Vỉa hè cần “nghỉ ngơi”

Hiện nay Hà Nội đã qua cao điểm đào đường, chỉnh trang hè phố. Chỉ còn sót lại vài tuyến phố chưa triển khai xong, và thành phố cũng đã có lệnh tạm dừng thi công hè để phục vụ nhân dân đi lại, đón Tết.

Như vậy, vỉa hè Thủ đô đang có quãng thời gian được “nghỉ ngơi” sau một thời gian bị xới tung lên để lát lại gạch. Người đi bộ cảm nhận thế nào về sự thay đổi tạm thời này? Họ mong muốn cách ứng xử ra sao để vỉa hè được “nghỉ ngơi” một cách thực sự?

PV VOV Giao thông có dịp trò chuyện với ông Dương Văn Chiến, người thường xuyên đạp xe và đi bộ hàng ngày từ quận Hai Bà Trưng sang quận Hoàng Mai, Hà Nội.

PV: Bác thấy thế nào khi Hà Nội yêu cầu ngừng thi công lát lại vỉa hè để phục vụ người dân đi lại, đón Tết?

Ông Dương Văn Chiến: Nếu Hà Nội quan tâm đến Tết cổ truyền, thì nên chỉnh trang lại sớm, cách thời gian dân đón Tết ra, đẩy nhanh tiến độ thì tốt hơn. Như đường Trương Định từ khu Đuôi Cá sang chỗ Chợ Mơ người ta sửa thì giáp Tết mới xong. Thì chỉnh trang xong, nó đẹp hơn, người dân cũng cảm thấy phố sá nó đàng hoàng hơn.

Còn những nơi khác, họ cũng chỉ quan tâm những đường chính. Còn nhánh phụ vẫn còn bẩn thỉu, ổ voi ổ gà nhiều.

Vỉa hè Hà Nội cần 'nghỉ ngơi' thực sự, nó cần cách tiếp cận khác về kế hoạch thi công, thay vì điệp khúc đào xới mỗi dịp cuối năm, gây phiền hà, tốn kém, mất mỹ quan

PV: Chúng ta cho vỉa hè “nghỉ ngơi” từ 16/1 để không đào xới. Nhưng hàng năm, dường như đến hẹn lại lên, cuối năm chúng ta vẫn xới vỉa hè…

Ông Dương Văn Chiến: Ở đâu cũng thế, đất chật người đông. Ngoài người Hà Nội, còn các tỉnh cũng về sinh hoạt. Tất cả vỉa hè bị lấn chiếm, chật chội, đi lại rất khó khăn. Tôi thấy, vỉa hè chỗ nào là trung tâm thì được quan tâm, còn nhà dân bình thường thì rất khổ.

Tôi mong muốn làm sao đâu là đường, đâu là vỉa hè, mà đã là vỉa hè để cho dân đi bộ, tập luyện, giải trí, đi đây đi đó. Nói chung mang tiếng là đi làm vỉa hè, nhưng độ bền không được cao. Những người nhận công trình đường sá của Hà Nội phải làm đến nơi đến chốn, chứ không phải hết công trình là đi, lại làm cái khác, để chất lượng không cao, nó hư hỏng, nó xấu.

PV: Ngoài chất lượng thi công, chúng ta cũng cần quản lý sau thi công đúng không ạ?

Ông Dương Văn Chiến: Đúng rồi, nếu nó không phù hợp điều kiện, anh mà đào xới, nền của nó phục vụ người đi bộ khác, cho ô tô lên thì khác, nó hỏng đi còn gì nữa. Đối xứng nó không đủ, ô tô mà lên dứt khoát là bị lún, vỡ gạch, có khác gì anh phá. Hà Nội phải có quy định nơi đỗ xe, tất cả do phường, quận, chỗ nào đi bộ, chỗ nào để xe.

Cũng giống như trong gia đình, phải có quy định mới có kết quả. Nhiều chỗ lộm nhộm, nên người dân cũng kệ. Tốt người ta đi, không thì người ta tránh. Đại ý thế, vấn đề là điều hành của các địa phương.

PV: Bác có mong muốn điều gì liên quan thời gian và tiến độ thi công?

Ông Dương Văn Chiến: Việc nào đi việc ấy. Chất lượng là do chủ thầu nhận. Còn thời gian do quận đề ra. Họ thống nhất với nhau thì người dân cũng chẳng biết được. Họ kéo dài bao lâu là do họ.

Người dân Hà Nội cũng mong muốn có nơi vui chơi, đi lại ở vỉa hè. Giờ không có những thứ ấy, người ta ở mãi trong nhà cũng bức xúc. Những cái ấy, thành phố, quận, phường quản lý thì nên quan tâm, để duy trì cuộc sống người dân, họ mới thấy nơi ấy cán bộ người ta làm tốt.

Chứ cứ để nó không đâu ra đâu, làm xong lại đục lên, xong vá vào, không có sự liên kết lại chóng hỏng. Đáng ra được 5 năm thì 2 năm đã hỏng. Cứ điện, nước, gạch lát đào lên, lấp xuống nên độ liên kết kém. Cái quan tâm nhất, anh làm sạch sẽ rồi, thì anh phải duy trì để người dân chấp hành, đi lại thuận tiện. Đó mới là cái tốt.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của bác!

Theo ông Dương Văn Chiến, vỉa hè nhiều nơi hiện rất lôm côm, lát đi lát lại vì chất lượng thi công kém. Nó cần được trả lại không gian yên bình cho người dân dạo bộ, tiếp cận GTCC

Qua cuộc trao đổi vừa rồi với ông Dương Văn Chiến, một cán bộ hưu trí, có vẻ như vỉa hè, phần kết cấu hạ tầng giao thông cho người đi bộ đang chưa được ứng xử đúng với thiết kế và công năng của nó. Vỉa hè cần được trả lại sự yên bình, thông thoáng. Nó cần những giải pháp và cách thức thi công mới để tạo sự thoải mái, tiện lợi cho người đi bộ.

Điệp khúc đào đường, lát lại hè phố bất thường vào mỗi dịp cuối năm không chỉ ngáng trở khả năng tiếp cận của người đi bộ với giao thông công cộng, nó còn cho thấy cán bộ phụ trách ở cấp thành phố, cấp quận, phường có thực sự coi trọng vai trò của vỉa hè trong kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.