Vũ điệu Bờ Hồ

Bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi vui chơi giải trí của người dân Hà Nội. Nhưng nơi đây cũng là chỗ tập trung đủ thứ nghề, người ta bám vào Bờ Hồ để mưu sinh…

Bờ Hồ ngoài là điểm vui chơi giải trí của dân Hà Nội còn là địa điểm mang tính… ngoại giao. Hễ ai có người nhà ở quê ra thì kiểu gì cũng phải đưa lên hồ Hoàn Kiếm dạo vài vòng. Đến Hà Nội mà không đi chơi Bờ Hồ thì coi như chưa biết Thủ đô.

Bờ Hồ, còn là nơi dân Hà Nội, cụ thể chủ yếu là dân phố cổ lấy đó làm nơi tập thể dục, nơi gặp gỡ bạn bè. Ngày xưa lên Bờ Hồ chơi chỉ có mấy cụ già đi bộ, đạp xe… bây giờ thì đủ các bộ môn thể dục sinh động. Sáng nào cũng đủ các câu lạc bộ thể dục với hàng trăm người tham gia, từ chạy bộ, cầu lông, đá cầu chinh, khiêu vũ, thể hình…

Nhưng phải kể đến đông nhất đó là những người làm nghề dịch vụ. Có cả trăm thứ nghề được hình thành qua năm tháng, và họ bám vào Bờ Hồ để mưu sinh. Trở thành những thực thể gần như kết dính đến mức khó tưởng tượng ra một ngày vắng bóng họ.

Từ những người bán hàng rong – đây có thể coi là đội quân đông nhất, và cũng khá phức tạp hoạt động quanh hồ Hoàn Kiếm. Chủ yếu là những lao động ngoại tỉnh lên thành phố mưu sinh. Mỗi người chỉ có một rổ hàng nho nhỏ, bên trong bày ít hoa quả gọt sẵn, hay rổ bánh rán, mấy chai nước… họ cứ đi xung quanh bờ Hồ, bám nhằng lấy chân khách du lịch.

Đã có rất nhiều trường hợp làm xấu đi hình ảnh của du lịch Thủ đô vì những đối tượng này. Khi họ sẵn sàng bóp chẹt khách hàng để kiếm chút lợi nhuận cho bản thân.

Rồi đến cánh đạp xích lô, trước đây những người đạp xích lô hoạt động rất đông quanh Bờ Hồ, nhưng từ khi có việc hạn chế phương tiện này thì giờ chỉ còn những người đạp xích lô phục vụ khách du lịch, và họ phải thuộc một đơn vị quản lý, chứ không có người hành nghề riêng lẻ.

Thợ chụp ảnh lưu niệm Bờ Hồ là không thể thiếu trong nhóm nghề sống nhờ vỉa hè Hồ Hoàn Kiếm. Dù bây giờ, ai cũng có máy ảnh, hay điện thoại để chụp hình, nhưng nghề này vẫn khá phát triển.

Lúc nào cũng thấy cả chục người ngồi quây kín trước cổng đền Ngọc Sơn. Những thợ ảnh ấy, có lẽ đã trở thành một “biểu tượng” gắn với du lịch Hồ Gươm.

Lực lượng hành nghề với số lượng ít hơn thì có thể kể đến thợ đánh giày, cờ thế, bói toán… thỉnh thoảng cũng biến tướng thành cờ bạc, bắt chẹt khách du lịch, những đối tượng này rất khó quản lý vì họ di chuyển liên tục, nay ngồi chỗ này, mai ngồi chỗ khác. Bao nhiêu năm vẫn thế…

Từ khi phố đi bộ hoạt động, nghề vẽ tranh Bờ Hồ lại có cơ hội quay trở lại và phát triển. Trước đây, có dòng tranh Bờ Hồ, với những bức tranh màu, rẻ tiền mà cũng rất ít người mua. Bây giờ thì chủ yếu lực lượng vẽ tranh Bờ Hồ là vẽ chân dung cho khách đi chơi phố đi bộ. Chân dung bút chì, bút bi, vẽ nhanh và cũng được nhiều người yêu thích.

Những ngày phố đi bộ hoạt động sẽ có thêm nhiều người bán hàng xuất hiện, từ bán bóng bay, kẹo bông, làm tò he, thỉnh thoảng có mấy người khiếm thị bán sáo trúc, rồi cánh bán sách, tranh ảnh, đĩa hát rong, đi rạc cẳng cả ngày mà chả bán nổi thứ gì, vì bây giờ, mấy ai đọc sách, nghe nhạc thì đã có điện thoại kết nối mạng, nghe cả ngày, mà họ vẫn làm nghề ấy bao nhiêu năm…

Nhưng có lẽ nghề phổ biến nhất là trà đá Hồ Gươm. Quanh hồ có tới hàng chục hàng trà đá, với đủ hình thức và quy mô. Từ những người phụ trách việc quản lý nhà vệ sinh công cộng, họ tận dụng luôn không gian nhà vệ sinh mở quán bán nước, tới những người chỉ có 1 giỏ nước cơ động nay ngồi gốc cây này, mai ngồi chỗ khác…

Bờ Hồ, từ sáng sớm tới đêm muộn, luôn tấp nập như thế. Từ những cụ già ra Bờ Hồ khiêu vũ, tìm niềm vui bạn bè lúc xế chiều, tới cánh thanh niên với đủ môn thể thao mạnh mẽ như đá cầu chinh, đánh cầu lông, chạy bộ, tập thể hình… mỗi nhóm chọn cho mình một góc Bờ Hồ.

Tất cả những điều ấy, tạo nên một vũ điệu sinh động, khiến hồ Hoàn Kiếm giống như một thực thể sống động, di chuyển không ngừng, xoay quanh trục trung tâm là cái tháp Rùa im lìm soi bóng mặt nước xanh ngắt quanh năm.