Theo nhiều tài liệu ghi lại, Vĩnh Tế là con kênh đào lớn thứ hai trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam. Các tài liệu lịch sử về sự kiện đào kênh Vĩnh Tế đều ghi nhận người có công lao nổi bật trong công trình này là quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại tức Thoại Ngọc Hầu.
Ngược dòng lịch sử, việc đào kênh Vĩnh Tế được khởi công vào tháng Chạp năm 1819, từ bờ Tây sông Châu Đốc (thuộc địa phận phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc ngày nay), chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Chân Lạp nối tiếp với sông Giang Thành (thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Việc đào kênh được chia làm 3 đợt.
Đợt đầu tiên từ ngày rằm tháng Chạp năm 1819 đến ngày rằm tháng 3 năm 1820. Qua đợt 1, kênh Vĩnh Tế đã đạt chiều dài hơn 28km. Đợt hai từ tháng 2 đến tháng 4 (âm lịch) năm 1823. Tổng cộng nhân lực đào kênh đợt hai khoảng hơn 45.000 người, chia làm 3 phiên. Mỗi phiên làm ít nhất nửa tháng, nhiều là 1 tháng. Công việc đào kênh kéo dài đến đầu mùa hè thì tạm hoãn do hạn hán, đất quá cứng khó đào, thời tiết khắc nghiệt.
Qua đợt hai, tổng chiều dài lên khoảng 60km. Đợt cuối cùng từ tháng 2 đến tháng 5 (âm lịch) năm 1824, kênh Vĩnh Tế chính thức hoàn thành. Nhà nghiên cứu Vĩnh Thông, tác giả của nhiều đầu sách có tiếng về văn hóa và vùng đất An Giang chia sẻ: "Công trình này, bắt đầu khởi động từ năm 1819 dưới triều vua Gia Long đến năm 1824 thì nó được hoàn tất, dưới triều vua Minh Mạng. Tuy nhiên việc đào kênh thì không xuyên suốt 5 năm đó, mà có những giai đoạn gián đoạn, tạm nghỉ. Tổng cộng thời gian đào kênh được chia làm 3 giai đoạn, tổng nhân công của cả 3 giai đoạn này khoảng 90.000 người"
Dụng cụ đào kênh theo nhiều tài liệu ghi lại rằng là những nông cụ sản xuất hàng ngày của nông dân, như: Cuốc, dao; sọt, ky để đựng đất… Để cung cấp kịp thời công cụ đào kênh, triều đình tổ chức các lò rèn ngay tại công trường của kênh Vĩnh Tế. Việc đào kênh rất vất vả, điều kiện lao động hết sức khó khăn với thời tiết khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, thú dữ, rắn rết, sinh hoạt thiếu thốn... khiến cho số người đau ốm, tai nạn hoặc bị chết khá nhiều.
Do kênh Vĩnh Tế dài nên khâu khảo sát và đo đạc rất phức tạp, phải chia ra làm 10 đoạn thực hiện. Khi đo đạc cắm mốc đến đâu, người ta lại dùng la bàn tìm hướng cho chính xác. Để làm cho con kênh được thẳng, người xưa phải đợi ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc buộc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.
Nhà nghiên cứu Vĩnh Thông kể tiếp: "Có thể nói từ khi có kênh Vĩnh Tế, thì dọc 2 bên bờ kênh các làng sớm được hình thành, thu hút đông đảo người dân đến đến khai mở đất hoang, phát triển nông nghiệp và họ cùng nhau giữ gìn biên cương. Nhìn chung, vai trò kênh Vĩnh Tế đây là công trình lớn có nhiều giá trị về quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi, cũng như là nông nghiệp và ngày nay giá trị này vẫn còn được phát huy"
Theo nhiều tài liệu ghi lại, ngay từ khi khởi công Triều đình Nhà Nguyễn đã đặt tên cho kênh này là kênh Vĩnh Tế. Chi tiết này được ghi rõ trong 2 quyển là Quốc triều chánh biên toát yếu và Gia Định thành thông chí.
