Tại kỳ họp thứ 7 Quốc Hội sẽ thảo luận về Luật thuế GTGT sửa đổi. Một trong các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội còn tranh luận nhiều về Luật thuế GTGT sửa đổi là nội dung sửa điểm b khoản 2 Điều 9 của Luật, đó là thay đổi quy định đối với mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành chuyển sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%.
Theo Tổng cục Thuế, một số lý do nội dung của dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội về quy định sửa đổi này như sau:
Thứ nhất, Xuất phát từ vướng mắc trong thực tiễn, trong quá trình thực hiện, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ngoài ra, khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị sửa đổi quy định này.
Việc sửa đổi quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án sản xuất phân bón, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón. Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông
Thứ ba, Mục tiêu đưa thuế GTGT mặt hàng phân bón sang chịu thuế GTGT sẽ thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu. Cụ thể, theo quy định của Luật thuế GTGT mức thuế suất GTGT sẽ được áp dụng thống nhất đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước, như vậy khi áp dụng thuế suất 5% thì giá phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% và điều này là cơ hội cho phân bón sản suất trong nước có thể cạnh tranh về giá với phân bón nhập khẩu
Thứ tư, nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón thì sẽ tăng thu Ngân sách nhà nước cả thu nội địa và khoản thu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu đối với các mặt hàng phân bón nhập khẩu./.