Xa rồi những chuyến đò dọc miền Tây

Ở miền Tây Nam Bộ, nơi mạng lưới sông ngòi chằng chịt, đã có một thời, đường sá, lộ làng là thứ gì đó xa xỉ nên cứ hễ đi đâu xa xa, người ta lại trông cậy vào những chuyến đò.

Vậy là những chiếc đò dọc khi ấy trở thành lựa chọn hàng đầu, là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con.

Không ít người chọn chạy đò, đi đò như cái duyên, cái nghiệp của mình. Ngày nay, đường bộ phát triển, đò khách lùi vào dĩ vãng... và hình ảnh những con đò trên sông vẫn hằn sâu trong ký ức thân thương bao người. 

Ảnh nh họa: bienphong.com.vn

Tìm về hoài niệm của những chuyến đò dọc bến sông quê, chúng tôi may mắn được gặp ông Võ Văn Út Ba, ngụ huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, người có thâm niên làm nghề chạy dò dọc hơn 25 năm. Ông Ba là thế hệ thứ 2 trong gia đình theo nghề này.

Con đò rộng 3m, dài 19m, trọng tải 20 tấn, đóng hoàn toàn bằng gỗ sao, trị giá 20 cây vàng. Ghế cho khách ngồi là hai dãy băng làm bằng những thanh gỗ nhỏ dọc theo vách đò. Người lái đò ngồi phía trước bên phải, cuối đò là hầm máy, khoang nghỉ của chủ đò, có cả khu vệ sinh ở đuôi đò. Hai mạn đò treo cả chục vỏ bánh xe hơi cũ chống va đập.

Đò chạy dọc theo tuyến cố định như xe buýt bây giờ, cứ canh gần tới bến thì ông Ba bớp kèn, để cho khách có nhu cầu biết. Ngoài đón khách ở các bến quen thuộc, dọc đường thấy ai đứng trên bờ kêu "đò ơi" hoặc vẫy nón lá, vẫy khăn thì ghé vào rước.

Riêng đối với đò chạy đò ban đêm thì người ta có cách đón đò rất lạ. Tín hiện gọi đò ban đêm ngày ấy là những ánh đuốc lá dừa bập bùng ven sông. Nếu thấy ánh đuốc đứng yên là khách không đón, đuốc quơ ngang dọc cháy sáng bùng bùng là khách ra hiệu gọi đò, phải ghé vào rước.

Ông Võ Văn Út Ba chia sẻ: "Người ta đứng đón cách 50-70 m, thấy quắc lại, hồi xưa chạy 3-4h khuya người ta đốt đốt, quắc mình. Còn sau này chạy 5h sáng, hừng hừng thấy rồi. Hàng hóa mới điện thoại, còn khách hàng người ta đón mình ghé lại rước người ta đi thôi. Hồi xưa chạy bữa cũng kiếm 500-600 ngàn, cũng ngon lắm, vàng rẻ, mua được trên 1 chỉ, biết vàng lên mua vàng cũng lời"

Tín hiệu liên lạc giữa người lái tàu và người thợ máy là một chiếc chuông lớn, làm bằng vỏ đạn cối, nối bằng một sợi dây từ buồng máy ra chỗ người lái tàu. Người lái tàu giật chuông một tiếng, người giữ máy phải vào số cho tàu chạy tới, giật 2 tiếng thì cho tàu vào số lùi, giật 3 tiếng thì trả số về 0, giảm ga. Muốn tăng ga, sau khi giật chuông báo hiệu cho thợ máy vào số tới hoặc số lùi, người lái tàu phải giật chuông liên tục để thợ máy biết.

Ngày trước, người ta hay nói nhà nào có đò chở khách là nhà giàu, là chủ cả. Theo ông Út Ba, điều đó có phần đúng, nhưng ôm chiếc đò chạy đón khách dài theo sông rạch là cái nghề cực nhọc trăm bề, cực nhất là chạy đò đêm. Trên tuyến Vĩnh Tuy, tỉnh Kiên Giang đi thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang hiện có 3 chiếc đò dọc, mỗi chiếc khoảng 10 tấn. Xăng dầu lên nên mỗi kiện hàng khoảng 10 ký đổ lại, giá cước 6.000 đồng, tăng khoảng 2.000 đồng so với trước. Đò chạy đều đặn mỗi ngày, chạy 5 ngày rồi đổi tài người khác chạy, cứ thế luân phiên nhau. Thấy nghề vất vả lại bấp bênh nên ông Ba hướng những người con của mình tìm công việc ổn định, không lênh đênh sông nước như cha mình. 

Ông Võ Văn Út Ba, bày tỏ: "Hồi xưa thì chở hành khách, 10-15 năm về trước, lộ làng chưa có nên chở khách nhiều, bây giờ không có khách, chỉ chở hàng hóa thôi. Trước đây, HTX, bây giờ HTX không còn kể đò nữa, bỏ đò rồi, còn xe thôi. Hồi đó, đò nằm chung với xe luôn. Cũng như 3 chiếc mình gom lại mình bàn, tôi chạy 5 ngày, cưng chạy 5 ngày, chạy giáp giáp vậy đó. Chia nhau để sống thôi. Năm 80-90 mấy, thịnh hành, lộ làng chưa có. Đò này, chở 50-60 khách"

Sóng nước vỗ vào bờ. Trên những chuyến đò, người lớn bàn chuyện vụ lúa trúng thất, chuyện con cái học hành, ông bà già bệnh tật. Còn đám nhỏ thì ngồi nhìn ra mặt sông dưới ánh trăng, có đứa ngáp ngắn ngáp dài vì buồn ngủ. Trong ký ức của những bậc cao niên, đôi khi muốn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác, người ta phải đi qua tới 4 hoặc 5 chặng mới tới nơi.