Đặc biệt quyển Gia Định thành thông chí được công bố vào năm 1820, tức là chỉ 1 năm sau khi dòng kênh này được khởi công và lúc công bố quyển sách này thì dòng kênh vẫn chưa được đào xong. Nhưng trong tác phẩm đã ghi rõ là tên kênh Vĩnh Tế. Xét trên thực tế điều này cũng hợp lý vì một công trình rất là lớn và kéo dài nên các thư từ văn bản liên lạc giữa triều đình và địa phương rất nhiều. Như vậy, thì họ cần có tên, cho dòng kênh này để thuận tiện cho việc trao đổi.
Lớn lên cùng dòng nước phù sa của con kênh kênh Vĩnh Tế, từ nhỏ, anh Trần Văn Đồng, đã nghe người lớn kể về huyền thoại đào con kênh của quê hương mình. Với anh, nhắc đến kênh Vĩnh Tế là nhắc đến niềm tự hào của người dân xứ núi: "Qua hàng trăm năm, dòng nước thiêng của kênh Vĩnh Tế như ngấm vào máu thịt và là niềm tự hào của người dân địa phương. Nhờ có kênh Vĩnh Tế mà người dân việc sản xuất, giao thương của người dân thuận lợi…"
Bằng trí tuệ, tinh thần lao động bền bỉ, kiên gan nhưng đầy sáng tạo, ông cha ta đã tạo ra một công trình kỳ vĩ trên vùng Tây Nam biên viễn vào đầu thế kỷ XIX. Ngoài vai trò về quân sự thì kênh Vĩnh Tế còn có vai trò thoát bớt nước của Sông Cửu Long ra biển Tây vào mùa nước nổi, mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân địa phương. Kênh Vĩnh Tế hiện diện như chiến hào khổng lồ bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia trên tuyến biên giới Tây Nam.
Nhà nghiên cứu Vĩnh Thông, cho biết thêm: "Sau khi kênh được đào xong thì vua Minh Mạng mới ban tên cho ngọn Núi Sam nằm bên cạnh dòng kênh với tên là Vĩnh Tế Sơn. Và với tự hào với tên núi được vua ban thì Thoại Ngọc Hầu đã cho khắc tấm bia ghi lại sự việc này “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký”, tức là việc ghi chép việc vua đặt bia ban tên núi Vĩnh Tế. Ngày nay, tấm bia này vẫn còn được bảo quản tại lăng Thoại Ngọc Hầu, bên triền Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang"
Trãi qua 200 năm đầy thăng trầm cùng thời cuộc, kênh Vĩnh Tế vẫn ệt mài đưa dòng nước ngọt từ sông Châu Đốc bồi đắp cho vựa lúa rồi băng qua vùng biên viễn để hòa vào lòng biển Tây Nam. Kênh Vĩnh Tế và những đóng góp của danh thần Thoại Ngọc Hầu đối với quá trình hoạch định, bảo vệ biên giới quốc gia vẫn còn nguyên giá trị.
Không chỉ về kinh tế, giao thương, tạo sinh kế cho người dân, kênh Vĩnh Tế còn là phòng tuyến đường thủy án ngữ dải biên giới Tây Nam, chứng kiến cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân vùng biên. Đặc biệt, sau năm 1975, công trình này còn góp công rất lớn vào công cuộc quan trọng khác, đó là khai thác Tứ giác Long Xuyên, chương trình do cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khởi xướng năm 1988.
Giờ đây, sau 200 năm hoàn thành, phù sa vẫn theo dòng kênh Vĩnh Tế ệt mài bồi đắp cho vựa lúa, làm sung túc thêm cuộc sống của nguời dân nông thôn trải dọc biên giới. Kênh Vĩnh Tế như một chứng nhân lịch sử mà tầm ảnh hưởng của nó lên văn hóa đời sống người dân ở biên giới Tây Nam khắc sâu và bền vững.