Vợ đẻ con giai

Bữa nọ lang thang ngắm phố, tình cờ thấy trước cửa một ngôi nhà cổ trên phố Hàng Lược giăng tấm băng rôn đỏ, với dòng chữ in hoa dõng dạc: Vợ đẻ con trai!

 

Hình ảnh khá thú vị nên tôi phải dừng chân ngắm tấm biển, chắc chắn mang đầy niềm tự hào của ông bố nào đó. Có lẽ, ông bố này đã phải mong mỏi có đứa con trai lâu lắm rồi; Cũng có lẽ trước cậu, đã có vài chị gái nên khi cậu bé ra đời, niềm vui trào dâng nên phải chia sẻ với tất cả mọi người.

Để biết rằng, tôi đã có con trai!

Bà chị dâu tôi, có ông bố làm cán bộ nhà nước, nhà cũng ở phố cổ, đẻ liền một lúc 5 cô con gái, đến đứa thứ 6 mới thoả mãn được niềm mong đợi có con trai nối dõi… Chẳng biết vui sướng ra sao, hạnh phúc thế nào, nhưng bà mẹ thì khốn khổ thật sự.

Một nách 6 đứa con, chồng đi công tác biền biệt, vài tháng mới về nhà một lần. Vậy là ngoài chăm con, bao nhiêu việc nhà, đối nội, đối ngoại đổ hết lên đầu bà mẹ. Thế là, ngay từ khi còn rất trẻ, tất cả mọi thú vui trần thế bà mẹ đều phải gác lại, cả thế giới xoay quanh 6 đứa con.

Đến giờ, về già, bà cũng chẳng biết được bên ngoài xã hội người ta sống ra sao, vui chơi thế nào. Mỗi lần muốn đi đâu lại phải chờ có đứa con nào rảnh rỗi về chở đi.

Tôi thường hay được mẹ kể lại, bữa mẹ đẻ tôi, ông bố sau khi vào phòng nhìn thấy con chạy ra sân bệnh viện ngửa cổ kêu trời: Lại… con trai! Chả là trước tôi đã có 2 anh rồi, bố mẹ thì cứ mong có một đứa con gái, cuối cùng thì chẳng được toại nguyện.

Ngày nay, vai trò của phụ nữ và nam giới đã được cải thiện hơn xưa, nhưng vẫn có nhiều người mang nặng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"

Khu tập thể nhà tôi ở trước kia có ông Cả Điềm, lấy 2 vợ, 6 anh con giai. Hai anh đầu dân giang hồ giang há, mỗi lần các anh về nhà… chơi, là lũ trẻ con bọn tôi được dịp sợ xanh mặt, trốn tiệt chả dám ra ngoài. Ban ngày thì các anh rủ hội đến nhậu say quoắc cần câu, phá từ nhà ra đến hàng xóm. Rồi đến nửa đêm là các anh cầm dây thép lững thững đi dọc khu tập thể “cẩn thận” buộc chặt từng cánh cửa nhà.

Sau đó vòng ra chuồng gà ngoài sân khi thì cắp luôn con gà mái mơ, lúc làm đôi cặp trống choai đi mất – Ngày xưa, mọi người trong khu tập thể thường hay nuôi gà vịt đẻ trứng để cải thiện bữa ăn, nhà nào cũng đóng một cái chuồng gà gỗ đặt ngoài sân, ban ngày thả, tối đến gà lại vào chuồng nằm ngủ.

Dân cả xóm biết mà chẳng làm gì được, cũng chẳng dám dây với các anh. Sau nghe nói các anh phạm tội gì đó ghê lắm, bị đi tù dài, rồi chẳng thấy về.

Hai anh sau nhà ông Cả Điềm thì một anh dở hơi, một anh mất sớm. Giờ còn lại 2 anh út thì cũng vất vưởng chả công ăn việc làm gì ra hồn. Ông bà mất, nhà cửa các anh cũng bán cả, rồi kéo vợ con đi đâu đó mất tích…

Những câu chuyện vui có, buồn có kể trên để thấy rằng, đôi khi niềm vui của người này lại là nỗi thất vọng của kẻ khác. Nhưng cũng thấy một thực trạng vẫn còn ám ảnh nhiều người, dù là sống ở phố, tiếp xúc với nhiều thông tin văn nh, vẫn có suy nghĩ trọng nam, khinh nữ. Vẫn phải kiếm tìm bằng được một đứa con trai nối dõi tông đường.

Có những người bạn tôi, hiếm muộn, chạy chữa kéo dài hàng chục năm giời vẫn không được thoả nguyện có một đứa con, để ôm ấp, để chăm sóc, để được sống đúng nghĩa là một gia đình trọn vẹn. Những trường hợp như thế, dù có con trai hay con gái cũng đều là niềm hạnh phúc vô bờ bến…