Vĩnh Tế - Huyền thoại dòng kênh trăm tuổi

Ở miền Tây Nam Bộ có những dòng kênh đào trăm tuổi không chỉ giúp an ninh biên phòng được đảm bảo, giao thông, trị thuỷ, phát triển kinh tế mà còn là mạch máu của đồng bằng châu thổ.

Trong số này, phải kể đến kênh đào Vĩnh Tế - để có được dòng kênh ấy, nhiều máu xương, công sức của tiền nhân đã đổ xuống để dựng xây vùng đất mới vững bền và tươi đẹp như hôm nay. 

Dòng kênh Vĩnh Tế nối tỉnh An Giang với tỉnh Kiên Giang bằng đường thủy. Ảnh: danviet.vn

Kênh Vĩnh Tế được ông Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu - vị quan triều Nguyễn) chỉ huy đào trong 5 năm liền (1819-1824) để phát triển nông nghiệp và mở đường cho vùng đất phương Nam những ngày đầu khai hoang mở cõi và là là công trình mang tính chiến lược, bảo vệ quốc phòng-an ninh.

Tác giả trẻ Vĩnh Thông ở An Giang người say mê chinh phục cả lĩnh vực sáng tác thơ văn lẫn khảo cứu văn hóa chia sẻ: "Kênh Vĩnh Tế có chiều dài, gần 90 cây số và đây là kênh đào quan trọng trong lịch sử Việt Nam nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên, thì 2 địa điểm này là 2 địa điểm xung yếu về quốc phòng của Việt Nam từ xưa đến nay. Ngoài vai trò về quân sự vậy đó, thì kênh Vĩnh Tế còn có vai trò thoát bớt nước của Sông Cửu Long ra biển Tây vào mùa nước nổi.

Công trình này, bắt đầu khởi động từ năm 1819 dưới triều vua Gia Long đến năm 1824 thì nó được hoàn tất, dưới triều vua Minh Mạng. Tuy nhiên việc đào kênh thì không xuyên suốt 5 năm đó, mà có những giai đoạn gián đoạn, tạm nghỉ. Tổng cộng thời gian đào kênh được chia làm 3 giai đoạn, tổng nhân công của cả 3 giai đoạn này khoảng 90.000 người"

Trong sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá ền Hậu Giang, quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại tức Thoại Ngọc Hầu là người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế. Để làm cho con kinh được thẳng, người xưa đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây "sào lửa" ấy cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.

Tác giả trẻ Vĩnh Thông, chia sẻ thêm: "Ngay từ khi khởi công Triều đình Nhà Nguyễn đã đặt tên cho kênh này là kênh Vĩnh Tế và chi tiết này được ghi rõ trong 2 quyển sách là Quốc triều chánh biên toát yếu và Gia Định thành thông chí. Đặc biệt quyển Gia Định thành thông chí được công bố vào năm 1820, tức là chỉ 1 năm sau khi dòng kênh này được khởi công và lúc công bố quyển sách này thì dòng kênh vẫn chưa được đào xong. Nhưng trong tác phẩm đã ghi rõ là tên kênh là kênh Vĩnh Tế.

Xét trên thực tế điều này cũng hợp lý và chúng ta giải thích được, đó là vì một công trình rất là lớn và kéo dài nên các thư từ văn bản liên lạc giữa triều đình và địa phương rất nhiều. Như vậy, thì họ cần có tên, cho dòng kênh này để thuận tiện cho việc trao đổi. Sau khi kênh được đào xong thì vua Minh Mạng mới ban tên cho ngọn Núi Sam nằm bên cạnh dòng kênh với tên là Vĩnh Tế Sơn.

Và với tự hào với tên núi được vua ban thì Thoại Ngọc Hầu đã cho khắc tấm bia ghi lại sự việc này “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký”, tức là việc ghi chép việc vua đặt bia ban tên núi Vĩnh Tế. Ngày nay, tấm bia này vẫn còn được bảo quản tại lăng Thoại Ngọc Hầu, bên triền Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang".

Kênh Vĩnh Tế đoạn qua xã An Phú (Ảnh: VnExpress)

Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,

Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.

Có thể thấy, ngày nay kênh Vĩnh Tế không chỉ mang nước ngọt kèm phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, mà còn cho cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Từ đó, nhiều địa phương mở rộng dần diện tích trồng lúa.

Trước đây, khi chưa có đường bộ, thương lái muốn vào tận vùng sâu, vùng xa thu mua nông sản đều phải qua kênh này. Ngoài vai trò chiến lược quốc phòng, kênh Vĩnh Tế còn là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương hàng hóa từ TP. Châu Đốc đến TP. Hà Tiên.

Nói về lợi ích của con kênh này, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: “Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”. Năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh làm quốc bảo, hình ảnh kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào Cao Đỉnh (đỉnh chính giữa, cao nhất) đặt trong sân Thế Miếu.

Tác giả trẻ Vĩnh Thông chia sẻ: "Có thể nói từ khi có kênh Vĩnh Tế, thì dọc 2 bên bờ kênh các làng sớm được hình thành, thu hút đông đảo người dân đến đến khai mở đất hoang, phát triển nông nghiệp và họ cùng nhau giữ gìn biên cương. Nhìn chung, vai trò kênh Vĩnh Tế đây là công trình lớn có nhiều giá trị về quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi, cũng như là nông nghiệp và ngày nay giá trị này vẫn còn được phát huy".

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, kênh Vĩnh Tế và những đóng góp của danh thần Thoại Ngọc Hầu đối với quá trình hoạch định, bảo vệ biên giới quốc gia vẫn còn nguyên giá trị. Tên tuổi của ông sẽ mãi tồn tại với đất và người An Giang nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung, trở thành niềm tự hào, là động lực để thế hệ hôm nay viết tiếp câu chuyện hào hùng, cùng góp sức xây dựng, phát triển quê hương.