Có đôi khi giữa những hối hả, xô bồ của đô thị hiện đại, vỉa hè không còn chỉ in dấu những bước chân bộ hành, mà là cả những vệt bánh xe lăn dài bất đắc dĩ từ xe máy.
Một ngày trên phố cùng bộ hành để cảm nhận về hình ảnh vỉa hè Hà Nội sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.
Giờ cao điểm sáng, trên đường Nguyễn Trãi, hình ảnh từng đoàn xe máy di chuyển trên vỉa hè dường như đã vơi bớt. Không gian vỉa hè trong mắt bộ hành trở nên thoáng đãng hơn, khi vỉa hè được thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.
Bước chân bộ hành dường như cũng thong thả, chậm rãi hơn. Cả những người dân tranh thủ nán lại ở quán ăn sáng trên đường, được dịp tranh thủ ngắm phố phường cũng thấy bất ngờ, bởi sự đổi thay nhỏ của vỉa hè Hà Nội một sáng đầu tuần nhộn nhịp và đông đúc:
"Phạt phải xứng đáng thì người ta mới sợ nếu ko thì người ta cho là bình thường. Có ai dám đi lên vỉa hè đâu, chỉ vì cái túi tiền không thể đáp ứng được mức phạt đó. Từ hôm đấy ngồi đây cũng cảm thấy dễ chịu, đường vỉa hè có phải là của xe máy đi đâu, nó lát đá nên trời mưa rất hay bị tai nạn, nguy hiểm lắm".
Việc nâng mức xử phạt có tác động mạnh mẽ tới ý thức của người dân, đem đến tín hiệu tích cực cho giao thông Thủ đô. Nhưng với những chủ xe máy thiếu kiên nhẫn, vỉa hè của bộ hành vẫn được lựa chọn như một lối đi ưu tiên.
Tới giờ tan tầm chiều, chẳng hạn như ở đường Nguyễn Xiển, xe cộ lại tấp nập nối đuôi nhau di chuyển. Người tham gia giao thông chỉ muốn mau chóng trở về nhà sau một ngày học tập và làm việc vất vả.
Khói bụi từ các phương tiện có đôi chút khó chịu, hay chính sự ùn tắc vốn là điều không ai mong muốn, có lẽ đã khiến nhiều người phải tìm đến các cách di chuyển khác nhau.
Vỉa hè rồi lại trở thành “làn đường” bất đắc dĩ cho xe máy những khi trở nên vội vã, khẩn trương trên phố.
Những ngày đầu sau khi áp dụng mức xử phạt mới, bộ hành dù có vơi bớt được một chút cảm giác phải nhìn trước nhìn sau trên vỉa hè, song vẫn như một thói quen vô thức từ lâu, bước chân vẫn nép thật gọn vào lề phía trong để giữ an toàn cho mình.
Bởi, người ngồi trên xe máy, đôi khi còn sốt ruột hơn cả những bộ hành đang rảo bước thật nhanh trên phố:
"Tắc đường như thế mà ô tô đi hết làn đường rồi, nó lại đi sát vào với vỉa hè này thì xe máy không lên đây đi thì sao mà đi được, xe đằng sau không đi được. Người ta đi ít hơn nhưng mà cái đoạn này vẫn đi nhiều hơn tại vì không có công an".
"Xe máy leo lên nhiều, đặc biệt là những giờ cao điểm, tầm buổi chiều tối thì không có chỗ mà đi. Đây là lần đầu tiên mình đi sau khi áp dụng mức phạt thì mình thấy xe máy vẫn đi bình thường thôi chứ không thấy mọi người có ý thức đi xuống đường, nguy hiểm cho người đi bộ".
Vỉa hè là khoảng không gian đảm bảo an toàn cho người đi bộ, ấy vậy lại khiến bộ hành có đôi lúc phải e ngại. Sự e ngại này chưa thể biến mất trong ngày một ngày hai. Bởi, vỉa hè là phần đường riêng và là đặc quyền của bộ hành ở bất cứ tuyến phố lớn nhỏ nào, lại chưa thể làm tốt nhất vai trò của mình.
Dù là với mức xử phạt nào, trước hay sau khi đưa vào thực tiễn, quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của những người tham gia giao thông trên phố.
Và hành trình của bộ hành sẽ ý nghĩa hơn khi ta có thể tập trung tận hưởng những cung đường, tranh thủ ngắm nghía cái đẹp của phố phường Hà Nội qua mỗi bước chân, hay đơn giản chỉ là bộ hành trong chính không gian giao thông văn nh và an toàn, nơi vỉa hè thật sự là dành cho những người đi bộ!