chương Dương cũng thường xuyên ùn tắc.

Việc xây dựng những cây cầu mới rất cấp bách và đã được Hà Nội dự kiến trong quy hoạch. Góc nhìn, mong mỏi của người dân như thế nào về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Thắng và anh Nguyễn Tùng, những cư dân sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, ngay sát công trình dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. 

Cháu chào chú, chú có nắm được thông tin Hà Nội hiện đang có bao nhiêu cây cầu không ạ?

Có chứ. Hiện tại, bây giờ nếu tính Hà Nội từ Sơn Tây đổ xuống đây, kể cả cầu Trung Hà, đến cầu Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. 9 cầu.

Nếu tính trong nội thành thì là 6 cầu.

Đúng, 6 cầu.

Trong số các cầu mới, nơi chúng ta đang đứng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được gấp rút xây dựng, dự kiến quý III năm sau sẽ hoàn thành, chú có kỳ vọng gì vào cây cầu mới này?

Nói chung, nếu Vĩnh Tuy 2 mà xây xong thì lưu thông chắc chắn sẽ thông thoáng hơn. Cổng Times City có đèn xanh đèn đỏ không cho cắt ngang mà đi vòng thì sẽ thoáng.

Lượng lưu thông sẽ đi thẳng, chứ có xuống đâu. Nếu tắc thì chỉ sợ tắc chỗ xuống Ngã Tư Sở thôi, còn đường vòng sau này, họ mở thế nào thì chú không biết được.

Như vậy, dự án sẽ gỡ được nút thắt hai bên đầu cầu Hai Bà Trưng và Long Biên. Theo chú, Hà Nội liệu có thiếu cầu không. Vì Hà Nội là thành phố ven sông nhưng chiều dài hàng chục km chỉ có 6 cây cầu. Con số này có đủ cho người dân?

Hiện tại bây giờ, số cầu bây giờ nếu có đường vòng, lên xuống đầy đủ thì tương đối gọi tạm ổn. Nhưng Đảng và Nhà nước bắc thêm 1-2 cây cầu nữa thì dân đi lại càng thanh thoát hơn, càng dễ dàng hơn.

Vâng, cháu cảm ơn chú.

Đầu cầu Vĩnh Tuy hướng về phía trung tâm bị quây kín bởi rừng chung cư dày đặc.

Tôi sẽ hỏi thêm một người dân nữa. Chào anh, Hà Nội dự kiến sẽ xây thêm 10 cầu vượt sông Hồng nữa. Anh nghĩ sao về việc này?

Có 10 vẫn tắc. Anh nói với em vẫn tắc. Nếu cứ quá tải bên trong này, sáng người ta cùng phải đi, cùng phải về thì nó tắc. Anh nói với em này, vì sao thế, ngày xưa ít cầu, vành đai 3 này trên Mỹ Đình có mấy nhà đâu thì đi giờ nào cũng thoáng đường.

Nhưng bây giờ cả vành đai 3 đều tắc. Bây giờ Mỹ Đình cứ làm nhà mấy chục tầng, có tòa bảy mấy tầng, bao nhiêu vạn người ở đấy.

Có một thực trạng là cứ sau khi xây cầu xong là ở hai bên đầu cầu, đường dẫn bị quây bởi các chung cư. Xây dựng ở mình thường tập trung vào cửa ngõ và các cây cầu.

Các ông làm thế nào vẫn cứ tắc. Có phải xây cái tờ giấy, vẽ ra thành cái nhà đâu. Còn phải bao nhiêu năm giải tỏa nữa chứ. Tại sao chỗ Long Trọng Tấn cầu rất thông, mọc lên hai bên nhà mấy chục tầng, hành lang không có, liếm hết cả hành lang của người ta.

Nói chung khó xử lý lắm, bây giờ phải tống hết nhà cao tầng ra bên ngoài, không đưa vào đây nữa thì may ra mới được.

Dạ vâng, cảm ơn anh!

Thực trạng quá tải gấp nhiều lần lượng xe được thiết kế đang khiến các cây cầu ở nội đô Hà Nội trở nên “khó thở”. Việc xây dựng các cây cầu mới bắc qua sông Hồng là một nhu cầu hết sức cấp bách, phù hợp với định hướng phát triển thành phố bên kia sông.

Tuy nhiên, như ông Thắng và anh Tùng chia sẻ, có thêm cầu là điều rất tốt, song công tác quy hoạch xây dựng tại đôi bờ, các tuyến đường dẫn lên cầu cần được nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc, tránh hiện tượng điều chỉnh quy hoạch, dồn cục dân số, phát sinh thêm các điểm ùn tắc mới.