Ảnh nh họa Internet

Còn với ông Trung Bá Nam, hơn 20 năm gắn với sông nước và những chuyến đò dọc chạy tuyến Hậu Giang- Kiên Giang, hơn ai hết, ông Nam hiểu tính nết của dòng sông, quen bến đón của từng khách ruột. Thời hưng thịnh, ngoài chở khách, những chuyến đò của ông cũng nhận lấy hàng cho các tiệm, cửa hàng tạp hóa ở trên tuyến đường của mình đi qua. Giá cả thì cũng hữu nghị, tùy theo mặt hàng, khách chủ yếu là mối quen.

Ông Nam say sưa kể về thời hưng thịnh của nghề: "Mấy năm mà chưa có cao tốc, lúc đó, khách đông lắm, lộ làng không có người ta đâu có đi xe được đâu. Hồi đó ngày nào mình cũng chạy hết trơn, vé 1 người từ dưới lên đây thì 20 ngàn, rồi từ từ dầu lên, lên được 30 ngàn, bể đường không chở khách được, bây giờ chở đồ không. Hồi đó dân mần mướn, dân cắt lúa, vụ nào đi theo vụ nấy, đông lắm"

Theo lời kể của ông Nam, hơn chục năm trước, những chuyến đò dọc rất nhộn nhịp và đông vui. Người ta thích đi đò không chỉ vì có thú vui ngắm cảnh làng quê sông nước, mà còn vì những tháng ngày đó, đò nhỏ chạy sông nhỏ, tốc độ cũng rất chậm nên hầu hết đều an toàn, không có cảnh chen lấn, hợp với những ai mắc chứng say xe. Ngày nay, đường bộ thông thương, ưu thế của giao thông thủy dần bị lép vé. Không còn là thời kỳ muốn qua sông thì phải lụy đò. Chuyện dòng sông, bến nước, con đò chưa là hoài niệm mà là những thay đổi cho phù hợp với thời gian.

Ông Trung Bá Nam, bộc bạch: "Đường xe bây giờ nó thông thương hết rồi, bây giờ chỉ chở đồ nào kềnh càng, xe nó chở không được thì mình mới chở được. Một tuần chạy được 2 chuyến, mọi lần thì ngày lên ngày về, còn lúc này ít hàng quá, từ dịch tới giờ, đâu có ai buôn bán gì được đâu. Cũng buồn nhưng mà thôi kệ ráng đi chứ sao giờ.  Làm lây lất ngày nào hay ngày nấy đi rồi chừng nào mấy đứa con lớn rồi mình chuyển hướng cho nó chứ giờ kêu nó làm như mình, nó đâu có làm, nặng nhọc mà đâu có được tiền bao nhiêu đâu"

Không chỉ tuyến đò của ông Nam mà nhiều tuyến khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ khi quản lộ Phụng Hiệp được thông xe, đường bộ từ Cần Thơ- Cà Mau rút ngắn đáng kể, chỉ mất 3 tiếng, đò Cần Thơ-Cà Mau cũng thưa dần khách, giờ đa số chở hàng hóa và những người bạn đò hoài niệm, muốn ngắm sông nước, hay đi để nhớ về những hoài niệm của một thời gian khó.

Ngày nay, nhiều người đã không còn chê phương tiện đường sông chậm hơn xe cộ, bởi họ biết những chiếc tàu đò có sự thoải mái riêng, chuyên chở được nhiều hành khách, hàng hóa và đặc biệt là an toàn hơn xe cộ chen chúc nhau lao trên những con đường quá tải. Biết rằng có nhiều bài toán phương tiện, kinh doanh phải giải, nhưng hãy cố gắng tìm cách hồi sinh những chuyến tàu đò xuôi ngược trên sông nước ền Tây Nam Bộ để góp phần giảm tải đường bộ...

Ông Võ Văn Út Ba chia sẻ: "Thời đại có lộ làng mình cũng mừng chứ bộ, hồi xưa bẩn chặt lắm. Giờ đường xá rộng rãi, thoáng mát, sướng muốn chết, đi đứng cũng dễ dãi, đò cũng tạm thời vậy thôi. Nhà nước lo được lộ như vậy sướng muốn chết"

Ngày nay, đường bộ phát triển, một số nơi những chuyến đò khách bắt đầu lùi vào dĩ vãng, khép lại sứ mệnh lịch sử vận chuyển hành khách một thời gian khó. Thế nhưng, hình ảnh những con đò trên sông, những ánh đuốc lá dừa lập lòe gọi đò đêm, những chiếc nón lá vẫy vẫy đôi bờ với tiếng gọi "đò ơi"... vẫn hằn sâu trong ký ức thân thương bao người.